Loạn
các chương trình vinh danh DN:
* Đóng tiền 'mua' vinh dự
Cập nhật lúc 11:01
Khó chấp nhận
kiểu vinh danh chào mời với điều kiện tiên quyết là muốn được vinh danh thì
phải đóng tiền.
Anh
V. tiết lộ hiện nay anh làm cộng tác cho khoảng năm, sáu công ty, tạp chí, công
ty truyền thông và cá nhân tổ chức giải thưởng quanh năm. Anh không hưởng lương
ở bất cứ đơn vị nào mà chỉ nhận hoa hồng 30%-50% hợp đồng “hỗ trợ” giải thưởng
mang về.
Vinh danh... thầy bói
Theo anh V., mang tiếng hợp đồng hỗ trợ chi phí tổ chức giải, khi
nói chuyện với doanh nghiệp (DN) thì hứa nếu không đạt giải sẽ trả lại số tiền
hỗ trợ nhưng thực sự khi DN đóng tiền là chắc chắn được giải. Anh cho hay các
DN phải đóng 5-50 triệu đồng tùy vào quy mô giải, hễ tham gia tài trợ là đương
nhiên có giải. Khi đi chào mời, anh V. xưng làm ở tạp chí này, tổ chức nọ để
tạo uy tín, thậm chí có tạp chí thiết kế cho anh thẻ PV để làm việc với DN cho
dễ. Có những giải thưởng do cá nhân làm, họ quan hệ “mượn mác” đơn vị tổ chức,
sau đó các khâu mời người trao giải, tổ chức giải, truyền hình trực tiếp đều do
người này đứng ra làm. Đơn vị cho “mượn mác” được chia một ít, người trao giải
có phong bì.
Thậm chí có chuyện người ta vinh danh cả… thầy bói. Cụ thể là trong
chương trình “Vinh quang Việt Nam 2015” (được giới thiệu do một số cơ quan và
Công ty Hữu nghị Á Châu phối hợp tổ chức). Trong phần tuyên dương điển hình
tiên tiến, người dẫn chương trình đọc: “Xin kính mời ông PBH ở Đắk Lắk”. Mỗi
gương điển hình tiên tiến được tặng một “tượng vàng Thánh Gióng”. Sau này dư
luận ngã ngửa khi biết rằng ông PBH là một thầy bói, từng bị công an địa phương
xử phạt hành chính vì hành nghề mê tín dị đoan.
“Vinh dự có giá 51 triệu đồng”
Mới đây, một doanh nhân cho biết trên trang cá nhân rằng ông cũng
được mời vinh danh. Ông kể: “Được ban tổ chức của một trung tâm với cái tên
nghe rất hoành tráng mời đích danh, lại được tổ chức ở một địa điểm linh thiêng
như chùa Bái Đính thì quá hãnh diện, vinh dự quá. Nhưng để có cái vinh dự ấy
thì phải làm hồ sơ và kèm theo đó là liệt kê rõ cái giá phải trả cho từng sự
vinh dự đó là bao nhiêu.
Bảng liệt kê mức hỗ trợ và quyền lợi mà ban tổ chức chương trình Nhà
lãnh đạo xuất sắc - đơn vị phát triển bền vững 2015 gửi các lãnh đạo DN. Ảnh tư
liệu
Một hàng gạo sạch tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tại An Giang
năm 2014. Chương trình này tạo được uy tín bởi sự chọn lọc, quy trình thẩm định
nghiêm túc, được giới chuyên môn và người tiêu dùng bình chọn. Ảnh tư liệu
Ông liệt kê:
1. Danh hiệu Nhà lãnh đạo xuất sắc và được nhận bảng vàng ghi danh:
15 triệu đồng. Nhưng nếu muốn được tham dự lễ dâng hương và thả đèn thì phải là
25 triệu đồng chứ không phải là 15 triệu đồng.
2. Bảo tượng phật: 10 triệu đồng.
3. Vật phẩm con giáp theo tuổi: 8 triệu đồng.
4. Tranh chữ “tâm phúc lộc”: 8 triệu đồng.
Doanh nhân này kết luận: “Như vậy có thể suy ra rằng giá của sự
vinh dự là 51 triệu đồng. Vậy hoặc bạn phấn đấu cống hiến để được vinh danh và
cảm thấy vinh dự, hoặc bạn phải trả 51 triệu đồng để có được sự vinh dự”.
Ban tổ chức nói gì?
Dù doanh nhân trên không nêu đích danh
đơn vị nào nhưng PV đã đi tìm hiểu và được ông Trần Tùng, Thường trực ban tổ
chức chương trình này, cho biết chương trình Nhà lãnh đạo xuất sắc - đơn vị phát triển bền vững 2015 do Viện Khoa học Nghiên cứu
nhân tài nhân lực trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
(VUSTA) và Công ty Truyền thông và Thương mại TPP Hoàng Gia tổ chức tại chùa
Bái Đính. Đây là lễ trao kỷ niệm chương, bảng vàng vinh danh các nhà lãnh đạo
có thành tích. Do cơ quan viện không có kinh phí nên ban tổ chức cùng các DN
kêu gọi các đơn vị, DN góp kinh phí cùng hỗ trợ chương trình trên tinh thần tự
nguyện. Chương trình không phải là lễ trao giải thưởng mà được xem như một dịp
để tập hợp các lãnh đạo đơn vị, cơ quan, DN ngồi lại với nhau tổng kết, dâng
hương khu vực tâm linh và trao kỷ niệm chương. Tiêu chí trao kỷ niệm chương là
người Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan đoàn thể, DN hoàn thành các nghĩa vụ đối
với Nhà nước, có ý chí vượt lên khó khăn,…
Thế nhưng oái oăm là trong hồ sơ gửi kèm phiếu đăng ký cho các lãnh
đạo DN, phần “Hỗ trợ và quyền lợi”, tất cả những gì người ta thấy được là mức
hỗ trợ càng cao thì càng có nhiều danh hiệu và được tham gia nhiều sự kiện như
đã liệt kê ở trên.
♦ ♦ ♦
Hằng năm trên cả nước có rất nhiều giải thưởng và lễ vinh danh được
tổ chức bởi hệ thống các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; chính quyền...
Đó là ghi nhận sự đóng góp cho cộng đồng, tôn vinh những thành tựu đóng góp vào
sự phát triển của đất nước; đề cao những tấm gương vượt khó, hy sinh. Nó có tác
dụng nêu gương để nhân rộng điều tốt đẹp, đồng thời cũng nhắc nhở người được
trao về những giá trị cần giữ gìn, phát huy.
Thế nên khó chấp nhận kiểu giải thưởng chào mời và một trong các
điều kiện tiên quyết là muốn giải thưởng thì phải đóng tiền.
(Theo Pháp luật TP HCM) TRÀ PHƯƠNG - CHÂN LUẬN - QUANG HUY
**Trăm kiểu làm tiền
Tất cả những gì mà những cuộc vinh danh biến tướng này hướng tới
là… tiền. Vì thế, họ không ngại quấy rầy doanh nghiệp.
“Alô tôi ở Bộ X muốn gặp anh có chút việc!”, “Alô tôi ở cơ quan
thanh tra Y…”,họ xưng như thế để kiếm một cái hẹn với chủ doanh
nghiệp (DN) nhằm mời gọi đóng tiền để được vinh danh. Thực sự thì sao?
“Đầu nậu” dựa hơi núp bóng
Thực sự đây là trò “kinh doanh các cuộc vinh danh”. Công thức của
nó là một công ty (thường là công ty truyền thông) liên hệ với một viện nghiên
cứu, một tổ chức hiệp hội hoặc một tạp chí của bộ, ngành nào đó để lấy danh
nghĩa của đơn vị này tổ chức cuộc vinh danh.
Công
ty này sẽ đề nghị đơn vị đó cấp giấy giới thiệu khống cho họ để đi làm việc với
các DN kêu gọi tài trợ, hỗ trợ. Nhân viên công ty hoặc cộng tác viên do họ thuê
mướn sẽ alô cho DN với tư cách là người của cơ quan chủ quản của đơn vị mà họ
dùng danh nghĩa. Chẳng hạn nếu đơn vị đó là tạp chí thuộc Bộ A thì họ sẽ gọi
đến giám đốc DN và nói ra vẻ quan trọng: “Alô, tôi ở Bộ A xin gặp anh liên quan
đến công việc của DN!”.
Mỗi
năm một công ty có thể phối hợp với nhiều đơn vị để tổ chức hàng chục cuộc vinh
danh. Vì vậy nhân viên của họ có thể cùng lúc có nhiều giấy giới thiệu của các
đơn vị khác nhau. Sáng có thể gọi điện thoại đến một DN xưng là người của Bộ A,
chiều lại xuất hiện ở DN khác với danh nghĩa người của Bộ B hay của một viện,
hiệp hội nào đó.
Không chỉ thế, họ còn núp bóng các cơ quan để xuất bản sách ca ngợi DN
(dĩ nhiên là thu tiền); in và bán các sách về luật, về thuế với giá trên trời
mà nội dung chỉ đơn thuần là một tập hợp các văn bản. Thế nhưng khối DN mắc lừa
nuôi béo những “đầu nậu”.
Các chương trình “vinh
danh” luôn kèm giá cả
DN là miếng mồi béo bở
Anh Bùi Ngọc Quang, chủ một
DN kinh doanh hoa tươi, cho biết tháng nào anh cũng nhận được đề nghị vinh danh
kiểu này, bị quấy rầy nhiều quá, đôi khi đành cúp điện thoại ngay và cài đặt
hộp thư để tất cả thư từ các địa chỉ này tự động chui vào mục thư rác. Có công
ty thì dặn lễ tân hễ ai tới mang giấy giới thiệu của đơn vị trực thuộc mà miệng
lại xưng tên bộ, ngành chủ quản thì hỏi: “Xin lỗi, anh bán sách, bán vé ca nhạc
từ thiện hay đề nghị tuyên dương cá nhân, DN điển hình?”, rồi trả lời luôn giám
đốc dặn không có nhu cầu nên không tiếp.
Tiền thu được từ DN với danh nghĩa “hợp đồng hỗ trợ truyền thông”, họ
trích hoa hồng cho nhân viên hoặc cộng tác viên mời gọi được DN. Phần còn lại
trả cho đơn vị mà họ dùng danh nghĩa một ít, phong bì cho thủ trưởng đơn vị ấy
một khoản tương tự, trừ chi phí tổ chức và còn lại thì bỏ túi.
Để thêm phần long trọng, dĩ nhiên phải có chi phí phát sóng trên truyền
hình và mời một quan chức nào đó đến phát biểu, tặng kỷ niệm chương cho DN.
Nhiều quan chức, thậm chí là cán bộ cấp cao do cả nể, cả tin vào uy tín của đơn
vị “bán danh nghĩa” đã đến tham dự mà không biết rằng bản chất đây là một trò
mua bán hư danh của một nhóm người.
Vinh danh ở “Bộ Chính trị”?
DN nào cũng được vinh danh
miễn là đóng tiền, có cuộc vinh danh đặt ra tiêu chuẩn là không nợ thuế nhưng
đa phần thì cứ có tiền là OK tuốt. Vì thế có DN nợ lương công nhân từa lưa, sản
xuất, kinh doanh ì ạch, có DN lớn năm nào cũng có tham ô, thất thoát, cán bộ
phải đi tù nhưng lãnh đạo vẫn liên tục được vinh danh.
Để DN tin tưởng, nhiều lễ vinh danh được tổ chức ở những nhà khách của
các cơ quan đảng, nhà nước. Hôm qua, khi đăng bài 1 của loạt bài này, có DN gửi
cho PV một văn bản đề nghị vinh danh mà họ nhận được. Theo đó, buổi lễ được tổ
chức ở nhà khách T78 - Văn phòng Trung ương và mở ngoặc là “BỘ CHÍNH TRỊ”. Thực
sự thì những nhà khách này cũng là đơn vị trực thuộc văn phòng bộ, ngành, ngoài
công tác hậu cần thì họ vẫn hạch toán kinh doanh, có tổ chức ở T78 hay nơi nào
đi nữa thì cũng như ở khách sạn, nhà hàng chứ gì mà ghi Bộ Chính trị vô đó (?).
Mức độ vinh danh phụ thuộc vào số tiền DN nộp chứ không phụ thuộc vào
thành tựu của DN. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao,
kể có DN ở Vĩnh Long than thở rằng nhà họ làm tương hột mà cũng phải tiếp mấy
“cò” vinh danh, khi thấy DN không có tiền mà cũng không mặn mà, họ bớt dần, kỳ
kèo trả giá như mua rau.
Luật gia Phan Ngọc Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà
nước, thuộc Sở Tư pháp tỉnh An Giang, cho biết: “Tôi đã nghỉ hưu theo chế độ từ
năm 2014 nhưng không hiểu vì sao đến nay tôi vẫn nhận được thư mời của Viện
Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực gửi mời tham gia chương trình nhà lãnh
đạo xuất sắc năm 2015 tại lễ hội chùa Bái Đính vào ngày 23-4-2016, kèm theo thư
mời có hẳn một chương trình của ban tổ chức với nhiều nội dung như báo Pháp Luật TP.HCM đã
đề cập”.
Tương tự như vậy, nhiều DN đã giải thể hoặc phá sản vẫn nhận được thư
mời tham gia các cuộc vinh danh. Nhiều DN ngán ngẩm: Người tổ chức chỉ cần tiền
chứ cần biết DN đó là ai, hoạt động thế nào đâu.
Cuối năm 2015, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc
Việt Nam dự kiến tổ chức vinh danh và cấp bằng chứng nhận “Nghệ nhân văn hóa
dân gian”. Tuy nhiên, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản yêu cầu dừng tổ chức chương
trình này. Theo Bộ, việc trung tâm tự ý đưa thông tin Bộ VH-TT&DL tổ chức
nhằm trục lợi. Bộ không nhận được văn bản của bất cứ đơn vị nào đề nghị phối
hợp tổ chức với nội dung trên. Trung tâm tự ý đưa Bộ VH-TT&DL vào bằng
chứng nhận “Nghệ nhân văn hóa dân gian” là không đúng với vị trí của cơ quan
quản lý trong sự kiện này. Được biết trước đó các nghệ nhân là đối tượng của
chương trình vinh danh này cũng được yêu cầu đóng tiền để được nhận bằng vinh
danh.
Trao đổi với PV, GS Hoàng Chương cho hay: “Ban tổ chức chương trình này
là một công ty truyền thông, họ đề nghị trung tâm tặng bằng khen cho các nghệ
nhân. Chúng tôi nhận thấy nghệ nhân có đóng góp thì cũng nên khen thưởng. Tuy
nhiên, sau khi phát hiện họ làm không đúng, chúng tôi đã chấm dứt việc hợp tác”.
VIẾT THỊNH ghi
Ông HUỲNH VĂN MINH, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA):
Nếu phải đóng tiền, DN đừng tham gia giải thưởng
Bản thân tôi làm DN vẫn nhận cuộc gọi thường xuyên mời tham gia giải
thưởng. Có những giải thưởng tên nghe kêu dữ lắm.
Giải thưởng cho DN, doanh nhân là cần thiết ghi nhận đóng góp cho nền
kinh tế, cho cộng đồng, khích lệ tinh thần phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy
nhiên, hiện có quá nhiều giải thưởng tiêu chí chung chung, hội đồng xét giải
không có, muốn tham gia phải đóng tiền hỗ trợ.
HUBA cũng tổ chức giải thưởng DN, doanh nhân TP.HCM tiêu biểu, ngân sách
UBND TP hỗ trợ, hội đồng xét giải là Hội đồng Thi đua Khen thưởng TP và các sở,
ban ngành, DN không phải đóng một khoản phí nào. Còn DN nào muốn tài trợ để
giới thiệu thương hiệu sản phẩm thì đăng ký nhưng những DN này không liên quan
gì đến việc bình chọn giải. Tiêu chí giải thưởng rõ ràng, nếu có vi phạm về
thuế, môi trường… sẽ bị loại khỏi giải.
DN khi tham gia giải thưởng phải xem xét giải đó có lợi cho mình không,
có tiêu chí rõ ràng, hội đồng xét giải tổ chức, đơn vị có thẩm quyền. Nếu phải
đóng tiền thì DN không nên tham gia.
TS CAO SĨ KIÊM, nguyên Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt
Nam:
Dễ rơi vào bẫy lừa đảo
Nghị định 46/2015 quy định rõ những chủ thể được trao giải thưởng và khi
làm các giải thưởng phải kiểm soát chặt chẽ, chỉ được thu phí để phục vụ công
tác trao thưởng chứ không phải là đặt ra định mức bao nhiêu tiền để được trao.
Vì thế khi các DN nhận được lời mời tham gia giải thưởng cần hỏi xem xuất xứ từ
đâu, ai cho phép, nếu không sẽ dễ rơi vào bẫy lừa đảo. Cũng cần nhớ những giải
thưởng được trao thì theo Quy chế 46 của Thủ tướng phải ba năm mới được trao
một lần.
Các giải thưởng hiện nay rất tràn lan, thậm chí người ta còn dùng tiền
để mua. Muốn hạn chế tình trạng này, trước hết Quy chế 46 của Thủ tướng phải
được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi. Đồng thời, những quy định, tiêu chuẩn
được tôn vinh, trao thưởng cần phải cụ thể. Cuối cùng, các cơ quan chức năng
cần kiểm soát chặt chẽ việc trao các giải thưởng, xử lý nghiêm minh những nơi
lợi dụng việc trao thưởng này để trục lợi. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng có
một bộ phận DN thích hư danh nên mặc dù biết đó là các giải thưởng không thực
chất nhưng vẫn nhận.
CHÂN LUẬN - QUANG HUY ghi
(Theo Pháp luật TP HCM) ĐỨC HIỂN
|
Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét