Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

Học giả Đài Loan phân tích yêu sách phi lý của Trung Quốc với đường lưỡi bò

Cập nhật lúc 14:26



Đường chữ U chỉ là đường đánh dấu các đảo Trung Hoa Dân quốc yêu sách "chủ quyền" ở Biển Đông, không phải đánh dấu vùng nước lịch sử hay các quyền lịch sử.
Học giả Chen Hurng-yu (Trần Hồng Du), Giáo sư danh dự Đại học Chính trị Đài Loan và Đại học Đạm Giang, ngày 9/5 có bài phân tích yêu sách của Trung Quốc với đường chữ U, hay còn gọi là đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) trên Biển Đông;
Bài viết đăng trên website tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Washington.
Chúng tôi xin giới thiệu nội dung bài viết này đến quý bạn đọc để hiểu rõ hơn về ý đồ cũng như tính phi pháp trong các yêu sách Trung Quốc đang theo đuổi.
Nhằm làm sáng tỏ vai trò của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như việc ứng dụng, giải thích Công ước, những lập luận liên quan đến "chủ quyền" mà các bên theo đuổi ở Biển Đông không phải đối tượng phân tích của bài viết này;
Vì vậy chúng tôi giữ nguyên văn để đảm bảo tính khách quan, đa chiều và Tiến sĩ Trần Công Trục sẽ có bài viết trao đổi lại làm sáng rõ các vấn đề. Mời quý bạn đọc theo dõi.
 
Giáo sư Chen Hurng-yu (Trần Hồng Du), ảnh: crntt.com.
"Khi Việt Nam và Malaysia đệ trình Báo cáo chung Việt Nam-Malaysia về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở khu vực phía Nam Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc năm 2009, Trung Quốc đã phản đối.
Đáp lại, Bắc Kinh đã gửi một bản đồ với 9 nét đứt, hoặc hình chữ U về yêu sách của họ trên Biển Đông cho Liên Hợp Quốc.
Tuyên bố này của Trung Quốc và đường chữ U đã dẫn đến những phản đối chính thức, bao gồm công hàm gửi Liên Hợp Quốc của Việt Nam và Indonesia.
Đường chữ U đã trở thành mục tiêu của những chỉ trích quốc tế, với nhiều học giả đặt câu hỏi về cơ sở pháp lý và hoạt động của Bắc Kinh trong đó, bao gồm thói quen ngăn chặn các nước ven Biển Đông khai thác dầu khí bên trong phạm vi đường chữ U và lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông kể từ năm 1999.
Do sự bất đồng giữa các quốc gia này với Trung Quốc, nhiều chính phủ và học giả nước ngoài đã yêu cầu chính quyền Đài Loan giải thích rõ ý nghĩa ban đầu của đường chữ U do Trung Hoa Dân quốc chính thức đưa ra lần đầu tiên năm 1947.
Nhưng với tính chất quốc tế và sự nhạy cảm chính trị của vấn đề đang gia tăng, Đài Bắc đã giữ im lặng trước yêu cầu giải thích về đường chữ U.
Điều này được lý giải bởi sự thất vọng của Đài Loan về việc họ bị gạt khỏi hầu hết các diễn đàn về quản lý Biển Đông;
Chẳng hạn như Tuyên bố chung giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002 về ứng xử của các bên trên Biển Đông, và quá trình đàm phán bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN.
Yêu cầu Đài Loan chấp nhận những rủi ro chính trị khi thể hiện lập trường chính thức về đường chữ U - đặc biệt là lập trường này phù hợp với lập trường pháp lý của các bên yêu sách khác ở Biển Đông hơn là với Trung Quốc - mà không cho Đài Loan tham gia bất kỳ cơ chế nào để quản lý tranh chấp, là không công bằng.
Chính phủ Philippines dưới sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và Nhật Bản, đã đệ đơn kiện lên Tòa Trọng tài theo (Phụ lục VII) Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) vào năm 2013.
Họ hy vọng sẽ giải quyết tranh chấp với Trung Quốc bằng các phương tiện pháp lý.
Tòa Trọng tài ra phán quyết vào năm 2016, rằng các tuyên bố có chủ ý của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử bên trong đường chữ U là không có cơ sở pháp lý.
Nhưng Phán quyết Trọng tài không giải quyết tính hợp pháp của đường chữ U, trong tất cả các giải thích của mình.
Bởi làm như vậy là vượt thẩm quyền của Tòa. Điều này dẫn đến việc truyền thông quốc tế đưa tin sai lầm rằng, đường chữ U không phù hợp với UNCLOS.
Trong khi Đài Loan không chính thức làm rõ lập trường của mình, mục đích ban đầu đằng sau đường chữ U khi Đài Loan công bố năm 1947 dường như là đường giới hạn các đảo.
Nó đánh dấu một khu vực ở Biển Đông, trong đó chính phủ Trung Hoa dân quốc tuyên bố chủ quyền trên tất cả các đảo và dự kiến sự trở lại của họ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Các quyền về hàng hải đã phát triển kể từ thời điểm đó, đặc biệt là năm 1982 với sự ra đời của vùng đặc quyền kinh tế trong UNCLOS. 
Trước những khái niệm phát triển đó, đường chữ U kích thích các lập luận, nhưng nếu đường chữ U chỉ đề cập đến các đảo bên trong nó, thì nó không đi ngược lại UNCLOS.
Vào đầu những năm 1990, chính quyền Đài Loan đã tổ chức một lực lượng đặc biệt để soạn thảo bộ luật mới về Lãnh hải và vùng biển tiếp giáp của Trung Hoa Dân quốc. 
Thời điểm đó, một số học giả Đài Loan lập luận rằng, Đài Loan nên yêu sách các vùng biển bên trong đường chữ U là vùng nước lịch sử.
Tuy nhiên Viện Lập pháp Đài Loan bác bỏ khái niệm mở rộng như vậy với đường chữ U, vì nó không phù hợp với định nghĩa của UNCLOS về các vùng nước lịch sử.
Kết quả là, đạo luật Lãnh hải và vùng biển tiếp giáp của Trung Hoa Dân quốc được thông qua vào năm 1998 hoàn toàn phù hợp với các quy định của UNCLOS, mặc dù Đài Loan không phải là thành viên Công ước.
Kể từ thời điểm đó, chính quyền Đài Loan không có bất kỳ bước đi nào để tuyên bố vùng nước lịch sử bên trong đường chữ U.
Và chính sách cơ bản đó đã được tuân thủ nhất quán, bất luận là dưới chính quyền Đảng Dân chủ tiến bộ hay Đảng Quốc dân.
Bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc tuyên bố khái niệm mới về các "quyền lịch sử" với vùng biển bên trong đường chữ U, bản thân yêu sách này không phù hợp với UNCLOS.
Do căng thẳng gia tăng, tự nhiên dẫn đến việc ý nghĩa của đường chữ U đã gây ra sự lo lắng trong khu vực, đặc biệt là từ khi các tranh chấp gia tăng trong năm 2009.
Nhưng sự tồn tại của đường chữ U không phải là cái để đổ lỗi, nó có từ năm 1947 và là một tuyên bố (của Trung Hoa Dân quốc) về chủ quyền đồi với các đảo ở Biển Đông."
(Theo GDVN) HỒNG THỦY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét