Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Lỗ hổng thuế xăng dầu: Hãy trả lại tiền, xin lỗi dân và quy được trách nhiệm!

Cập nhật lúc 14:44

Để đảm bảo uy tín Nhà nước trong điều hành, chuyên gia Nguyễn Minh Phong đề nghị cần điều tra kỹ trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra lỗ hổng quản lý giá xăng dầu, phải tính toán được phần lợi nhuận thu được từ chênh lệch thuế tại các doanh nghiệp, trả cho người dân và xin lỗi dân.
Cuối tuần qua, Bộ Tài chính phát thông cáo cho biết, Thủ tướng đã đồng ý phương án "trám" lỗ hổng thuế trong phương pháp tính giá cơ sở xăng dầu. Tuy nhiên, đến nay câu hỏi mà dư luận đặt ra về hướng xử lý một phần lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhờ hưởng chênh lệch thuế suất thời gian qua vẫn còn bỏ ngỏ.
Trao đổi với phóng viên Dân Trí, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, hiện chỉ có 2 hướng xử lý là tính toán con số cụ thể mà mỗi doanh nghiệp hưởng lợi từ chênh lệch thuế suất là bao nhiêu, từ đó, hoặc đưa vào ngân sách nhà nước (NSNN) hoặc đưa vào quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG). Ngoài hai cách này không còn cách nào khác.
Tuy nhiên, theo ông Phong, do bản chất khoản tiền này là của người tiêu dùng, do đó, nếu đưa vào NSNN thì không hợp lý. "Cơ quan quản lý Nhà nước đã gây ra lỗi rồi, nếu chuyển khoản này vào NSNN sẽ không thể tạo được sự đồng thuận" - ông Phong nhận định.
 
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, lời xin lỗi trước dân là cần thiết, nhưng quan trọng là phải quy được trách nhiệm cụ thể và kiện toàn chính sách.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, lời xin lỗi trước dân là cần thiết, nhưng quan trọng là phải quy được trách nhiệm cụ thể và kiện toàn chính sách.
Vị chuyên gia cho rằng, với điều kiện hiện tại, cách xử lý duy nhất là truy thu và đưa vào quỹ BOG vì cuối cùng sẽ trả cho người dân, song phải tính toán được số tiền cụ thể, tránh để xảy ra lạm dụng do trong hoạt động nhập khẩu của các doanh nghiệp, không phải tất cả đều từ nguồn được hưởng thuế thấp.
Theo ông Phong, việc để xảy ra lỗ hổng trong điều hành giá xăng dầu lần này là một bài học lớn cho liên Bộ Công Thương - Tài chính.
"Nói gì thì nói đây cũng là lần đầu tiên phát sinh tình huống này, trong bối cảnh có quá nhiều các FTA khác nhau với mức độ ưu đãi thuế khác nhau. Xử lý thế là chậm nhưng vẫn là có khắc phục" - vị chuyên gia nhận xét.
Cho rằng, với việc đã gây thiệt hại cho người dân, cơ quan điều hành cần sòng phẳng và thẳng thắn xin lỗi người tiêu dùng, song ông Phong đánh giá, điều quan trọng hơn hết là phải kiện toàn lại các quy định, phân định rõ trách nhiệm quản lý, đặc biệt là việc chịu trách nhiệm cá nhân.
"Có thể là vì trước đó chưa dự liệu được sẽ xảy ra sai sót kiểu này nên chưa quy định chế tài, nhưng bây giờ, trong tổ điều hành liên Bộ cần có quy định rõ. Cần tổ chức điều tra để truy tận cùng lỗi do ai, bộ phận nào? Phải thu hồi được những khoản lợi nhuận không chính đáng để xử lý hợp lý hợp tình. Một câu xin lỗi là thật sự cần thiết nhưng không quan trọng bằng việc truy cứu được trách nhiệm và hoàn thiện quy định pháp luật, như vậy mới bảo đảm được uy tín quản lý nhà nước. Đặc biệt là, nếu phát hiện ra có trục lợi, biết mà vẫn cố tình làm thì phải xử lý trách nhiệm rất nặng, có thể truy cứu trách nhiệm trước pháp luật" - ông Phong nói.
Liên quan đến việc điều hành giá xăng, đến nay giá xăng cơ sở đã cao hơn giá xăng bán lẻ trên 1.000 đồng/lít, và chu kỳ điều chỉnh giá rơi vào thứ Bảy (19/3), một số doanh nghiệp đầu mối cho rằng, mức độ tăng giá xăng tùy thuộc vào mức độ sử dụng quỹ BOG.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Phong cho biết "Từ lâu tôi đã đề nghị cần bỏ BOG đi, càng sớm càng tốt, còn nếu muốn giữ lại một quỹ nào đó thì phải là Quỹ An ninh năng lượng quốc gia - quỹ này tách ra khỏi doanh nghiệp, tồn tại độc lập".
Vị chuyên gia cho hay, tại một số quốc gia trên thế giới như Mỹ, quỹ xăng dầu dự trữ này có tác dụng điều hòa giá, khi cần thì mua vào - bán ra, bình ổn cung cầu và chi phối được thị trường. Còn với quỹ BOG hiện nay theo ông Phong là không phát huy được tác dụng của quỹ mà chỉ là hình thức thu ghi của doanh nghiệp mà thôi, trong khi đó lại rất dễ bị lạm dụng, mập mờ, khuất tất.
(Theo Dân trí) Bích Diệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét