Người Việt
tự đầu độc bằng thực phẩm “ngậm” kháng sinh
Cập
nhật lúc 07:34
Quy trình chế biến tôm. Trong năm qua, có nhiều lô hàng bị đối tác
trả lại vì tôm có dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng. Ảnh: P.V
Một
thực trạng nhức nhối đang diễn ra là việc sử dụng kháng sinh tràn lan trong
chăn nuôi, đặc biệt là nuôi trồng thủy-hải sản. Với dư lượng kháng sinh rất
cao, tôm, cá và nhiều loại sản phẩm nuôi trồng khác “ngậm” kháng sinh đang
được đưa thẳng đến bếp ăn của mỗi gia đình. Phóng viên Báo Lao Động đã
tiến hành điều tra để bạn đọc rõ hơn thực trạng nhức nhối này.
Bí ẩn trong những lô hàng bị trả về
Theo thống kê
của Bộ NNPTNT, từ đầu năm 2014 đến tháng 9.2015, đã có gần 32.000 tấn thủy
sản Việt Nam XK đi các nước bị trả về. Lý do rất rõ ràng: Sản phẩm vì có dư
lượng chất kháng sinh vượt mức cho phép. Trong 9 tháng, Việt Nam có 542 lô
hàng thủy sản của 110 công ty XK bị 38 nước nhập khẩu (NK) trả về. Trung bình
mỗi DN có 5 lô hàng không đảm bảo chất lượng bị trả về. Cá biệt, có một doanh
nghiệp XK bị trả về đến 70 lô hàng.
Cụ thể, theo Bộ
NNPTNT, trong thời gian nói trên, có 27 lô hàng thủy sản XK của Việt Nam bị
thị trường Nhật Bản cảnh báo nhiễm hóa kháng sinh, tăng 1,28 lần so với cả
năm trước (21 lô). Số lô hàng bị cảnh báo các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh
cấm tăng nhiều nhất 3,66 lần. Tương tự, tại thị trường EU, có 27 lô hàng thủy
sản XK bị cảnh báo nhiễm hóa chất kháng sinh trong 9 tháng đầu năm, tăng 1,28
lần so với cả năm 2014. Phía EU đã có văn bản gửi Nafiqad nêu rõ 24 DN chế
biến thủy sản của Việt Nam có lô hàng bị phát hiện vi phạm, đồng thời cảnh
báo nếu tình hình không được cải thiện rõ rệt sẽ áp dụng các biện pháp bổ
sung để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Châu Âu.
Theo bà Tô Thị
Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam,
việc các lô hàng thủy sản XK của Việt Nam bị các nước trả về trước đây hằng
năm đều có. Đặc biệt, trong hai năm 2014 và 2015 tình hình có dấu hiệu nghiêm
trọng. Cụ thể, từ đầu năm 2014 đến tháng 9.2015, gần 32.000 tấn thủy sản Việt
Nam XK đi các nước bị trả về vì có dư lượng chất kháng sinh vượt mức cho
phép, đóng sai quy cách... Bà Lan lo ngại: “Thị trường Nhật Bản hiện nay đang
tăng mức cảnh báo lên và kiểm soát kháng sinh với mức nghiêm ngặt gấp 10 lần
thị trường khó tính nhất là Châu Âu. Việc kiểm soát hàm lượng kháng sinh là
rất khó do quản lý từ vùng nguyên liệu không đồng bộ”.
Sử dụng kháng sinh vô tội vạ
Trao đổi với PV
Báo Lao Động, ông Đào Văn Trí - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng
thủy sản III - Bộ NNPTNT bày tỏ quan ngại về việc dùng kháng sinh trong nuôi
trồng thủy sản theo kinh nghiệm “truyền miệng”, hộ này học kinh nghiệm của hộ
kia, thậm chí còn tăng liều lượng và hàm lượng “cho chắc ăn”. Đa phần các hộ
chăn nuôi sử dụng hóa chất để xử lý nguồn nước, ao đầm; sử dụng kháng sinh để
trị bệnh đều vượt liều lượng nhà sản xuất khuyến cáo. “Công nghệ một số nước
cho phép sử dụng hóa chất và kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, nhưng phải
giới hạn theo liều lượng, hàm lượng cho phép. Nhưng đa phần người nuôi tôm và
thủy sản đều dùng vượt ngưỡng cho phép. Điều này khiến dư lượng kháng sinh,
hóa chất còn lại trong thủy sản, đặc biệt là tôm ở mức cao vì không thể đào
thải hết” - ông Đào Văn Trí cho biết.
Việc thu hoạch
không đúng thời điểm cũng là nguyên nhân khiến tồn dư kháng sinh trong thủy
sản cao. “Theo khuyến cáo, sau khi sử dụng kháng sinh 15 ngày tôm và các loài
hải sản khác mới đào thải hết kháng sinh, thế nhưng có nhiều hộ nuôi trồng
thủy sản đã thu hoạch không theo quy chuẩn này. Mặt khác, việc sử dụng kháng
sinh quá liều còn gây ô nhiễm nguồn nước, khiến các vi sinh vật thích nghi và
kháng kháng sinh. Điều này dẫn đến vòng luẩn quẩn là tôm bị bệnh - dùng kháng
sinh - không tác dụng - tăng liều, khiến tồn dư kháng sinh tăng cao” - ông
Trí cho biết thêm.
Cảnh báo “thức ăn tẩm kháng sinh”
Ông Nguyễn Như
Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad),
Bộ NNPTNT - cho rằng một số thị trường khó tính, có các chỉ số cao nhưng vẫn
đảm bảo các chỉ số ở Việt Nam hay các nước khác khi bị trả về vẫn có thể được
tiêu thụ trong nước hoặc xuất sang những thị trường “dễ tính” hơn như Châu
Phi, Trung Đông.
Ông Nguyễn Như
Tiệp nói thêm: “Với những lô hàng bị trả lại vẫn ở trong mức độ an toàn cho
phép (ví dụ như không đạt tiêu chuẩn về quy cách đóng gói-PV), thì có thể
xuất khẩu sang nước khác nếu được nước đó chấp nhận. Về nguyên tắc, hàng XK
bị trả về, cần được đánh giá lại các chỉ tiêu và có thể sử dụng để sản xuất
thức ăn chăn nuôi nếu các chỉ số ở mức cho phép, nhưng không được cho gia
súc, gia cầm ăn trực tiếp mà phải qua chế biến”.
Đó là câu
chuyện của những con tôm, con cá xuất khẩu và một sự thật là lượng kháng sinh
trong sản phẩm khiến các thị trường Nhật Bản, EU “kinh hãi” thì chúng ta lại
có thể chấp nhận. Vậy, còn bao nhiêu tấn tôm, cá đi thẳng từ nơi sản xuất,
vào các siêu thị rồi đi thẳng vào miệng người tiêu dùng? Trong khi cả Bộ Y tế
lẫn Bộ NNPTNT vẫn chưa có những cảnh báo cụ thể nào về nguy cơ của những thức
ăn có dư lượng kháng sinh cao trên thị trường. Năm ngoái, Đại biểu Quốc hội
Trần Ngọc Vinh nói một câu lạnh gáy: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa
bao giờ ngắn thế”. Thức ăn “tẩm kháng sinh” đã làm cho con đường này ngắn
hơn. (còn nữa)
Theo Viện
Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, diện tích nuôi tôm cả nước có trên
560.000ha, trong đó khu vực ĐBSCL chiếm đến 80% diện tích. Cà Mau là địa
phương có diện tích lớn nhất với khoảng trên 200.000ha, Sóc Trăng khoảng từ
160.000 - 180.000ha. Các tỉnh còn lại có khoảng 100.000ha/tỉnh.
(Theo Lao động) ĐIỀU TRA CỦA KHÁNH VŨ - KHÁNH LINH
|
Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét