Dời hay không dời ga Sài Gòn?
Cập nhật lúc
08:35
Có ý
kiến cho rằng nên di dời ga Sài Gòn ra khỏi khu vực trung tâm thành phố để
tránh những sự việc ùn tắc tương tự có thể xảy ra như sự cố sập cầu Ghềnh vừa
qua.
Ngay cả trong điều kiện bình thường,
việc ga đường sắt nằm trong trung tâm đô thị cũng là không nên bởi có thể gây
chia cắt giao thông, nguy cơ ùn tắc, tai nạn…
Hai khu vực di dời được nhiều người
nhắc đến là khu Sóng Thần và Hố Nai.
Một vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm
là phải có tuyến đường sắt đô thị nối liền các khu vực trung tâm ra các ga
đường sắt nếu có sự di dời.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phản
đối việc di dời vì cho rằng ga Sài Gòn đã tồn tại nhiều năm và mang ý nghĩa lịch
sử, biểu tượng của thành phố. Bên cạnh đó, di dời về ga Biên Hòa thì có thể
làm ùn tắc khu vực này. Đó là chưa kể những bất tiện cho hành khách khi phải
đi 27km từ TP.HCM ra Biên Hòa để lên tàu và cũng tăng nguy cơ kẹt xe
trong TP.HCM.
Nên
cân nhắc việc di dời
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư (KTS) TP.HCM,
phó chủ tịch Hội KTS VN Khương Văn Mười, cho biết trước khi dời về địa
chỉ hiện nay, ga Sài Gòn từng nằm ở khu vực công viên 23-9. Lý do của việc di
dời này chính là vì ga tàu hỏa tác động đến sự phát triển của trung tâm đô
thị.
Với đặc điểm địa lý của Việt Nam và
những ưu điểm của phương tiện đường sắt như giá cả, số lượng vận chuyển
khách mỗi chuyến lớn…., KTS Khương Văn Mười cho rằng nên tiếp tục đầu tư
phát triển và hoàn thiện hệ thống đường sắt để phục vụ nhu cầu đi lại của
đông đảo người dân từ Bắc vào Nam và ngược lại.
KTS Khương Văn Mười cho biết theo quy
hoạch chung của TP.HCM, ga Sài Gòn sẽ di dời qua khu vực Thủ Thiêm (Q.2).
Theo KTS Khương Văn Mười, đến thời điểm
hiện tại, có thể ga Sài Gòn vẫn đáp ứng được nhu cầu và người dân đi lại vẫn
dễ dàng. Nhưng khi số lượng hành khách và hàng hóa tăng lên chắc chắn sẽ ảnh
hưởng đến hệ thống giao thông khu vực.
Mặt khác, PGS.TS, chuyên gia giao thông
Nguyễn Văn Thụ cho rằng nên cân nhắc việc di dời bởi ngay cả những thành phố
lớn với mật độ dân cư đông đúc ở các nước phát triển như Anh, Pháp, Đức, Nga,
Mỹ…, các ga đường sắt vẫn nằm trong khu vực trung tâm.
Việc nhà ga nằm trong trung tâm thành
phố sẽ tạo sự thuận lợi, nhanh chóng cho người dân muốn di chuyển bằng loại
hình này.
Về vấn đề giảm thiểu ùn tắc do tàu hỏa
gây ra, nhất là vào giờ cao điểm, PGS.TS, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn
Thụ cho rằng có thể khắc phục bằng cách xây dựng tuyến đường ngầm (như dạng
hầm cầu vượt) để tàu hỏa chạy qua, thay vì chạy trên mặt đấy và sẻ chia diện
tích với những phương tiện giao thông khác.
Cần hoàn
thiện hệ thống giao thông công cộng
KTS Khương Văn Mười đánh giá ga đến
TP.HCM là nơi tập trung hành khách, hàng hóa từ nhiều nơi đến và từ đây sẽ
tỏa đi các quận, huyện trong địa bàn thành phố. Do đó, hệ thống vận chuyển
công cộng đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối này.
KTS Khương Văn Mười nhắc lại câu chuyện
khi ga Sài Gòn đặt tại khu vực cầu Bình Lợi đã gây ra những bất lợi về mặt
giao thông khi hệ thống giao thông công cộng không phát triển và đáp ứng đủ
nhu cầu, dẫn đến chuyện ùn ắc tại ga và xung quanh.
“Nếu di dời ga Sài Gòn ra khu vực ngoại
ô thì phải mở rộng và tăng cường hệ thống vận chuyển công cộng để có sự kết
nối từ ga Sài Gòn đi các nơi”, KTS Khương Văn Mười nói.
Ở góc nhìn rộng hơn về phát triển lâu
dài khu vực kinh tế trọng điểm phía nam như TP.HCM, KTS Nguyễn Ngọc Dũng nêu
quan điểm nên hình thành đô thị kết nối để gắn kết tất cả các loại hình giao
thông, trong đó có đường sắt và tạo sự tối ưu hóa, tiện ích hóa nhu cầu đi
lại của người dân từ các nơi.
“Đã có chủ trương xây dựng sân bay ở
khu vực Long Thành, vậy tại sao không quy hoạch những khu vực xung quanh để
nơi này trở thành đầu mối kết nối giữa hàng không, cảng biển, giao thông
đường sắt, giao thông đường bộ và cả hệ thống metro sắp hoàn thành? Quy hoạch
phải nghĩ đến tương lai và có sự kết nối giữa các bên với nhau, không thể
mạnh bên này bên nấy làm”, KTS Nguyễn Ngọc Dũng thẳng thắn nói.
Theo KTS Nguyễn Ngọc Dũng, khi quy tụ
các loại hình giao thông về cùng một đầu mối thì đô thị kết nối sẽ thu về
được lợi nhuận khổng lồ để tái đầu tư, thay vì dùng tiền ngân sách hay vay
vốn ODA.
(Theo Tuổi trẻ) ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN
|
Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét