Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Tài trợ cho dịch vụ công
 Cập nhật lúc 17:33

Quốc hội đã thông qua biết bao nhiêu đạo luật, nhưng không có đạo luật nào đề cập các vấn đề liên quan đến hoạt động tài trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức phi lợi nhuận cho các dịch vụ công của Nhà nước.

Rất khó để có một ai đó đứng trên tất cả đánh giá hành vi chi tiêu của một cá nhân nào đó là đúng hay sai. Chẳng hạn hàng loạt đại gia mua xe siêu sang, thậm chí máy bay và du thuyền, trong bối cảnh đất nước đang còn nghèo lại nhập siêu liên tục, liệu có sai trái gì về mặt đạo đức?    
Họ làm ra tiền và họ có toàn quyền sử dụng đồng tiền chân chính của mình tùy ý. Vâng, không có bất kỳ điều gì sai trái về mặt đạo đức ở đây cả. Nhưng trong mối quan hệ với dịch vụ công thì vấn đề không đơn giản như thế.
Nguyên tắc đầu tiên phải tuân thủ là liệu hóa đơn chi tiêu và người chi trả có phải là một. Hay hóa đơn chi tiêu là của doanh nghiệp, còn người chi trả cuối cùng lại là người nộp thuế. Trong thực tế không dễ để biết được nguyên lý rất đơn giản này. Từ đó mới đặt ra vấn đề minh bạch ngân sách và giải trình trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền.
Trên thế giới, thậm chí một tổ chức từ thiện tài trợ cho một hoạt động nào đó cũng phải có luật chơi riêng chứ không phải muốn làm gì thì làm. Chẳng hạn nếu anh tài trợ cho giáo dục nhưng chỉ toàn cho các trường giàu có, trong khi xung quanh còn có rất nhiều trường học thiếu thốn thì đã phạm vào nguyên tắc “công bằng giáo dục”.
Câu chuyện 1.000 tỉ đồng lát đá vỉa hè ở quận 1, TP.HCM phức tạp hơn, khi nhà tài trợ không phải các tổ chức từ thiện mà là các doanh nghiệp kinh doanh.
Nếu trong tổng số 1.000 tỉ đồng chỉ cần có 1 đồng của ngân sách thì người dân đã có quyền lên tiếng về tính cấp thiết của dự án này. Người dân có quyền yêu cầu chính quyền lý giải vì sao phải ưu tiên lát đá vỉa hè hơn so với các dự án dân sinh khác vô cùng cấp thiết như chống trộm cướp, kẹt xe, ngập nước chẳng hạn.
Tất nhiên, khi có yếu tố doanh nghiệp tài trợ thì sẽ có các hoạt động khác để các nhà tài trợ hoàn vốn từ nguồn tài trợ này, thậm chí có lãi do được hưởng lợi từ một dự án khác hoặc một công việc kinh doanh khác.
Trong trường hợp vụ lát đá vỉa hè, chỉ cần các vị lãnh đạo khẳng định dứt khoát 100% tiền này là của doanh nghiệp tài trợ hoàn toàn và không kèm theo bất kỳ điều kiện nào dẫn tới mâu thuẫn lợi ích giữa chính quyền và người dân.
Như thế cũng chưa đủ. Chính quyền và các cơ quan chức năng cần thiết kế một quy trình giám sát mối quan hệ giữa 1.000 tỉ đồng này với hoạt động của các doanh nghiệp đến dự án từ bây giờ và sau này có gì vi phạm mâu thuẫn lợi ích giữa chính quyền và người dân hay không.
Qua vụ này mới chợt giật mình khi Quốc hội đã thông qua biết bao nhiêu đạo luật, nhưng không có đạo luật nào đề cập các vấn đề liên quan đến hoạt động tài trợ của các doanh nghiệp và của các tổ chức phi lợi nhuận cho các dịch vụ công của Nhà nước.
Thế nên đất nước ta dù còn nghèo với biết bao cảnh đời cần được cứu giúp, mà chỉ thấy tiền tài trợ chủ yếu rót vào các vụ bắn pháo bông xa xỉ, thi hoa hậu, lễ hội tốn kém và cả những dự án ngàn tỉ phí phạm hoặc chưa cần thiết.
(Theo Tuổi trẻ) TRẦN NGỌC THƠ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét