"Nói thì hay, làm thì dở, chỉ
xoay xở để làm lãnh đạo"
Cập nhật lúc 09:54
Đại biểu Đỗ Văn Đương: "Nói thì hay, làm thì dở, chỉ xoay xở
làm lãnh đạo, ngước lên để có quyền lực, mà như thế là gắn với tham nhũng
đấy".
LTS: Trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bên
lề kỳ họp Quốc hội thứ 11, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường
trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cần phải thực sự coi trọng người
tài và giảm số cán bộ "hô khẩu hiệu".
Đọc báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, ông có bình luận gì?
Đại biểu Đỗ Văn Đương: Về những điểm đã đạt được, nếu thực sự
được như thế thì có đại biểu đã nói rằng đó là hồng phúc cho dân. Tuy nhiên,
ở phần đánh giá về những hạn chế, đặt ra câu hỏi vì sao chưa đạt được những
kết quả thực chất thì chưa thỏa đáng, cần phải có đánh giá sâu hơn và cụ thể
hơn.
Có nhiều vấn đề
quan trọng cần phải làm rõ, thí dụ như tình hình nợ nước ngoài 80 tỷ USD và
tới đây khi nguồn ODA giảm thì có đối sách gì. Đồng thời cũng phải làm rõ
việc sử dụng vốn ODA trong thời gian qua thực sự đã hiệu quả chưa.
Thứ hai là nợ
công tăng nhanh, nếu như năm 2011 là 1,3 triệu tỷ đồng, nay đã là 2,7 triệu
tỷ đồng. Nợ công là do đâu? Phải có đánh giá chi tiết từng hạng mục xem ở chỗ
nào khiến khoản nợ này tăng lên nhanh như vậy. Đầu tư cho phát triển hạ tầng
là một việc tốt, nhưng nếu đầu tư cho tiêu dùng dẫn tới nợ công thì rất
nghiêm trọng.
Thứ ba là vì
sao bộ máy nhà nước quá cồng kềnh? Chủ trương của Bộ Chính trị về tinh giảm
biên chế rất đúng, nhưng giảm thế nào? Hết xây dựng đề án, báo cáo cấp thẩm
quyền phê duyệt... cứ như thế lâu lắm, không được đâu. Riêng khâu thủ tục
thôi cũng đã rất nhiêu khê rồi, xin hết cấp này tới bộ nọ mới được cắt giảm.
Bộ máy hành
chính quá lớn, thu ngân sách không đủ bù chi, cho nên dứt khoát phải bằng mọi
cách tinh giảm biên chế. Giảm không chỉ với các cơ quan nhà nước mà cả các tổ
chức đoàn thể. Như thế thì phải nhất thể hóa để bớt các tầng nấc trung gian,
một ông chỉ đạo là thực hiện luôn thì mới nhanh và dứt khoát được.
Tôi lấy thí dụ,
bây giờ có một ông đứng ngoài sân rồi chỉ đạo ông trọng tài trực tiếp điều
khiển trận đấu thì không được, vì người ta phải tùy theo tình huống mà xử lý.
Cho nên chuyện
xây dựng cơ chế chính sách mà qua nhiều lớp trung gian khiến cho việc áp dụng
chính sách vào đời sống thực tế bị kéo dài, thậm chí có cả chuyện nói một
đằng làm một nẻo.
Giảm biên chế
xây dựng vị trí việc làm là lâu dài, còn thực tế trước mắt theo tôi bây giờ
phải giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ. Thí dụ, năm nay phải giảm được 1000
người, năm sau giảm 2000 người thì các bộ tự phải giải quyết vấn đề của ngành
mình.
Giao nhiệm vụ
xong, Quốc hội và Chính phủ phải yêu cầu các bộ, ngành đến cuối năm báo cáo
kết quả, không cho phép trây ì, phải chấm dứt tình trạng nói rồi để đấy.
Thưa ông, vấn đề nhất thể hóa cũng đã từng được đề cập, nhưng
cũng có những băn khoăn lo ngại quyền lực tập trung thì quyền của những người
đứng đầu lớn quá, khó kiểm soát?
Ông Đỗ Văn Đương: Trên thực tế các cơ quan nhà nước đã có
kiểm soát lẫn nhau từ lập pháp, hành pháp, tư pháp, cho nên không phải quyền
lực tập trung là muốn làm gì cũng được. Việc này nhiều nước đã làm rồi chứ
không phải việc mới.
Tuy nhiên, dù
làm gì đi chăng nữa thì tôi cũng nhấn mạnh là phải bớt các tầng lớp trung
gian đi, và phải coi trọng những người có trách nhiệm, những người trực tiếp
làm ra sản phẩm.
Tức là phải coi
trọng những người có chuyên môn giỏi, giảm số cán bộ phong trào hô khẩu hiệu
đi. Đấy là số cán bộ nói thì hay, làm thì dở, chỉ xoay xở làm lãnh đạo, ngước
lên để có quyền lực, mà như thế là gắn với tham nhũng đấy.
Người có tài là
những người có đạo đức và tập trung cho chuyên môn chứ không nghĩ đến mấy trò
xỏ lá, ba que.
Còn những người
có đức một cách trìu tượng thì khó đánh giá. Vì vậy, phải coi trọng những
người có tài, chứ đừng nói tới đạo đức một cách chung chung.
Tôi nói thí dụ
tận tụy với công việc chính là đạo đức công vụ tốt đấy chứ. Còn có người thì
vẫn nhận đạo đức tốt, nhưng không làm gì cả, và nếu xét ở trách nhiệm công vụ
thì là vô đạo đức.
Trong phát biểu về kinh tế - xã hội, ông có ví von “một nông dân
cõng 4 ông công chức béo thì chết, dân oán thán lắm”, và có nhiều cán bộ
không thích làm việc chỉ thích làm quan. Nhưng có lẽ số “công chức béo” ấy
vẫn còn là một ẩn số khó tìm?
Đại biểu Đỗ Văn Đương: Công chức béo mà tôi nói là cái loại
tham nhũng. Công chức béo ở đây không phải là thể xác, là cân nặng mà tôi
muốn nói là cái ông cán bộ kia có nhiều tài sản lớn, gia đình, vợ con hoàng
tráng lắm, cổ phần, cổ phiếu, vàng bạc châu báu rất nhiều.
Vậy số công
chức béo ấy hiện nay nhiều hay ít? Chúng tôi chưa có con số tổng kết cụ thể,
nhưng ghi nhận phản ánh từ cử tri thì chắc chắn rất nhiều.
Loại công chức
này cũng như “hòa đại nhân” trong một bộ phim truyền hình nước ngoài đã chiếu
tại Việt Nam.
Thử hỏi một đất
nước mà có vài “hòa đại nhân” thì làm gì còn tài sản quốc gia nữa?
Mỗi người trong
chúng ta đều là dân, dù là người bình thường hay quyền cao chức trọng cũng
vậy. Thế cho nên mình phải coi trọng bố mẹ, coi trọng gia đình, coi trọng anh
em, coi trọng những người khác xung quanh.
Có nhiều người
chiến đấu mất xác ở chiến trường đến bây giờ cũng có tìm thấy đâu, cho nên
làm lãnh đạo thì phải thấy được cái khổ của dân, nói tiếng nói của dân và làm
được những việc thực sự có ích cho đời sống của dân.
Tôi đề nghị
thời gian tới phải chống tham nhũng có trọng tâm, nhằm vào một số quan chức
để chấn chỉnh bộ máy cán bộ.
Trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Giáo dục
VN) Ngọc Quang thực hiện
|
Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét