Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018


Vụ chạy thận nhân tạo làm 8 người chết

Nhiều tài liệu làm chứng cứ được lập sau sự cố

Cập nhật lúc 09:19  
Người liên quan bất ngờ xác nhận sau sự cố, ông đã viết thêm vào các biên bản năm 2015, 2016 về việc phân công nhiệm vụ. Một bị cáo cũng khai, hợp đồng sửa chữa được lập sau khi đã có người chết.

 Ông Hoàng Đình Khiếu trả lời HĐXX.
Ông Hoàng Đình Khiếu trả lời HĐXX.

2 biên bản được viết thêm?
Ngày 21/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục xét xử vụ án “Vô ý làm chết người” khi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình). Cáo trạng vụ án xác định, bị cáo Hoàng Công Lương là bác sĩ phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo. Ngày 29/5/2017, bị cáo Lương không kiểm tra hoặc báo cấp trên nhưng ra lệnh chạy thận dù hệ thống này vừa sửa chữa xong, còn tồn dư axit. Việc này khiến 18 bệnh nhân gặp sự cố, 8 người tử vong lập tức, 1 người tử vong tháng 2/2018.   
Tại những ngày làm việc trước, các ông Hoàng Đình Khiếu - Trưởng khoa và Đinh Tiến Công - Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực đều khai, bị cáo Lương được giao phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo trong khoa từ năm 2015. Việc phân công được trình bày trong các cuộc họp giao ban, có biên bản.
Các bị cáo tại tòa.
Ngày 21/5, ông Đinh Tiến Công bất ngờ xác nhận đã ghi thêm vào sổ giao ban năm 2015 và 2016, nội dung phân công bác sĩ Hoàng Công Lương phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo. Trước lời khai này, người nhà các nạn nhân theo dõi tòa đồng loạt hô hét, vỗ tay hưởng ứng. Ông Công tiếp lời: “Việc bổ sung diễn ra sau khi sự cố xảy ra nhằm hoàn thiện các thủ tục hành chính, quy trình chuyên môn”.
Được hỏi ai chỉ đạo việc viết thêm, ông Công nói: “Trưởng khoa và phó khoa phân công tôi làm việc này. Trực tiếp ai chỉ đạo thì tôi không nhớ nhưng phải có sự bàn bạc của trưởng và phó khoa... Viết thêm ở mục cuối cùng của biên bản, đoạn phân công nhiệm vụ”.
Điều dưỡng trưởng nói thêm: “Về nội dung biên bản cuộc họp 2015, sau sự cố, khoa thường xuyên họp và thống nhất, tôi được Trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu chỉ đạo viết thêm. Biên bản năm 2016 cũng ghi nội dung phân công không thay đổi so với năm 2015”. Tuy vậy, ông Công cho rằng, việc phân công bị cáo Lương phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo đã được thực hiện từ năm 2015 nhưng lúc đó chưa có văn bản.
Chết người mới có hợp đồng
Lên đối chất, ông Hoàng Công Khiếu bác bỏ, nói năm 2015 đã phân công các bác sĩ theo đúng như ông khai, nhưng không nhớ phân công tại cuộc họp nào. “Tôi không biết sổ giao ban đó ở đâu, khi được Cơ quan CSĐT cho xem sổ giao ban thì tôi xác nhận chữ ký của tôi. Tôi khẳng định không chỉ đạo bất cứ ai sửa chữa nội dung cuộc họp. Tôi không hiểu anh Công ghi lúc nào và làm những gì” - lời ông Khiếu.
Cũng tại phần xét hỏi, bị cáo Bùi Mạnh Quốc - GĐ Cty Trâm Anh và là người trực tiếp sửa chữa, khiến axit tồn dư trong hệ thống chạy thận khai, sau sự cố mới được ký hợp đồng. Trước đó, cáo trạng xác định, ngày 25/5/2017, ông Trương Quý Dương - nguyên GĐ BV Hòa Bình (bị cách chức sau sự cố) đã ký hợp đồng trị giá 100 triệu đồng với Cty Thiên Sơn để sửa chữa hệ thống lọc nước dùng cho chạy thận.
Cùng ngày, Cty Thiên Sơn ký hợp đồng trị giá hơn 70 triệu đồng với bị cáo Quốc. Tại tòa, đại diện Cty Thiên Sơn khẳng định có ký hợp đồng với Cty Trâm Anh do Quốc là giám đốc vào ngày 25/5/2017. Tuy nhiên, vợ bị cáo Quốc phủ nhận, nói thời điểm đó chồng mình đi miền Nam cùng một người khác, người này có thể làm chứng. Bùi Mạnh Quốc cũng khai, hợp đồng được lập sau khi sự cố xảy ra; ngày 25/5/2017, Quốc không có mặt tại Hà Nội vì đi miền Nam”.
Bị hại xin cho bị cáo
Trả lời HĐXX về yêu cầu dân sự, đại diện 9 nạn nhân bị thiệt mạng đồng loạt yêu cầu BV Hòa Bình và Cty Thiên Sơn phải trả cho họ các loại tiền theo quy định và 148 triệu đồng/người để quy tập các nạn nhân về 1 khu mộ chung. Trước yêu cầu này, ông Đỗ Đình Vận - Phó GĐ BV Hòa Bình cho biết, đã hỗ trợ 20 triệu đồng/người tử vong và 2 triệu đồng/người phải tiếp tục điều trị.
Ngoài ra, BV Hòa Bình đã nộp 290 triệu đồng vào tài khoản thi hành án. Ông Vận không phản bác hoặc đồng ý với yêu cầu dân sự nhưng tuyên bố BV Hòa Bình sẽ thực hiện nghiêm túc phán quyết của tòa. Đại diện Cty Thiên Sơn cũng khai, đã nộp 370 triệu đồng cho BV Hòa Bình để chi 40 triệu đồng/người tử vong, 5 triệu đồng/người phải tiếp tục điều trị. Tuy vậy, vị này khẳng định: “Đây là hỗ trợ, không phải bồi thường”.
Về hình sự, tất cả bị hại và đại diện nạn nhân tử vong đều khẳng định bị cáo Hoàng Công Lương vô tội, cho rằng bị cáo này là bác sĩ nên không phụ trách máy móc. Họ cũng mong tòa giảm án cho 2 bị cáo còn lại vì cả 2 có hoàn cảnh khó khăn, tuổi trẻ… Đáng chú ý, một số bị hại đề nghị tòa làm rõ trách nhiệm của ông Trương Quý Dương và Cty Thiên Sơn khi hợp tác “kinh doanh” chạy thận.
Về vai trò, nhiệm vụ của mình, bị cáo Hoàng Công Lương bác lời khai tại giai đoạn điều tra, nói: “CQĐT đã đưa cho bị cáo bản phân công nhiệm vụ của ông Khiếu nên bị cáo nhìn vào đó ghi lời khai…”. Tương tự, chị Nguyễn Thị Điệp - điều dưỡng viên nói:“Tôi khai theo biên bản họp giao ban được cơ quan điều tra cho xem qua màn hình điện thoại…”.
(Theo Tiền Phong) XUÂN ÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét