Chi 750 tỉ đổi mới, kỳ thi THPT quốc
gia... như cũ?
Cập nhật lúc 09:26
Tuy có tên là 'đổi mới thi THPT
quốc gia', nội dung đề án lại thể hiện rõ kỳ thi THPT quốc gia về cơ bản
sẽ... không đổi.
Thí sinh làm thủ tục dự thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017
- Ảnh: TRẦN HUỲNH
Bộ GD-ĐT vừa
phê duyệt đề án 'Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ sư phạm, trung
cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020'.
Theo khái toán
tổng kinh phí thực hiện, trong ba năm từ 2018-2020, đề án này sẽ tiêu tốn hơn
749 tỉ đồng.
Năm 2018 chi 344 tỉ đồng
Theo đề án, năm
2018 sẽ chi hơn 344 tỉ đồng, năm 2019 chi hơn 203,6 tỉ đồng và năm 2020 chi
hơn 201,6 tỉ đồng.
Nhìn vào bảng kê chi tiết các nội dung tương ứng với mức
kinh phí thực hiện thì thấy việc xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa phục vụ
ra đề thi được chú trọng đầu tư với tổng số tiền trên 266 tỉ đồng.
Trong đó, riêng năm 2018, dự kiến đề án
này chi gần 84,8 tỉ đồng cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa. Năm
2019-2020, mỗi năm chi trên 90,7 tỉ đồng cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi
chuẩn hóa.
Trong số các "sản phẩm của đề
án" được liệt kê, có sự xuất hiện của cả Quy chế thi THPT quốc gia, Quy
chế tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm và các văn bản
hướng dẫn thực hiện các quy chế này.
Đề án xác định năm 2018 chi hơn nửa tỉ
đồng cho việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng đề án đổi mới
thi, tuyển sinh. Con số chi cho việc này giảm đi vào các năm sau với khoảng
60 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, tổng kinh phí đầu tư cho hạ
tầng kỹ thuật phục vụ tổ chức thi THPT quốc gia, tuyển sinh và xây dựng, đầu
tư hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm tổ chức thi vệ tinh quốc gia với tổng
kinh phí khoảng 300 tỉ đồng.
Trong đó, năm 2018 chi cho hạ tầng kỹ
thuật phục vụ tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh gồm có đầu tư phần mềm
quản lý ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, phần mềm phục vụ xây dựng câu hỏi
thi chuẩn hóa kết hợp chấm thi, ôn luyện thi trực tuyến, thiết bị công nghệ
thông tin và thiết bị bảo mật phục vụ phòng máy chủ, hệ thống phần cứng, phần
mềm giám sát thi...
Nội dung liên quan tới tuyển sinh trong
đề án cũng chú trọng đến đầu tư phần mềm tuyển sinh điều chỉnh, phần mềm hỗ
trợ xét tuyển trực tuyến...
Ngân hàng câu hỏi từ chương trình cũ
Với đề án này, Bộ GD-ĐT đặt ra một loạt
mục tiêu cụ thể: tổ chức một kỳ thi quốc gia đến năm 2020 đảm bảo khách quan
công bằng, lấy kết quả kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ sử
dụng trong tuyển sinh, xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa đủ lớn đáp ứng
yêu cầu tổ chức thi THPT quốc gia giai đoạn 2018-2020 và giai đoạn từ năm
2021 trở đi...
Ngoài ra còn để chuẩn bị điều kiện hạ
tầng kỹ thuật và hệ thống phần mềm phục vụ tổ chức thi THPT quốc gia trên máy
tính từ năm 2021, nếu điều kiện cho phép.
Thực tế, lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhiều lần
khẳng định kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ giữ ổn định như năm 2017 và dự
kiến sau năm 2020 mới điều chỉnh để phù hợp với chương trình giáo dục phổ
thông mới.
Có chuyên gia đặt vấn đề: Nếu sau năm
2020, khi kỳ thi phải chuyển đổi theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì
liệu lượng câu hỏi trong ngân hàng còn phù hợp không hay lại phải bổ sung,
thay thế số câu hỏi mới? Và liệu có phải bổ sung thêm một lượng kinh phí
khủng nữa cho việc này không?
Đề án đổi mới thi, nhưng... thi không đổi
Tuy đề án có tên "Đổi mới thi THPT
quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai
đoạn 2018-2020", nhưng theo chính nội dung đề án này, trong ba năm thực
hiện (từ năm 2018 đến 2020), kỳ thi THPT quốc gia về cơ bản không thay đổi so
với phương án thi THPT quốc gia đã thực hiện năm 2017 và phương thức thi THPT
quốc gia năm 2018 đã công bố.
Theo đó, mỗi tỉnh, TP trực thuộc trung
ương tổ chức một hội đồng thi do sở GD-ĐT chủ trì dành cho thí sinh tại địa
phương. Cán bộ, giảng viên các trường ĐH-CĐ có đào tạo sư phạm tham gia hỗ
trợ, chủ yếu ở khâu coi thi, chấm thi.
Thí sinh sẽ thi 5 bài thi bao gồm toán,
ngữ văn, ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học,
sinh học), khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Thí sinh học chương trình THPT phải bắt
buộc thi 4 bài để xét tốt nghiệp gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một trong
hai bài thi tổ hợp.
Thí sinh học chương trình giáo dục
thường xuyên bắt buộc phải thi 3 bài để xét tốt nghiệp gồm toán, ngữ văn và
một trong hai bài thi tổ hợp. Ngoại trừ bài thi ngữ văn theo hình thức tự
luận, các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm.
Về đề thi, năm 2018 đề thi ra vào
chương trình lớp 11, 12, chủ yếu là lớp 12 cấp THPT. Năm 2019 và 2020 đề thi
ra vào chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Việc xét tốt nghiệp THPT và
tuyển sinh ĐH, CĐ, TC về cơ bản cũng không có gì thay đổi so với cách làm đã
được thực hiện năm 2017.
Đề án chỉ có thêm một điểm mới đáng chú
ý là việc chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật và phần mềm phục vụ kỳ thi THPT quốc gia
từ năm 2021. Theo đó từ năm 2021, thí sinh dự thi THPT quốc gia sẽ thi trên
máy tính nếu điều kiện cho phép.
Để chuẩn bị cho việc này, đề án đưa ra
các nội dung đầu tư hạ tầng, thiết bị, phần mềm, xây dựng trung tâm tổ chức
thi vệ tinh quốc gia trên toàn quốc để thí sinh có thể dễ dàng tham gia kỳ
thi, đảm bảo an toàn minh bạch, nhưng thuận lợi cho thí sinh.
Với điểm mới này, dự kiến hoạt động của
đề án vào năm 2020 có thêm một mục là triển khai thử nghiệm thi THPT quốc gia
trên máy tính tại các trung tâm vệ tinh đã được xây dựng.
Năm 2018: hơn 35 tỉ đồng cho tổ chức thi
THPT quốc gia
Năm 2018, việc
tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cũng được tính toán mức phí trên 35 tỉ đồng, bao
gồm từ việc tập huấn nghiệp vụ thi, ra đề, chi phí địa điểm làm việc, ăn ở,
thuê hạ tầng, vận hành, nâng cấp phần mềm quản lý thi, vận chuyển đề, chấm
thi, kiểm tra thi.
Riêng số tiền được tính toán mua, thuê máy móc vật tư phục vụ ra
đề thi là trên 19 tỉ đồng. Công tác kiểm tra thi với 40 đoàn, mỗi đoàn 5
người/3 ngày thì mức chi phí phải bỏ ra là trên 1,53 tỉ đồng.
(Theo Tuổi Trẻ) VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
|
Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét