Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Xét xử BS Lương: Luật sư nói Bộ Y tế sửa câu hỏi của cơ quan điều tra


Cập nhật lúc 15:00                 


LS Trần Hồng Phúc chỉ rõ, Bộ Y tế đã tự ý biên tập câu hỏi của cơ quan điều tra, tạo ra nhầm lẫn tai hại.

Sáng nay, phiên toà xét xử BS Hoàng Công Lương và 2 bị cáo trong vụ án xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình tiếp tục phần bào chữa.
Tiếp nối phần bào chữa cho bị cáo Lương 4 tiếng trước đó, trong sáng nay, LS Trần Hồng Phúc tiếp tục làm rõ có hay không trách nhiệm của BS Hoàng Công Lương trong vụ tai biến, đồng thời chỉ ra những thiếu sót của Bộ Y tế.
“Lỗi đánh máy” của Bộ Y tế
LS Phúc cho biết, trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hoà Bình đã gửi 6 câu hỏi đến Bộ Y tế.
Nội dung câu hỏi thứ 4: "Sau khi sửa chữa hệ thống nước RO số 2, có cần thiết phải xét nghiệm kiểm tra sinh hóa tiêu chuẩn nước trước khi đưa hệ thống lọc nước vào sử dụng hay không, căn cứ vào văn bản nào và hướng dẫn cụ thể nào?".
Tuy nhiên trong công văn phúc đáp 4342, Bộ Y tế tự thêm tiêu chuẩn AAMI vào câu hỏi, dễ gây hiểu lầm xét nghiệm AAMI là bắt buộc, trong khi bản thân Bộ Y tế cũng chưa trả lời được AAMI có cần thiết hay không.
 Hoàng Công Lương,bệnh viện Hoà Bình,chạy thận nhân tạo,chạy thận
LS Trần Hồng Phúc là người có phần bào chữa dài nhất tại phiên toà
Theo LS Phúc, việc chỉnh sửa có thể do lỗi đánh máy, nhầm lẫn nhưng đã gây ra "hiểu lầm tai hại”. Bằng chứng, trong bản luận tội của VKS đã xác định cần phải chờ kết quả xét nghiệm AMMI, nếu không chờ kết quả này sẽ phát sinh thêm trách nhiệm của các bị cáo.
“Bộ Y tế trả lời bắt buộc phải xét nghiệm tồn dư hóa chất, nhưng nghiên cứu tiêu chuẩn AAMI của Hoa Kỳ chúng tôi thấy rằng Bộ Y tế vẫn chưa hiểu gì về tiêu chuẩn này. AAMI là xét nghiệm gồm 25 chỉ số lý hoá, tuy nhiên trong hợp đồng giữa BV và công ty Thiên Sơn chưa nói cụ thể là xét nghiệm cái gì trong 25 chỉ số”, LS Phúc nói.
Cũng theo LS Trần Hồng Phúc, AAMI là xét nghiệm độc lập, còn xét nghiệm tồn dư hoá chất sau bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO là bắt buộc, có thể chỉ mất vài phút bằng que thử.
LS Phúc cho rằng, chính sự yếu kém về kiến thức của Bộ Y tế đã dẫn đến việc không hiểu cái gì là bắt buộc, cái gì là khuyến cáo. Từ đó luật sư kiến nghị VKS tranh luận rõ, nếu vụ án không bắt nguồn từ vấn đề chuyên môn thì trách nhiệm từ đâu?
Trả lời HĐXX trước đó, BS Hoàng Công Tình, phó khoa Hồi sức tích cực của BV cũng khẳng định, để có kết quả xét nghiệm AAMI cần 10-14 ngày. Do đó không thể ngưng chạy thận chờ kết quả vì vi khuẩn sẽ xâm nhập vào hệ thống nước.
300 bút lục vi phạm tố tụng?
Bào chữa ngay sau đó, LS Hoàng Ngọc Biên cho rằng, không thể quy kết tội thiếu trách nhiệm cho BS Lương trong vụ án này.
Ông cũng chỉ ra nhiều bất cập trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, lời khai, trong đó có 300 bút lục vi phạm tố tụng nghiêm trọng, vì vậy đề nghị tòa không sử dụng hồ sơ này để buộc tội bị cáo.
LS Biên cũng đặt ra 12 câu hỏi cho VKS, mong muốn được tranh luận đến cùng.
1. Nếu ông Trương Quý Dương không có hành vi thông thầu, chọn nhà thầu không đủ chuyên môn và tuân thủ đầy đủ quy trìnhsửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO thì hậu quả có xảy ra không?
2. Công ty Thiên Sơn bán thầu cho Trâm Anh mà BV không biết khiến 9 người tử vong. Vậy ông Đỗ Anh Tuấn, giám đốc Thiên Sơn có mối quan hệ nhân quả gì đối với hậu quả xảy ra? 
3. BS Hoàng Công Lương có mối quan hệ cụ thể gì đến tồn dư hóa chất ở hệ thống RO số 2?
Hoàng Công Lương,bệnh viện Hoà Bình,chạy thận nhân tạo,chạy thận
Toàn cảnh phiên toà

4. BS Hoàng Công Lương cùng phòng Vật tư ký vào biên bản kiểm tra tình trạng thiết bị có phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội không?
5. Có văn bản quy phạm pháp luật nào buộc BS Lương phải kiểm tra, xử lý thông tin, chịu trách nhiệm về chất lượng trang thiết bị và phải báo cáo trưởng khoa trước khi ra y lệnh?
6. Quy chế của bệnh viện tại quyết định 1895, quyền hạn trưởng khoa trong việc bố trí nhân lực có phải là quyền hạn bổ nhiệm chức danh quản lý không?
7. Việc bổ nhiệm chức danh quản lý chuyên môn và các hoạt động khác là thẩm quyền của giám đốc BV hay của trưởng khoa?
8. Ông Hoàng Đình Khiếu, nguyên trưởng khoa HSTC cho rằng đã phân công BS Hoàng Công Lương bằng miệng phụ trách chuyên môn và các hoạt động khác tại đơn nguyên có trái với điều 37 luật Viên chức không?
9. Nếu không có quyết định bổ nhiệm của GĐ BV thì BS Lương có là chủ thể đặc biệt của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng không?
10. Các lời khai, bản tự khai do điều tra viên thu thập không xác định tư cách tố tụng của họ trong vụ án, vậy có thoả mãn là chứng cứ buộc tội?
11. Hành vi mớm cung, dụ cung, viết thêm, viết chèn nhằm tạo chứng cứ giả có xâm phạm hoạt động tư pháp?
12. Ông Trương Quý Dương, ông Đỗ Anh Tuấn, ông Trần Văn Thắng tại sao không bị khởi tố trách nhiệm trong vụ án này?
Sau 15 phút hội ý, HĐXX tạm hoãn toà sáng nay do bị cáo Bùi Mạnh Quốc có lý do sức khoẻ.
Buổi chiều, phiên toà tiếp tục phần tranh tụng.
(Theo VietNamNet) Thúy Hạnh

VKS sẽ né tránh hầu hết 12 câu hỏi trên thôi, bởi nếu họ trả lời trung thực thì BS Hòang Công Lương trắng án lập tức.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét