Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

Đề nghị xem xét trách nhiệm nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình

Cập nhật lúc 09:55 

Ngày 28.5, tại ngày làm việc thứ 10 của phiên tòa xét xử vụ án tai biến y khoa chạy thận khiến 8 người tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, luật sư và gia đình nạn nhân đề nghị xem xét trách nhiệm đối với nguyên giám đốc bệnh viện này.

 Dẫn giải bị cáo Trần Văn Sơn, cán bộ Phòng Vật tư, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình /// Ảnh: Phi Hùng
Dẫn giải bị cáo Trần Văn Sơn, cán bộ Phòng Vật tư, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình
ẢNH: PHI HÙNG

Tiết lộ "sốc" về hoạt động chạy thận
Tham gia tranh tụng trước tòa, luật sư (LS) Nguyễn Danh Huế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, tiết lộ nhiều thông tin khá “sốc” về hoạt động chạy thận tại BV này. Theo LS Huế, mỗi ca chạy thận BVĐK tỉnh Hòa Bình thu từ người bệnh 7,7 USD (tương đương khoảng 160.000 đồng), trong khi mức trung bình ở các BV khác, trong đó có BV Bạch Mai, dao động 3,5 - 4 USD (dưới mức 100.000 đồng/ca). Tuy nhiên, báo cáo tài chính của BV cho thấy luôn luôn lỗ khi ký kết xã hội hóa lắp đặt máy chạy thận với Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn. Việc BV thu viện phí cao, liên tục làm ăn thua lỗ đã vi phạm Thông tư 15 của Bộ Y tế về việc liên doanh, liên kết trang thiết bị, đặt máy tại BV.
“Tại sao một tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn như Hòa Bình, người bệnh phần lớn có hoàn cảnh khó khăn, nhưng mức viện phí lại cao gấp đôi mức trung bình của cả nước. Điều này là hết sức vô lý, chúng tôi chưa khẳng định điều này vi phạm pháp luật, nhưng rõ ràng là có khuất tất. LS chúng tôi mong HĐXX sẽ làm rõ”, LS Huế nói và kiến nghị xem xét trách nhiệm đối với ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, qua việc ký kết với Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn, trong việc thiếu giám sát dẫn đến công ty này “bán thầu” cho Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh...
Tại tòa, ông Đinh Văn Tính (bố nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng) bày tỏ sự bức xúc trước việc ông Trương Quý Dương với cương vị là giám đốc BV nhưng chưa một lần thăm hỏi, động viên gia đình các bệnh nhân không may tử vong trong tai biến y khoa. Ông Tính cũng cho rằng, trong việc bồi thường, việc phải cung cấp hóa đơn đỏ về chi phí mai táng là rất khó, gây khó khăn cho gia đình các nạn nhân. Ông Tính yêu cầu HĐXX xem xét trách nhiệm của ông Trương Quý Dương; đồng thời cho rằng sau khi xảy ra sự việc BV đã giải quyết chưa thỏa đáng.
Đại diện các gia đình cũng mong muốn HĐXX xem xét, xử đúng người đúng tội với bác sĩ Hoàng Công Lương. Đối với 2 bị cáo Trần Văn Sơn, cán bộ Phòng Vật tư, thiết bị y tế - BVĐK tỉnh Hòa Bình và Bùi Mạnh Quốc, nguyên Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh, đại diện các gia đình mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Bộ Y tế "biên tập" câu hỏi của cơ quan điều tra?
Tranh luận tại tòa, các LS cũng đặt nhiều câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của Bộ Y tế trong ban hành quy trình, quy chuẩn chạy thận. Theo LS Trần Hồng Phúc, bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, trong quá trình điều tra, cơ quan công an đã gửi 6 câu hỏi tới Bộ Y tế và được phúc đáp bằng Công văn 4342. Một trong số những câu hỏi của cơ quan công an là: Sau khi sửa chữa hệ thống nước RO số 2 có cần thiết phải xét nghiệm kiểm tra sinh hóa tiêu chuẩn nước trước khi đưa hệ thống lọc nước vào sử dụng hay không, căn cứ vào văn bản nào và hướng dẫn cụ thể nào? Tuy nhiên, theo bà Phúc, khi Bộ Y tế có công văn phúc đáp, đã thêm thuật ngữ “AAMI” vào câu hỏi của cơ quan điều tra, có nghĩa Bộ Y tế đã tự ý biên tập, chỉnh sửa câu hỏi gốc của cơ quan điều tra.
LS Phúc nhận định việc chỉnh sửa này có thể do lỗi đánh máy nhưng đã gây ra sự hiểu nhầm, bởi trong bản luận tội của Viện KSND đã xác định cần phải chờ kết quả xét nghiệm AAMI, nếu không chờ kết quả này sẽ phát sinh thêm trách nhiệm của các bị cáo. Mặt khác, theo LS Phúc, Bộ Y tế gửi công văn cho cơ quan công an đã tự ý đưa tiêu chuẩn AAMI của Mỹ vào công văn nhưng cũng chưa trả lời được là xét nghiệm AAMI có cần thiết hay không.
(Theo Thanh Niên) Thái Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét