Thông điệp lạ từ chuyến thăm Việt Nam của ông Thường Vạn Toàn
Cập nhật lúc 15:01
Cách tốt nhất để "phản bác luận điệu xuyên tạc của các
thế lực thù địch" là giải quyết một cách sòng phẳng, khách
quan, cầu thị...
LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam
nhận được bài viết của Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban
Biên giới Chính phủ về nhận định của ông xung quanh chuyến thăm Việt
Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn và quan hệ
Việt Nam - Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay.
Để rộng đường dư luận, Báo Điện tử
Giáo dục Việt Nam xin gửi đến quý bạn đọc bài phân tích này của
Tiến sĩ Trần Công Trục. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện
quan điểm, góc nhìn của tác giả.
Sau chuyến thăm chính
thức Việt Nam lần đầu tiên của ông Tập Cận Bình trên cương vị nguyên thủ
quốc gia Trung Quốc tháng 11 năm ngoái, một sự kiện ngoại giao thu
hút sự chú ý của dư luận là chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng
Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn.
Bối cảnh đặc biệt của chuyến thăm
Chuyến thăm diễn ra từ
ngày 26 đến ngày 29/3 năm nay. Ngày 30, 31/3 Bộ trưởng Quốc phòng
Phùng Quang Thanh lại sang Quảng Tây dự hội đàm cấp cao biên giới
Việt - Trung với ông Thường Vạn Toàn, theo vtv.vn.
Như vậy hoạt động của
ông Thường Vạn Toàn trên lãnh thổ Việt Nam kéo dài 4 ngày, trên
lãnh thổ Trung Quốc sát biên giới với Việt Nam 2 ngày, một chuyến
thăm khá dài và hiếm gặp.
Trong khi tại Trung
Quốc sáng 26/3 cả thảy 9 Thượng tướng, thành viên Quân ủy trung ương
Trung Quốc sau cải cách đồng loạt hiện diện trong lễ Nghĩa vụ
trồng cây tại xã Tôn Hà khu Triều Dương, Bắc Kinh, vắng mỗi ông Tập
Cận Bình - Chủ tịch Quân ủy và ông Thường Vạn Toàn - Bộ trưởng
Quốc phòng. Hai ông đều đi công du nước ngoài.
Còn tại Hà nội, Quốc hội
khóa XIII đang họp kỳ họp cuối cùng để quyết định nhiều vấn đề hệ trọng,
trong đó có vấn đề chuyển giao quyền lực của 3 vị lãnh đạo chủ chốt của đất
nước. Trên Biển Đông, các hoạt động của Trung Quốc vi phạm các quyền và lợi
ích của các quốc gia xung quanh vẫn không ngừng diễn ra.
Gần nhất là vụ giàn khoan
943 rục rịch kéo ra hoạt động tại khu vực chồng lấn ở cửa vịnh Bắc Bộ, bất
chấp quy định của Luật Biển quốc tế và thỏa thuận chính trị giữa 2 nước.
Ngay trong ngày hôm qua
30/3 khi Bộ trưởng Quốc phòng hai nước còn đang hội đàm ở Quảng Tây, thì ông
Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc công khai thừa nhận thông
tin báo giới phản ánh tuần trước, Trung Quốc đã bố trí bất hợp pháp tên lửa
chống hạm YJ-62 ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).
Hồng Lỗi nói, chuyện này
bình thường thôi, không phải "quân sự hóa".
Như vậy với Trung
Quốc, chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Thường Vạn Toàn cũng là
một hoạt động ẩn chứa nhiều ý nghĩa đáng được dư luận quan tâm.
Thông điệp lạ từ chuyến thăm Việt Nam
của ông Thường Vạn Toàn
Người viết lấy làm
lạ khi đọc được bài báo "Bộ trưởng Quốc phòng TQ thăm VN, phản
bác luận điệu xuyên tạc" đăng trên báo điện tử vietnamnet.vn
ngày 23/3/2016. Trong đó khi giới thiệu về nội dung chuyến thăm có
đoạn:
"Đồng thời phản bác lại những luận
điệu xuyên tạc sai trái của các thế lực thù địch về những vướng mắc, bất đồng
trong quan hệ giữa hai nước thời gian qua."
Lạ là vì đến giờ
này khi ông Thường Vạn Toàn đã rời khỏi lãnh thổ Việt Nam về
Quảng Tây, Trung Quốc, nhưng chưa thấy ông hay tùy tùng có phát biểu
nào nhằm "phản bác lại những luận điệu xuyên tạc sai trái của các thế
lực thù địch về những vướng mắc, bất đồng trong quan hệ giữa hai nước thời
gian qua".
Trong khi theo QQ News,
ngày 28/3 hơn 4500 cựu binh và quyến thuộc từng tham gia Chiến tranh
xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam giai đoạn 1979-1989
tập trung về Phòng Thành Cảng, Quảng Tây để tảo mộ binh lính chết trận
và kỷ niệm cái họ gọi là "chiến tranh phản kích tự vệ chống
Việt Nam", một sự xuyên tạc lịch sử trắng trợn về bản chất của
cuộc xung đột.
Cho đến nay, Trung Quốc
cùng với Nga được các nhà ngoại giao Việt Nam xếp vào diện "đối
tác chiến lược - toàn diện", nhưng lịch sử quan hệ Việt Nam -
Trung Quốc kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức đến
nay đã trải qua nhiều thăng trầm, có lúc hợp tác mật thiết, có
lúc xung đột đối đầu và để lại nhiều hệ lụy ngày hôm nay vẫn chưa
giải quyết hết được.
Sau các sự kiện năm
1974 Trung Quốc xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa, thì năm
1979 Trung Quốc cất quân xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt
Nam và xung đột kéo dài đến mãi năm 1989.
Năm 1988 Trung Quốc xâm
lược 6 bãi đã ở quần đảo Trường Sa, và gần nhất là năm 2014 giàn
khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục
địa Việt Nam gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ trong quan hệ 2
nước.
Vụ giàn khoan 981 là
một kế nghi binh ngoạn mục để Trung Quốc thúc đẩy việc bồi lấp,
xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo trái phép với quy mô chưa từng
có trên ít nhất 7 thực thể họ chiếm đóng trái phép ở Trường Sa.
Đó là những sự thật lịch sử rõ như ban ngày mà không một
"thế lực thù địch" nào có thể xuyên tạc được.
Với mỗi người Việt
Nam yêu nước, dù một tấc đất do cha ông để lại cũng có ý nghĩa vô
cùng thiêng liêng cao cả và sẵn sàng hy sinh tính mạng và tài sản
để bảo vệ, giữ gìn cơ đồ cha ông cho con cháu mai sau.
Quyết không thể coi đó
là "chuyện nhỏ" hay "tiểu cục" như ông Tập Cận
Bình nói trong chuyến thăm Việt Nam năm ngoái, hay nói như bài báo
trên vietnamnet.vn chỉ là "những vướng mắc, bất đồng trong quan
hệ giữa hai nước thời gian qua".
Cá nhân người viết
luôn ủng hộ chủ trương giải quyết các tranh chấp bất đồng giữa
Việt Nam - Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình, đối thoại trên cơ sở
luật pháp quốc tế. Mà muốn đối thoại, thì những cuộc gặp cấp cao
giữa lãnh đạo hai nước có vai trò quan trọng.
Bởi vậy nên người viết
hoan nghênh các chuyến thăm Việt Nam của các nhà lãnh đạo Trung Quốc
và ngược lại. Vấn đề chính đặt ra là, trong nội dung chuyến thăm
và lãm việc, lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề cập và có hướng xử
lý như thế nào về các tranh chấp, bất đồng ấy.
Bởi lẽ chỉ có thái
độ khách quan, sòng phẳng và cầu thị với lịch sử mới giúp củng
cố quan hệ hợp tác giữa 2 nước thực sự bền vững, thực chất, mới
hy vọng có được “niềm tin chiến lược” như ai đó vẫn nói.
Cũng chỉ có khách
quan, sòng phẳng và cầu thị với lịch sử mới giúp Việt Nam và
Trung Quốc vượt qua những khúc quanh lịch sử, giải quyết tranh chấp
bất đồng hiện tại và hướng tới tương lai hợp tác, ổn định, lâu
dài mà không một "thế lực thù địch" nào có thể xuyên tạc
hay chống phá được.
Nhưng người viết chưa
thấy thiện chí nhìn thẳng sự thật lịch sử với thái độ khách
quan, sòng phẳng và cầu thị từ các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Dường
như họ chỉ muốn tìm cách khuyên răn chúng ta “khép kín” để quên đi quá
khứ, muốn chúng ta "duy trì hiện trạng" còn họ thì
"lấn tới tương lai".
Mọi người Việt Nam yêu
nước đều ghi nhớ, Trung Quốc chính thức cất quân tấn công toàn tuyến
biên giới phía Bắc Việt Nam ngày 17/2/1979 gây ra cuôc chiến tranh xâm
lược đẫm máu ác liệt kéo dài suốt 10 năm. Ngày 17/2 năm nay, người
dân và các tổ chức Việt Nam đã tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ ngã xuống
trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc vĩ đại này.
Nhưng tại sao các cựu
binh Trung Quốc lại "đợi" đúng ngày 28/3 khi ông Thường Vạn
Toàn đang ở Việt Nam để tổ chức kỷ niệm, tảo mộ, dù vẫn còn nhận
thức khác nhau về bản chất và nguyên nhân cuộc chiến? Với người
viết, đó là một sự việc "lạ mà không lạ".
Mục đích và kết quả chuyến thăm Việt
Nam của ông Thường Vạn Toàn
Mục đích thực chất
chuyến thăm Việt Nam của ông Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thì
chỉ có cá nhân ông Thường Vạn Toàn và cộng sự mới biết rõ nhất.
Những gì thể hiện trên truyền thông có lẽ chỉ là phần nổi của
tảng băng chìm.
Cũng giống như mọi
hoạt động đối ngoại khác trên thế giới, giới phân tích và quan sát
chỉ có thể "nhìn quả đoán cây", chứ hiếm có người biết
được chính xác mục đích, ý đồ của người trong cuộc.
Kết quả chuyến thăm
và làm việc tại Việt Nam của ông Toàn được báo Thanh Niên phản ánh
có thể tóm lại thành mấy nội dung chính:
1) Đánh giá quan hệ hai nước về tổng
thể phát triển ổn định;
2) Trao đổi thẳng thắn về tranh chấp
trên biển, nhấn mạnh tiếp tục xử lý thỏa đáng qua đàm phán hòa
bình hữu nghị, căn cứ vào chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác
định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về
Luật Biển 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp lâu dài hai bên có thể
chấp nhận được;
3) Nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và
nhận thức chung lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện
DOC và xúc tiến xây dựng COC;
4) Quân đội hai nước phải bình tĩnh,
kiềm chế, kiểm soát tốt tình hình, không để xảy ra xung đột, tăng
cường hợp tác thực chất và hiệu quả, tiếp tục khẳng định hợp
tác quốc phòng tiếp tục là một trong những trụ cột của quan hệ
song phương.
Cũng với nguyên tắc
"nhìn quả đoán cây", người viết xin dẫn ra nhận định của
tờ Đa Chiều, một tờ báo người Hoa hải ngoại tại New York có quan điểm
thân chính phủ Trung Quốc, bình luận ngày 28/3 về mục đích chuyến
thăm Việt Nam của ông Thường Vạn Toàn lần này:
1) Xoa dịu phản ứng của Việt Nam với
việc tàu cá Việt Nam bị tấn công trên vùng biển Hoàng Sa ngày 6/3
và ngày 7/3 do lo ngại có thể bùng lên phản ứng dữ dội từ dư luận
như vụ giàn khoan 981 năm 2014.
Nhất là gần đây Indonesia đã có những
động thái phản ứng gay gắt với hành vi của Trung Quốc xâm phạm
vùng đặc quyền kinh tế Natuna, Indonesia phía Nam Biển Đông;
2) Nhấn mạnh hợp tác giữa Trung Quốc
với các nước ASEAN vẫn lớn hơn bất đồng trên Biển Đông. Trong trường
hợp này là Việt Nam;
3) Trấn an Việt Nam về các hoạt động
quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông. (BBC tiếng Trung
Quốc ngày 29/3 lưu ý, tháp tùng ông Toàn thăm Việt Nam còn có tướng Thẩm Kim
Long, Tư lệnh Hạm đội Nam Hải).
4) Thăm dò thái độ của các nhà lãnh
đạo Việt Nam sau Đại hội 12 về Biển Đông và quan hệ Việt - Trung.
Còn cá nhân người
viết cho rằng, ngoài 4 mục đích mà tờ Đa Chiều chỉ ra, có thể
còn có 2 mục đích quan trọng khác trong chuyến thăm Việt Nam của
ông Thường Vạn Toàn:
1) Thêm một lần nữa tìm cách ngăn cản Việt
Nam không được khởi kiện Trung Quốc như Philippines đã làm, nhất là
ngày ra phán quyết của PCA đang đến gần;
2) Cản trở khả năng Việt Nam hợp tác
quân sự với Hoa Kỳ, như việc đặt kho hậu cần tại Việt Nam mà một số
quan chức Mỹ đã tiết lộ, hoặc tìm kiếm việc truy cập cảng Cam Ranh…
Dù với mục đích nào,
thì người viết vẫn đánh giá cao kết quả chuyến thăm này, đặc biệt
là việc thống nhất quan điểm giải quyết tranh chấp trên Biển Đông
trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS và quân đội 2 bên kiềm
chế không để xảy ra xung đột đối đầu.
Vấn đề còn lại là
chúng ta đấu tranh như thế nào trong khuôn khổ luật pháp quốc tế? Hiểu
và vận dụng luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS như thế nào? Hiểu như
thế nào về duy trì hiện trạng trong khi Trung Quốc vẫn thúc đẩy
quân sự hóa Biển Đông?
“Binh bất yếm trá”
Người Trung Quốc có
câu “Binh bất yếm trá” với ý nghĩa, trong việc dùng binh, việc quân sự
thì không loại trừ gian kế, dối trá. Điều này khiến người viết bất giác
nhớ đến Tập 35 "Khổ nhục kế" của tác phẩm điện ảnh kinh điển
Trung Hoa "Tam Quốc diễn nghĩa" bản 1986 thể hiện rõ tư
tưởng "binh bất yếm trá" của các nhà lãnh đạo quân sự,
chính trị Trung Quốc.
Sau khi Tưởng Cán
trúng kế Chu Du làm Tào Tháo giết nhầm 2 tướng thủy quân Sái Mạo,
Trương Doãn, Tháo tức tối tìm cách đối phó. Tào Tháo sai Sái
Trung, Sái Hòa em họ Sái Mạo sang trá hàng.
Chu Du tương kế tựu
kế, dùng Hoàng Cái vào "khổ nhục kế" trá hàng Tào Tháo
để triển khai kế hỏa công trong trận Xích Bích. Khổng Minh đứng ngoài
quan sát, không một động tĩnh nào của Chu Du thoát khỏi mắt ông ta,
bởi trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Khổng Minh là bậc thầy
của "binh bất yếm trá".
Sở dĩ người viết
nhắc tới tác phẩm văn học và điện ảnh kinh điển này là muốn nhấn
mạnh, chính người Trung Quốc đã dạy con cháu họ, việc quân sự và
bang giao giữa các nước thì không loại trừ gian kế, không ngại dối
trá. Câu chuyện này còn nhắc nhở chúng ta phải biết tương kế tựu
kế.
Nếu như Trung Quốc
muốn dùng "đại cục - tiểu cục" để ràng buộc Việt Nam thì
chúng ta phải dùng cái gốc của "đại cục" để hóa giải.
Việt Nam rất coi trọng
và mong muốn chung sống hòa bình, hợp tác hữu nghị với Trung Quốc.
Nhưng để củng cố được quan hệ hợp tác hữu nghị phát triển lâu
dài, những mầm mống xung đột cần phải được giải quyết dứt điểm
một cách khách quan, cầu thị, sòng phẳng và dựa trên luật pháp
quốc tế.
Ngư dân Việt Nam vẫn
bị tấn công ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa - một phần lãnh thổ thiêng
liêng của Tổ quốc đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Trung Quốc
vẫn tiếp tục quân sự hóa Biển Đông thì lấy đâu ra lòng tin và cơ
sở củng cố quan hệ hai nước?
Họ muốn sang thăm dò
mình, cũng tốt thôi, hãy nhân những cơ hội thăm dò để chuyển tải
thiện chí, lập trường kiên định của mình bằng những thủ pháp mềm
dẻo, khéo léo, nên tìm cách tương kế tựu kế.
Do đó, về mặt đối
ngoại thiết nghĩ chúng ta vẫn phải vừa hợp tác, vừa đấu tranh trên
cơ sở công pháp quốc tế, lẽ phải và sự thật. Chúng ta hoan nghênh
các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc như ông Thường Vạn Toàn sang
thăm, vì đó là cơ hội cho đối thoại giải quyết các tranh chấp bất
đồng, củng cố đoàn kết, hòa bình, hữu nghị giữa 2 nước.
Tuy nhiên cũng phải
hết sức tỉnh táo trước bài toán "đại cục - tiểu cục" mà
các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang triển khai. Về mặt ngoại giao
chúng ta lắng nghe để sau đó phản hồi, phản biện lại một cách
thấu tình đạt lý, họ nghe được và ta nghe được.
Còn về chính sách
đối ngoại nói chung, chúng ta cần giải thích cho họ hiểu, Việt Nam nhất
quán chủ trương muốn làm bạn bè tin cậy, đối tác có trách nhiệm với tất cả
các quốc gia yêu chuộng hòa bình và công lý.
Trung Quốc cũng là
một đối tác bình đẳng của Việt Nam như Hoa Kỳ hay Nhật Bản,
Singapore, Philippines...Để dư luận khu vực và thế giới hiểu lầm
Việt Nam và Trung Quốc "nói riêng" với nhau gì đó trên Biển
Đông sẽ vô cùng nguy hại.
Về mặt đối nội, cũng
cần giải thích rõ cho nhân dân về phương châm vừa hợp tác, vừa đấu
tranh trong quan hệ với Trung Quốc, vừa bảo vệ độc lập chủ quyền
và toàn vẹn lãnh thổ, vừa bảo vệ hòa bình ổn định khu vực và
Biển Đông như thế nào.
Có như thế mới tạo
được đồng thuận xã hội, loại trừ bất ổn và tăng sức mạnh quốc
gia trong đàm phán, giải quyết tranh chấp với Trung Quốc và các
nước khác trên Biển Đông.
Nhân dân Việt Nam, nhân
dân Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng mong mỏi
được sống trong hòa bình, hợp tác và phát triển. Nhưng lãnh đạo
một số quốc gia có vẻ xem nhẹ điều này. Với họ trở thành siêu
cường số một số hai thế giới mới thực sự là mục tiêu, bởi lẽ ấy
xung đột, chiến tranh trên thế giới mới liên miên không dứt.
Vì vậy, người Việt Nam
mặc dù không bao giờ quên được những trang sử thấm đẫm máu và nước mắt
của biết bao thế hệ đã ngã xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền
thiêng liêng của mình. Nhưng vì các quyền và lợi ích chính đáng của mỗi quốc
gia, đân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, tiến bộ, người Việt Nam sẵn
sàng “gác lại quá khứ” để hướng tới tương lai.
Người Việt Nam rất coi
trọng hòa bình, hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, nhưng cũng kiên
quyết bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Người dân Việt Nam mong
muốn các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng, cách tốt nhất để
"phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch"
là giải quyết một cách sòng phẳng, khách quan, cầu thị theo đúng
tinh thần luật pháp quốc tế các tranh chấp, bất đồng giữa hai nước
trên Biển Đông và nhìn nhận đúng đắn, khách quan về các sự kiện
lịch sử, chứ không phải tìm cách lảng tránh, che đậy nó để "thế lực
thù địch" nào đó lợi dụng.
Cách tốt nhất để tránh
chiến tranh, vun đắp cho quan hệ hòa bình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung
Quốc là phải nỗ lực loại bỏ tận gốc các mầm mống của chiến tranh xung đột
trên cơ sở đàm phán hòa bình, căn cứ theo luật pháp quốc tế.
(Theo
Giáo dục VN) Ts Trần Công Trục
|
Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét