Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018

Con đường thâu tóm đất vàng của các đại gia bất động sản

Cập nhật lúc 10:19

Mua lại vốn, tham gia đầu tư dự án BT, hay tham gia cổ phần hóa… là cách làm của nhiều đại gia để sở hữu những khu đất vàng, đất kim cương giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

Bằng nhiều cách khác nhau, nhiều đại gia trong lĩnh vực bất động sản nghiễm nhiên nắm giữ các dự án trên đất vàng tại Hà Nội và TP.HCM. Sự việc đang được dư luận chú ý gần đây là khu đất có diện tích gần 5.000 m2 tại số 8-12 Lê Duẩn, trung tâm quận 1, TP.HCM đang bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi vì phát hiện ra nhiều sai sót trong quá trình giao và cho thuê đất. Theo kết luận thanh tra, dự án được giao đất không thông qua đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất...

Đường thâu tóm đất vàng 8-12 Lê Duẩn

Trước năm 2007, khu đất do Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM quản lý và giao cho 4 công ty thuộc Bộ Công Thương làm trụ sở. Đến năm 2007, khi UBND TP.HCM có chủ trương sử dụng khu đất 8-12 Lê Duẩn xây dựng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và một phần trung tâm thương mại, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM được giao thu hồi và quản lý mặt bằng trong thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án.
Con duong thau tom dat vang cua cac dai gia bat dong san hinh anh 1 
Khu đất rộng 5.000 m2 bị bỏ trống nhiều năm nay làm bãi trông xe bị kiến nghị thu hồi. Ảnh: Lê Quân.
 Đến năm 2010, UBND TP.HCM chấp thuận phương án thành lập Công ty cổ phần để thực hiện dự án, với cổ đông sáng lập gồm Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM sở hữu 50% và 4 công ty thuộc Bộ Công thương nắm giữ  50% vốn còn lại.
Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó, 30% trong tổng số 50% vốn do Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM sở hữu đã được chuyển nhượng cho Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm. Cùng lúc đó, 4 công ty thuộc Bộ Công Thương cũng nhanh chóng bán toàn bố số vốn góp cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (sau này là Tập đoàn Kido)
Tính ra, chỉ chưa đầy 2 tháng, 80% vốn dự án đất vàng Lê Duẩn đã được chuyển nhượng cho hai doanh nghiệp tư nhân để thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue, phát triển dự án.

Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Kido, đến cuối năm 2017, 50% vốn góp của công ty tại liên doanh Lavenue có giá trị lên tới 1.072 tỷ đồng, cao hơn nhiều lần so với số tiền ban đầu chi ra để nhận chuyển nhượng từ 4 công ty thuộc Bộ Công Thương.

Mua vốn thâu tóm đất "kim cương"

Hình thức mua lại vốn chủ sở hữu tại các dự án chưa triển khai đã được nhiều doanh nghiệp bất động sản áp dụng từ lâu, để phát triển quỹ đất của mình.
Tháng 3/2016, khu đất vàng 5.000 m2 tại 93 Láng Hạ cũng đổi chủ theo cách tương tự, từ tay Công ty Bất động sản An Thịnh sang Vinaconex.
Cụ thể, thông qua 3 công ty con, là Công ty cổ phần Xây dựng số 2; Công ty cổ phần Vimeco và Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị Vinaconex IUC, Vinaconex đã nhận chuyển nhượng phần lớn vốn tại An Thịnh. Song song đó là sáp nhập công ty này trở thành công ty con của tập đoàn, qua đó chính thức trở thành chủ sở hữu của dự án cải tạo chung cư cũ số 93 Láng Hạ.
 Con duong thau tom dat vang cua cac dai gia bat dong san hinh anh 2
Khu đất "kim cương" 22-32 Lê Thái Tổ (sát mặt Hồ Gươm, Hà Nội) trước đây là siêu thị Intimex đang được xây dựng khách sạn cao cấp. Ảnh: Hữu Nghị.
Một dự án khác nằm trên khu đất “kim cương” của thủ đô là dự án khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ (sát mặt Hồ Gươm).
Với diện tích hơn 2.800 m2, dự án trước đây là siêu thị Intimex do Công ty cổ phần Intimex Việt Nam sở hữu. Tuy nhiên, siêu thị này đến nay đã được dẹp bỏ, để chuẩn bị triển khai dự án khách sạn tại đây.
Đáng chú ý, trước thời điểm Intimex được phép triển khai xây dựng khách sạn sang trọng tại khu đất "kim cương" này, Tập đoàn BRG của nữ đại gia Nguyễn Thị Nga đã mất nhiều năm thâu tóm vốn cổ phần. Từ năm 2009, Tập đoàn BRG đã bắt đầu chi tiền mua lại 11,59% vốn Intimex Việt Nam, bà chủ BRG sau đó trở thành Chủ tịch HĐQT tại Intimex Việt Nam.
Đến năm 2015, khi SCIC chủ trương thoái toàn bộ 34,3% vốn tại doanh nghiệp này, Công ty Thung lũng vua (thành viên của BRG) đã chi ra hàng trăm tỷ mua lại toàn bộ số vốn, nâng sở hữu cả trực tiếp lẫn gián tiếp của BRG tại công ty này lên hơn 46%.

Đến tháng 7/2016, UBND TP. Hà Nội cho phép triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 phố Lê Thái Tổ, chính thức xóa sổ siêu thị Intimex tại đây.

 Tham gia cổ phần hóa thâu tóm đất giá rẻ

Một sự kiện cũng khiến dư luận quan tâm là chuyện cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam (VFS).
Cụ thể, tháng 4/2016, sau khi tiến hành cổ phần hóa, vốn điều lệ VFS đã được tăng lên đạt 50 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước nắm giữ 20%, cán bộ công nhân viên nắm giữ 4,5%; có 10,5% cổ phần được mang ra đấu giá công khai và 65% vốn được bán cho nhà đầu tư chiến lược, là Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso).
 Con duong thau tom dat vang cua cac dai gia bat dong san hinh anh 3
Tham gia cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam giúp đại gia Nguyễn Thủy Nguyên trở thành ông chủ của nhiều khu đất vàng. Ảnh: Quỳnh Trang.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất phim với 96% doanh thu đến từ hoạt động này nhưng VFS lại đang quản lý nhiều khu đất "vàng" giá trị như số 4 Thụy Khuê; số 46, ngõ 151 Hoàng Hoa Thám... với giá thị trường hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, Vivaso lại trở thành ông chủ tại VFS, khi chi ra chỉ 33 tỷ đồng cho 65% vốn cổ phần tại VFS. Ông chủ của Vivaso, đại gia Nguyễn Thủy Nguyên, sau đó cũng trở thành Chủ tịch tại Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (tên mới của VFS).
Đáng chú ý, Vivaso cũng chỉ là doanh nghiệp đang trong quá trình cổ phần hóa tương tự VFS.

Ông chủ đứng sau Vivaso lại là Công ty liên hợp xây dựng Vạn Cường (nắm giữ 77,1% vốn), một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực bất động sản, hạ tầng giao thông. Ông chủ của Vạn Cường cũng là đại gia Nguyễn Thủy Nguyên, với vai trò Tổng giám đốc và sở hữu 98,87% vốn điều lệ tại đây.

Thâu tóm đất thông qua dự án BT

Tháng 7/2015, đại gia bất động sản mới nổi là Văn Phú Invest cũng thâu tóm thành công khu đất "kim cương" mặt đường Giảng Võ (quận Đồng Đa, Hà Nội), khi ký hợp đồng với Bộ Y tế về việc xây dựng mới Đại học Y tế công cộng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Theo đó, đơn vị này sẽ bỏ ra gần 644 tỷ đồng để xây dựng Đại học Y tế công cộng mới tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đổi lại, Văn Phú Invest sẽ là chủ đầu tư dự án trên khu đất được đánh giá là “kim cương” tại số 138B phố Giảng Võ, địa điểm cũ của đại học này. Khu đất trên có diện tích khoảng 15.600 m2 năm ngay trung tâm nội đô, gần ngã 3 Núi Trúc và Giảng Võ.
Trước đó, sau khi Hà Nội có chủ trương di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm, nhà máy ra khỏi khu trung tâm nội đô, mảnh đất 6,2 ha tại 231 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng cũng trở thành tâm điểm với nhiều đại gia bất động sản.
 Sau khi bỏ qua nhiều cái tên lớn như Vingroup, FLC Group, T&T, BRG… Cao su Sao Vàng quyết định bắt tay với Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn để thành lập liên doanh đầu tư dự án trên nền nhà máy cũ, với vốn đầu tư dự kiến 1.673 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính của Cao su Sao Vàng, công ty này góp 139 tỷ đồng, tương đương 26% vốn góp tại Công ty TNHH Sao Vàng - Hoành Sơn (tổng vốn 500 tỷ đồng). Ngoài ra, dự án còn có sự tham gia của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Hưng Thịnh Phát.
(Theo Zing.vn) Hoàng Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét