Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

"Xe cán bộ cao cấp được ưu tiên khi xảy ra tai nạn nghe rất phản cảm"

Cập nhật lúc 14:58
                
Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, CSGT được quyền "ưu ái" lái xe của quan chức cao cấp nghe rất phản cảm.

Xe của quan chức cao cấp được "ưu ái"?

Theo đó, Bộ Công an vừa ban hành Dự thảo, lấy ý kiến về Thông tư quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông.
Dự thảo gồm 4 chương và 31 điều, quy định về nguyên tắc, trình tự và những tình huống cụ thể khi giải quyết tai nạn giao thông...

Điểm đáng chú ý là, tại Điều 22, Chương 3 của Dự thảo đề cập về quy định một số tình huống cụ thể trong điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ.
Theo đó, nếu tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước thì hướng giải quyết được quy định theo 2 phương án.
Nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó vẫn hoạt động được, đủ điều kiện tham gia giao thông thì lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có).
Yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản rồi giải quyết cho đi; định thời gian yêu cầu người điều khiển phương tiện đến trụ sở cơ quan Công an để giải quyết.
Nếu phương tiện giao thông của cán bộ cao cấp đó không đủ điều kiện tham gia giao thông thì phải giải quyết cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đến địa điểm an toàn hoặc đến nơi cần thiết theo yêu cầu của cán bộ đó.
 
HIện trường một vụ tai nạn (Ảnh minh họa của Vietnamnet.vn).

Trường hợp cán bộ đó trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì trước khi giải quyết cho đi phải lập biên bản về vụ tai nạn, ghi biển số xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, đánh dấu vị trí phương tiện, ghi nhận vị trí các dấu vết trên phương tiện, chụp ảnh hiện trường, quay camera (nếu có).
Yêu cầu người điều khiển phương tiện ký xác nhận vào biên bản; định thời gian yêu cầu cán bộ đó đến trụ sở cơ quan Công an để giải quyết.
Như vậy, trong quá trình giải quyết tai nạn giao thông, Cảnh sát giao thông sẽ “cho đi nhanh” đối với xe của quan chức cấp cao.

Rất dễ gây phản cảm
Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật mới về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, CSGT có phần 'ưu ái' lái xe của quan chức cao cấp, nhưng rất dễ gây phản cảm trong dư luận…

Góp ý kiến về dự thảo này, hôm 4/3, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng về dự thảo này còn nhiều điểm phải làm rõ, để tránh gây hiểu làm từ phía dư luận.

“Thực ra số lượng cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước rất ít, do đó nếu tạo điều kiện cho họ được xử lý nhanh khi xảy ra tai nạn giao thông thì cũng nên ủng hộ.
Tuy nhiên, nên căn cứ vào mức độ thiệt hại về người, tài sản trong những trường hợp cụ thể để áp dụng luật linh hoạt đúng quy định.

Còn nếu phương tiện gây thiệt hại đến tính mạng con người thì chắc không thể có chuyện cho ký vào biên bản.. rồi đi đâu”, ông Thạch nêu quan điểm.

Vụ trưởng Vụ an toàn giao thông cũng cho rằng, dự thảo này cần làm rõ việc xử lý người, phương tiện của cán bộ cao cấp gây nguy hiểm tới tính mạng con người (chết người).

“Nếu là tai nạn nguy hiểm tới tính mạng, nếu cho đi thì vật chứng sau tai nạn có được đảm bảo? có đảm bảo tính khác quan…?
Theo tôi, trong trường hợp này, tính mạng của con người là quan trọng hơn cả chứ không phải cứ va chạm xe rồi cho đi là không hợp lý.
Nếu không làm rõ vấn đề này rất dễ gây hiểm lầm từ phía dư luận”, ông Thạch nói.
 
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (ảnh: Vnexpress.net).

Đồng quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) nói thêm, đây mới là dự thảo, còn việc áp dụng trên thực tế thì cần phải xem xét cụ thể.

Tuy nhiên dự thảo mang tính “ưu tiên” cho xe cán bộ cấp cao khi xảy ra tai nạn giao thông "nghe rất phản cảm".

“Cán bộ cấp cao và người dân cũng là con người. Trường hợp người vi phạm pháp luật thì người phải xử lý như nhau, bởi “luật pháp bất vị thân” để tạo sự công bằng trong xã hội.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền chỉ rõ: “Trong trường hợp nếu xe cán bộ cao cấp gây tai nạn nghiêm trọng (chết người) thì theo nghiệp vụ điều tra, cơ quan chức năng cần thiết giữ lại phương tiện hoặc các bằng chứng có liên quan khác để phục vụ cho công tác điều tra nhằm đảm bảo và tôn trọng tính khách quan của vụ việc.

Vấn đề là phải tôn trọng tính khách quan, công bằng khách quan trong xử lý chứ không phải cứ là xe lãnh đạo cao cấp là cho đi.
Còn việc xử lý phương tiện cho cán bộ cao cao đi làm việc khác, thì căn cứ vào những tình huống cụ thể khác.

Trong trường bất khả kháng, cán bộ cần giải quyết công việc chung, vì lợi ích chung, có tính quan trọng, thì tuy theo mức độ vụ việc (ví dụ đó là vụ va chạm nhẹ), thì có thể hy sinh lợi ích nhỏ hơn để họ làm nhiệm vụ lớn hơn.

Tuy nhiên, nếu gây thiệt hại về người, tính chất vụ việc nghiêm trọng thì không thể giải quyết theo kiểu “cho đi” được.
Công việc có thể chậm một chút cũng chẳng chết ai, nhưng tính mạng con người thì không thể đánh đổi được”, Đại biểu Xuyền lưu ý.

Cũng theo Đại biểu Bùi Văn Xuyền, luật giao thông đường bộ quy định rõ những trường hợp phương tiện được ưu tiên.
Trường hợp, xe được quyền ưu tiên nhưng gây tai nạn khi đi làm nhiệm vụ khẩn cấp xe cứu hỏa, cứu thương… thì có thể áp dụng quy định này.
(Theo Giáo dục VN) QUỐC TOẢN

Pháp luật cần nhất là sự công bằng, bình đẳng, sao lại có cái từ ưu tiên ở đây nhỉ?
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét