ĐẠI BIỂU
QUỐC HỘI CẢNH BÁO MẤT NƯỚC KHI LẬP ĐẶC KHU
Cảnh báo nguy cơ về
chủ quyền
Cập nhật lúc 15:46 Theo đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, ba đặc khu đều liên quan đến biển, đảo với hàng chục ngàn km2 lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Sáng qua (23-5), Quốc hội (QH) đã thảo luận về dự án Luật đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, dự kiến được bấm nút thông qua tại kỳ họp này.
Ông Trương Trọng Nghĩa
Tán thành với việc ban hành dự luật nhưng nhiều đại biểu (ĐB) cũng đề nghị QH
cân nhắc về ưu đãi thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất lên tới 99 năm…
Thận trọng cho thuê đất 99 năm
Một trong những nội dung được ĐB bàn thảo nhiều là vấn đề cho thuê đất tại
đặc khu. Theo dự luật, thời hạn cho thuê đất tại các đặc khu không quá 70
năm, do chủ tịch UBND đặc khu quyết định căn cứ vào quy mô, tính chất của dự
án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư. Trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng
đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định
(khoản 1 Điều 32).
Về nội dung này, ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai) đề nghị cân nhắc thêm về việc quy
định thời hạn sử dụng đất 99 năm đối với dự án đầu tư trong trường hợp đặc
biệt, đồng thời cần xác định rõ thế nào là trường hợp đặc biệt.
“99 năm là con số tượng trưng cho sự lâu dài vượt quá một đời người... Thực
chất điều này sẽ tạo cho họ (nhà đầu tư) các quyền pháp lý độc lập mang tính
sở hữu về đất đai và lãnh thổ hơn là tạo mặt bằng để đầu tư và kinh doanh đơn
thuần” - ĐB Hà phân tích.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) lại cho rằng ưu đãi cho thuê đất 99
năm là “đảm bảo tính vượt trội và đột phá”. “Nếu chúng ta không làm, không
đưa ra thì các nhà đầu tư người ta sẽ nhìn vào, so sánh với nước khác. Tôi
được biết là người ta đã làm rồi, nếu chúng ta không vượt trội hơn ở điểm đó thì
các nhà đầu tư sẽ không vào” - ĐB Thân nói.
Tranh luận lại, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng phải hết sức thận
trọng khi đặt ra vấn đề thời hạn thuê đất 99 năm vì còn liên quan đến yếu tố
địa chính trị, đặc biệt đối với đặc khu Vân Đồn. Và nếu không cẩn thận thì
đặc khu sẽ trở thành nơi di dân. ĐB Dương Trung Quốc đề nghị QH có hình thức
biểu quyết riêng về nội dung này khi bấm nút thông qua dự luật.
ĐB Trương Trọng Nghĩa thì đề nghị bỏ hẳn thời hạn giao đất 99 năm, vì không
có dự án đầu tư nào hiện nay cần đến 99 năm, thời hạn này thực chất là ưu đãi
bổ sung để nhà đầu tư có thể được chuyển nhượng sau khi khai thác xong hoặc
là thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại đất.
“Theo tôi, thời hạn này ngang với 3-4 thế hệ con người, thực chất là hình
thức nhượng địa mà hiện nay chỉ những đất nước nghèo đói lạc hậu và hoang sơ
mới cần đến” - ĐB Nghĩa nói.
ĐBQH Trương
Trọng Nghĩa nêu nhiều ý kiến rất đáng chú ý về vấn đề chủ quyền
trong các chính
sách dành cho đặc khu. Ảnh: QH
Phải hết sức chú ý tới vấn đề chủ quyền Nhìn sâu hơn, ĐB Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề: “Câu hỏi đặt ra trong 10-50 năm tới các khoản đầu tư, sự hy sinh đó sẽ đem lại lợi ích gì, bao nhiêu và cho ai. Ngoài bài toán về kinh tế, chúng ta sẽ được và mất gì về văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng”. ĐB Nghĩa cũng đặc biệt nhấn mạnh lãnh thổ của ba đặc khu đều liên quan đến biển, đảo với hàng chục ngàn km2 lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; liên quan chặt chẽ đến chủ quyền trên biển. Cụ thể, Vân Đồn đến đảo Hải Nam chỉ có 200 hải lý; vịnh Vân Phong gần với Trường Sa… Vì vậy theo ông, luật phải quy định rõ việc đầu tư, khai thác các đặc khu phải tuân thủ theo Luật Biên giới, Luật Biển và Luật Tài nguyên nước. Ông Nghĩa cho rằng nhận định khi chúng ta tạo nhiều ưu đãi và lợi ích đan xen với các nước tại đặc khu thì sẽ góp phần bảo vệ chủ quyền là mới đúng một nửa. “Có những quốc gia họ không có nhu cầu về lãnh thổ, họ chỉ cần lợi ích kinh tế, họ đến rồi đi. Thế nhưng có những quốc gia luôn thèm khát lãnh thổ, tài nguyên của nước khác. Họ sẽ di dân đến và tìm mọi cách ở lại, thậm chí chi phối chính trị, an ninh, quốc phòng” - ĐB Trương Trọng Nghĩa nói và cho rằng đã có những ví dụ về việc này ở chính nước ta và xung quanh nước ta. Vì thế “luật pháp và chính sách của chúng ta phải thiết kế sao cho chỉ mở cửa cho bạn bè chứ không rước kẻ cướp vào nhà. Nếu kẻ cướp giả làm bạn tốt thì phải có chế tài để đuổi chúng ra” - ĐBQH - luật sư Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
(Theo PL TP HCM) TRỌNG PHÚ
|
Thứ Năm, 24 tháng 5, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét