Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

Chủ tịch lọc dầu Dung Quất Nguyễn Hoài Giang: 7 tháng, phó phòng lên tổng giám đốc


Cập nhật lúc 15:41

Chủ tịch lọc dầu Dung Quất Nguyễn Hoài Giang vừa bị khởi tố là người có thành tích học tập đáng nể. Ông Giang cũng là một trong những người gắn bó sớm nhất với nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam.

Hành trình 7 tháng lên 3 chức
Ông Nguyễn Hoài Giang (1968) vốn là học sinh chuyên toán của Trường PTTH chuyên Bùi Hữu Nghĩa (TP. Cần Thơ). Năm 1986, ông Giang thi vào khoa Điện tử - Viễn thông của Đại học Bách khoa TP. HCM và đỗ thủ khoa của năm đó.
Nhờ đỗ thủ khoa nên ông được sang học tại Bungary, Trường Đại học Bách khoa Sophia, khoa Điện tử - Tự động hóa.
Năm 1992, ông cũng tốt nghiệp thủ khoa của khóa học này, nhận được phần thưởng của Viện Hàn lâm khoa học Bungary.

 lọc dầu dung quất,oceanbank,Nguyá»…n Hoài Giang,lọc dầu
 Ông Nguyễn Hoài Giang

Thông thường, nếu tốt nghiệp thủ khoa thì sẽ được một suất nghiên cứu sinh để làm luận án tiến sĩ. Nhưng những biến động lớn ở Đông Âu vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước nên ông Giang trở về nước.
Năm 1994, ông Giang vào làm việc tại một đơn vị của ngành dầu khí là Vietsovpetro. Ông làm việc ở đây 5 năm, đến năm 1999 thì rời đơn vị này để trở thành một trong những người đầu tiên gắn bó với lọc dầu Dung Quất từ khi dự án này còn trên giấy. Ông Giang tham gia từ giai đoạn thiết kế nhà máy lọc dầu Dung Quất liên doanh với Nga.
Từ 2002-2003, ông Giang làm Phó phòng chuyên trách tự động hóa, rồi Phó tổng giám đốc kiêm Phó trưởng ban Ban Quản lý dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Sau đó, ông Nguyễn Hoài Giang lần lượt nắm các vị trí chủ chốt của lọc dầu Dung Quất, là thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc lọc hóa dầu Bình Sơn vào năm 2008.
Tháng 11/2012 ông Giang được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành lọc dầu Dung Quất, thay cho ông Vũ Văn Nghiêm.
Trong một bài phỏng vấn khi còn đương chức, ông Nguyễn Hoài Giang thừa nhận là ông từ phó phòng lên luôn Phó Tổng giám đốc rồi Tổng Giám đốc trong vòng chỉ... 7 tháng.
Từ “chuyện bịa đặt” đến vòng lao lý
Cái tên Nguyễn Hoài Giang lần đầu được xướng lên tại phiên tòa xét xử đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) vào tháng 9/2017. Khi ấy, bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên tổng giám đốc Oceanbank) khai đã chi hàng chục tỷ đồng tiền lãi ngoài trái quy định để "chăm sóc" cho 4 lãnh đạo công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Ngay lập tức, 4 người này bị triệu tập gồm: ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên; ông Đinh Văn Ngọc, nguyên Tổng Giám đốc; ông Vũ Mạnh Tùng, Phó tổng giám đốc và ông Phạm Xuân Quang, kế toán trưởng.

lọc dầu dung quất,oceanbank,Nguyễn Hoài Giang,lọc dầu
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Trả lời thẩm vấn, những người này đều đồng loạt phủ nhận. Ông Phạm Xuân Quang cho biết, BSR có quan hệ gửi và vay tiền tại Oceanbank, hợp đồng tín dụng cao nhất là 1.150 tỷ đồng, thấp nhất 2 tỷ đồng.
Ngoài lãi suất quy định trong hoạt động, ông Quang khai, BSR không nhận lãi ngoài hợp đồng. “Tôi chắc chắn điều đó. Lời khai của cựu Phó TGĐ Oceanbank Nguyễn Minh Thu là lời khai một phía".
Đối chất lời khai, Nguyễn Minh Thu khai nhận: Tháng 7/2012 đến tháng 6/2014, bị cáo đã rất nhiều lần đưa tiền (khoảng 7-8 lần) cho ông Quang và lãnh đạo của BSR. Mỗi lần khoảng 200-300 triệu, cao nhất 500 triệu đồng.
Đối với ông Quang, Thu đưa tại 2 địa điểm là phòng làm việc và trụ sở ban quản lý Lọc hóa dầu Bình Sơn ở TP Quảng Ngãi. Ngoài ra có 1 lần tại quán cà phê ở TP.HCM trong 1 chuyến đi công tác.
Trong các lần đưa tiền đều có Phan Thị Tú Anh, cựu GĐ chi nhánh Quảng Ngãi, đi cùng. Ngoài ra còn có ban đối tác chiến lược, trong đó có Nguyễn Thị Minh Phương, cựu Phó TGĐ Oceanbank. Có một lần chuyển khoản qua ngân hàng, người nhận lệnh chuyển tiền là thư ký của Thu.
Theo bị cáo Tú Anh, trong những lần Thu đến công tác tại Quảng Ngãi, bị cáo có đi tháp tùng. Thu có yêu cầu bị cáo liên hệ với lãnh đạo BSR. Trong các lần đi cùng, Tú Anh không biết đưa tiền cho ai, trong việc giao tiếp xã giao, bị cáo luôn rời đi trước. Tú Anh cũng xác nhận, Thu đến BSR và gặp gỡ lãnh đạo của công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn như các ông: Giang, Ngọc, Tùng, Quang.
"Có lần Nguyễn Minh Thu nhờ đưa phong bì cho ông Quang nhưng bị cáo chỉ biết là phong bì, còn tiền hay không thì bị cáo không biết", Tú Anh cho hay.
Chủ tịch HĐTV BSR Nguyễn Hoài Giang cũng khẳng định không nhận khoản tiền nào. Ông nói có gặp Thu vài lần tại hội nghị, dịp thành lập công ty. “Tôi cũng một vài lần gặp Nguyễn Xuân Sơn, lâu quá rồi tôi không nhớ”.
Theo ông Giang, PVN có nhiều văn bản yêu cầu gửi tiền và giao dịch tại Oceanbank, nên không có lý do gì để nhận lãi ngoài.
Phó TGĐ BSR Vũ Mạnh Tùng cũng khẳng định lời khai của Nguyễn Minh Thu đưa ông 200-300 triệu/lần "là lời khai một chiều".
Cùng phủ nhận lời Thu, ông Đinh Văn Ngọc cho hay, lời khai của Thu là không chính xác vì cuối năm 2012 ông mới làm tổng giám đốc.
Đối chất, bị cáo Thu xác nhận bị cáo gửi 4 lãnh đạo là Chủ tịch, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, kế toán trưởng ít nhất 200 triệu, cao nhất 1 tỷ đồng/lần.
Khẳng định lời Thu là bịa đặt, cựu Tổng giám đốc lọc dầu Dung Quất Đinh Văn Ngọc đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự tội vu khống.
Đến thời điểm này, ngoại trừ ông Đinh Văn Ngọc thì 3 người bị tòa triệu tập hôm đó đã bị khởi tố và bắt giam là các ông Nguyễn Hoài Giang, Vũ Mạnh Tùng và Phạm Xuân Quang về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
(Theo VietNamNet) Hà Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét