Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Chủ nghĩa “bảo hộ du lịch”:

Du khách từ Cát Bà thò mặt sang Hạ Long là bị đuổi?

 Cập nhật lúc 14:36 

 

Nhiều doanh nghiệp ở TP Hải Phòng bức xúc vì nhiều năm nay bị “cấm” đưa du khách từ Cát Bà sang vịnh Hạ Long để tham quan.

 Du khách từ Cát Bà thò mặt sang Hạ Long là bị đuổi? - Ảnh 1.
Nhiều doanh nghiệp bức xúc vì không thể đưa khách từ vịnh Lan Hạ thuộc Cát Bà sang vịnh Hạ Long - Ảnh: T.THẮNG

Theo các doanh nghiệp, dù đã có cấp chính quyền của Hải Phòng không ít lần đề xuất làm việc với TP Hạ Long (Quảng Ninh) nhưng đến nay tình trạng "ngăn sông cấm chợ" vẫn diễn ra, gây khó cho sự phát triển của ngành du lịch.
"Thò mặt sang là đuổi"
Bà Vũ Thị Thơm, hội trưởng Hội tàu du lịch Cát Bà (TP Hải Phòng), ngao ngán nói khoảng mấy năm trở lại đây, mỗi khi tàu du lịch của Hải Phòng muốn đưa khách từ Cát Bà sang tham quan vịnh Hạ Long là lại bị lực lượng liên ngành của Quảng Ninh đến kiểm tra, thu giữ giấy tờ nên buộc phải bỏ chạy.
"Hiện du khách muốn đi tham quan hang động, đảo bên vịnh Hạ Long buộc phải sang Quảng Ninh mới đi được" - bà Thơm chia sẻ.
Theo bà Thơm, di sản thiên nhiên vốn không phải là của một mình Hạ Long mà đây là điểm tham quan du lịch của cả nước. Trước kia khi đi tham quan Hạ Long chỉ cần "làm lệnh" tại cảng vụ Bến Bèo của Cát Bà, đến hang động nào đó mua vé là đủ nhưng nay chỉ đi tham quan biển trên vịnh cũng không được. "Họ cứ thấy tàu Hải Phòng sang là đuổi" - bà Thơm bức xúc.
"Tôi không hiểu khi cùng một nước mà lại ngăn sông cấm chợ. Bây giờ khách đang đi Cát Bà và muốn tham quan cả Hạ Long, cho đi luôn chứ ai lại bắt họ vòng sang Quảng Ninh trong khi vé người ta vẫn phải mua" - bà Thơm nói.
Ông Nguyễn Tiến Tùng - giám đốc Công ty TNHH du lịch khám phá Cát Bà - cũng cho rằng bất cập nhất hiện giờ là tàu bè muốn sang vịnh Hạ Long phải có lệnh xuất bến, mà lệnh này phải xin bên Tuần Châu (Hạ Long). Tức là tàu ở Cát Bà phải sang Tuần Châu để đón khách.
Theo ông Tùng, trước đây tàu du lịch Hải Phòng vẫn đưa khách tham quan Hạ Long. Từ khi Quảng Ninh thực hiện chiến lược một năm phải thu 600 tỉ đồng tiền vé tham quan vịnh Hạ Long mới có hiện tượng ngăn cấm.
Theo một số doanh nghiệp, ngoài việc cấm tàu của Hải Phòng sang vịnh Hạ Long, phía Quảng Ninh còn cấm luôn cả tàu từ Hạ Long sang Cát Bà.
Ông Tùng công nhận và cho biết nhiều đoàn khách đi Hạ Long 3 ngày 2 đêm, ngày đầu khách ngủ trên tàu, ngày thứ 2 họ muốn đi tham quan Cát Bà nhưng không được, phải vòng về khiến lịch trình không thông suốt...
Du khách từ Cát Bà thò mặt sang Hạ Long là bị đuổi? - Ảnh 2. 
Vịnh Hạ Long
Để quản lý hiệu quả...
Theo ông Phạm Đình Huỳnh - phó trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long, việc cấm tàu của Hải Phòng sang vịnh Hạ Long không phải do ban cấm mà thực hiện theo quy định của ngành hàng hải. Theo đó, các phương tiện tàu thủy khi hoạt động phải được cảng vụ cấp phép điểm đến và điểm đi.
Do vậy, tàu của Hải Phòng muốn sang Quảng Ninh hay Quảng Ninh muốn sang Hải Phòng phải có phép của cảng vụ.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì năm 2015 UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định số 4088 về việc ban hành quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Trong đó quy định: các doanh nghiệp chủ tàu nếu có trụ sở, địa chỉ hoạt động tại địa phương khác thì phải có trụ sở chi nhánh và nộp thuế tại Quảng Ninh mới được hoạt động phục vụ khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Quang Huy - phó chủ tịch UBND TP Hạ Long - nhấn mạnh Quảng Ninh không "ngăn sông cấm chợ", nội dung trên trong quyết định của tỉnh là để quản lý hiệu quả hoạt động của tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Theo ông Huy, doanh nghiệp tại địa phương khác khi tổ chức dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long phải mở chi nhánh để cơ quan chức năng còn quản lý, giám sát.
Nếu không "khi xảy ra vấn đề gì cơ quan chức năng của tỉnh sẽ không biết gọi ai, xử lý ai cho kịp thời" - ông Huy nhấn mạnh và cho rằng để kết nối các tuyến, điểm giữa các địa phương, các bên cần ngồi lại để thống nhất, phối hợp đầu tư hạ tầng, nâng cấp cho đạt tiêu chuẩn.
Về nội dung các tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long phải được hội đồng thẩm định đánh giá chất lượng tàu của địa phương kiểm tra, có quyết định công bố, ông Huy cho rằng đây thực chất là việc kiểm tra tiêu chuẩn kỹ thuật của tàu trên cơ sở bộ quy chuẩn quốc gia của Bộ GTVT.
Ông Huy công nhận theo quy định, phương tiện ở địa phương nào, địa phương đó cấp đăng ký, đăng kiểm. Nhưng tàu sang vịnh Hạ Long thì đoàn kiểm tra địa phương sẽ được phép kiểm tra, xử phạt nếu không đảm bảo các tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Tiến Tùng đánh giá việc bắt doanh nghiệp muốn hoạt động tại vịnh Hạ Long phải mở chi nhánh tại Quảng Ninh là gây khó dễ. Bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực để mở chi nhánh.
"Nên sớm "khai thông" luồng tuyến du lịch giữa Hải Phòng với Quảng Ninh, giữa vịnh Lan Hạ với vịnh Hạ Long. Có thể tăng cường kiểm soát và cho bán vé trực tiếp tại các điểm mà du khách đến tham quan" - ông Tùng nói.
Không được phân biệt đối xử

photo-1 
Ông Lê Viết Thái
Tôi không khẳng định việc làm của Quảng Ninh là sai hay đúng mà chỉ muốn nêu ra các vấn đề cần làm rõ: vịnh Hạ Long là của Quảng Ninh hay VN? Nếu của VN, toàn dân VN có quyền khai thác.
Quảng Ninh phải có trách nhiệm đối xử bình đẳng với mọi người công dân VN khai thác và kinh doanh trên vịnh Hạ Long, không được phân biệt đối xử.
Nếu vì mục tiêu quản lý hiệu quả, việc doanh nghiệp đặt trụ sở ở đâu cũng rất bình thường. Bởi Quảng Ninh muốn thu phí vệ sinh môi trường, doanh nghiệp dù ở đâu đều phải nộp như nhau. Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo nguyên tắc bình đẳng giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước. Nên không có lý do gì để phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư thuộc các tỉnh khác nhau tại VN.
Ông Lê Viết Thái (nguyên trưởng ban thể chế kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương)

Không hợp lý...
 photo-1
Ông Từ Quý Thành (giám đốc Công ty lữ hành Liên Bang)
Vịnh Hạ Long là tài nguyên quốc gia chứ không của riêng ai. Vì vậy, nên nghiên cứu dỡ bỏ quy định tàu đăng ký ở Hải Phòng không thể dẫn khách vào vịnh Hạ Long. Thay vào đó, nên nâng cao chất lượng bằng cách phạt thật nặng, thậm chí rút giấy phép những chủ tàu, doanh nghiệp vi phạm quy định, ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia.
Việc hãng tàu phải mở văn phòng hoặc chi nhánh tại Hạ Long để hoạt động là không hợp lý. Bởi họ đã đăng kiểm, đăng ký theo luật, họ có quyền hoạt động. Việc muốn mở hay không do bản thân tự doanh nghiệp đó quyết định.
Hiện chỉ cần một visa có thể đi qua được nhiều nước châu Âu, tại sao chỉ có ranh giới cấp tỉnh mà "ngăn sông cấm chợ"? Đã bước vào thế giới phẳng, mọi vấn đề cần thông thoáng hơn, các tỉnh phải ngồi lại với nhau để tìm cách quản lý chung thay vì đưa ra giải pháp độc lập như vậy...
Ông Từ Quý Thành (giám đốc Công ty lữ hành Liên Bang)

Tiền lệ xấu
Đại diện Hiệp hội Du lịch Cát Bà cho biết việc tàu của Hải Phòng bị cấm tham quan vịnh Hạ Long, nhiều doanh nghiệp đã có ý kiến.
"Du lịch mà làm như vậy rõ ràng tạo một tiền lệ rất xấu, du lịch là phải kết nối. Ngay từ năm 2007 giữa Hải Phòng - Hà Nội - Quảng Ninh đã có hội nghị hợp tác phát triển du lịch... Không hiểu sao Quảng Ninh lại làm vậy" - vị đại diện hiệp hội thắc mắc
(Theo Tuổi Trẻ) TIẾN THẮNG - N.TTRÍ - THÚY LINH

Trên đường bộ mà địa phương nào cũng làm như QN thế này thì hay quá nhỉ? Nước ta sẽ thành 63 bang có chủ quyền. Có lẽ sẽ phải đổi tên nước thành Liên bang CHXHCN Việt Nam!!!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét