Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Ngang ngược “luật rừng”

Cập nhật lúc 08:33

 Người của Công ty Tân Đức tiến hành tháo dỡ rào chắn, thu dọn đất tại cổng Công ty Tango Candy chiều 25.3 - Ảnh: An Long
Người của Công ty Tân Đức tiến hành tháo dỡ rào chắn, thu dọn đất tại cổng Công ty Tango Candy chiều 25.3 - Ảnh: An Long
Thời gian qua, tại nhiều địa phương, xảy ra hàng loạt vụ dùng “luật rừng” giải quyết tranh chấp dân sự gây thiệt hại kinh tế lớn cho doanh nghiệp và môi trường kinh doanh nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật không xử lý nghiêm.

Dùng container, kẽm gai bít lối đi



Cách nói hết cách mới hành xử kiểu giang hồ
chỉ là biện minh và pháp luật không bảo vệ những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật


Phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM Đoàn Tạ Cửu Long

Mới đây, từ ngày 19.3, Công ty CP đầu tư Tân Đức (Long An) dùng rào chắn, đất bít lối đi của Công ty Tango Candy (doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản) đang hoạt động tại khu công nghiệp (KCN) Tân Đức (Long An) đã gây phản cảm, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của VN, dấy lên làn sóng phản ứng dữ dội từ dư luận.
Trước đó, nhiều vụ tương tự cũng xảy ra ở một số quận trên địa bàn TP.HCM gây thiệt hại kinh tế rất lớn, bên bị hại “cầu cứu” công an địa phương nhưng thường nhận được câu trả lời “đây là tranh chấp dân sự, công an không can thiệp”. Đó là vụ tranh chấp dân sự ở Q.10, thay vì kiện ra tòa thì chủ khách sạn (bên cho thuê) kêu một nhóm người đi cùng 3 xe ba gác máy chở máy hàn, dây xích sắt, dây kẽm gai, ván, ổ khóa xông vào khách sạn (đang cho thuê) đuổi nhân viên, khách ra ngoài, sau đó lấy ván chắn ngang cửa chính khách sạn, hàn “chết” vào; đồng thời lấy dây kẽm giăng ngang và dây xích quấn cửa lại, thay ổ khóa cửa khách sạn... Hay trường hợp tranh chấp một khách sạn khác ở Q.1, bên thuê khách sạn cho nhiều người lạ đến chiếm dụng khách sạn nhiều năm nay không trả tiền thuê. Bi đát hơn, một trường hợp ở Q.Gò Vấp, trong lúc đang tranh chấp căn nhà, nhóm muốn lấy nhà đưa hàng chục người lạ đến nhà tranh chấp, phá cửa xông vào nhà, mang đồ đạc của bên đang ở bỏ lên xe tải chở đi mất.
Dân “ngán” ra tòa vì ngại khổ


Có thể khởi tố về hành vi “gây rối trật tự công cộng”
Nguyên Thẩm phán TAND tối cao Phạm Công Hùng phân tích: “Với cách hành xử thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật của các hành vi trên dư sức khởi tố về hành vi “gây rối trật tự công cộng” bởi hậu quả của hành vi thuê, sử dụng giang hồ là nghiêm trọng, gây mất trật tự tại địa phương, cản trở hoạt động bình thường của các cá nhân, tổ chức. Nếu hậu quả liên quan đến sức khỏe, tính mạng thì các cơ quan chức năng khởi tố về hành vi “cố ý gây thương tích”, “giết người”, liên quan hư hỏng tài sản thì xử lý về hành vi “hủy hoại tài sản”. Các điều luật đã quy định rất rõ nhưng nếu người đứng đầu địa phương không làm nghiêm thì phải chịu trách nhiệm”.

Hành xử kiểu giang hồ để giải quyết một số vấn đề tranh chấp trong xã hội đang lây lan như một hiệu ứng. “Thủ tục tố tụng, hành chính quá rườm rà, thời gian giải quyết vụ việc quá lâu so với luật quy định; cơ quan quản lý nhà nước thờ ơ khi dân cần” là nhận định chung của người dân và các chuyên gia pháp luật khi được hỏi vì sao có tình trạng dùng “luật rừng” để giải quyết tranh chấp.
Cụ thể, theo quy định của bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, để giải quyết một vụ việc dân sự, thời gian sẽ kéo dài ít nhất từ 2 - 5 tháng nếu thuận buồm xuôi gió, tức từ việc nộp đơn đến khi tòa thụ lý đơn, vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm không gặp vướng mắc hay phải bổ sung giấy tờ, chứng cứ; ngược lại, nếu đương sự một trong hai bên gây khó khăn, chứng cứ chưa rõ... vụ việc bị tạm đình chỉ, tòa hoãn lên hoãn xuống thì án kéo dài 2 - 3 năm là thường, còn không thì 5 - 7 năm. Như vậy, có thể nói không ai muốn đưa mình vào thế vừa chờ vừa không biết vụ án sẽ như thế nào.
Né tránh hay bảo kê ?
Viện trưởng Viện 2 Viện KSND cấp cao tại TP.HCM Đỗ Đức Vĩnh cho rằng việc dùng “luật rừng” để giải quyết tranh chấp chỉ là một hiện tượng trong xã hội, không phải là bản chất của xã hội. “Nếu cá nhân, tổ chức nào cho mình cái quyền đi ra ngoài phạm vi pháp luật đã quy định thì tùy mức độ, hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự nếu đủ các yếu tố cấu thành tội. Nếu một hiện tượng tiêu cực đang nổi lên thì chỉ có biện pháp là các cơ quan nhà nước phải giải quyết sớm, triệt để thì người dân mới giải tỏa được bức xúc”, ông Vĩnh nhấn mạnh.
Ông Vĩnh cũng phân tích: “Người đứng đầu quản lý địa phương phải có trách nhiệm khi để phát sinh những kiểu hành xử như trên, gây mất trật tự xã hội tại địa phương. Và khi đã để xảy ra thì thực tế có xử lý nghiêm vụ việc hay không phải được thông tin công khai. Nếu không, người dân có quyền nghi vấn đằng sau sự lộng hành luôn có sự bảo kê của chính quyền địa phương”.
Ở một góc độ khác, Phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM Đoàn Tạ Cửu Long cho rằng dù với lý do gì nhưng việc chọn cách dùng “luật rừng” giải quyết là bản thân người lựa chọn vừa hại người vừa hại mình. “Mỗi người dân nên ý thức được những việc mình làm sẽ có hậu quả khó lường như thế nào. Vụ KCN Tân Đức là một ví dụ để chúng ta làm bài học. Khi dư luận phản ứng gay gắt về cách hành xử quá đáng với doanh nghiệp nước ngoài, KCN Tân Đức nói rằng hết cách mới hành xử như trên. Rồi khi chính quyền vào cuộc, phía KCN Tân Đức mới nói đã gửi đơn khởi kiện ra TAND H.Đức Hòa để giải quyết tranh chấp. Cách nói “hết cách mới hành xử kiểu giang hồ” chỉ là biện minh và pháp luật không bảo vệ những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật”, ông Long nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Long cũng cho biết, TP.HCM đang nổi lên những tranh chấp cho thuê nhà, nhưng người thuê luôn tìm đủ cách để không trả. Khi chủ nhà nhờ sự can thiệp của công an địa phương thì công an lại viện lý do “đây là tranh chấp dân sự, các anh ra tư pháp phường, xã hoặc nộp đơn khởi kiện ra tòa”... Với nhiệm vụ quản lý trật tự xã hội tại địa phương, khi cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan này có thẩm quyền giải quyết hoặc xin ý kiến nếu vượt thẩm quyền, bởi lúc này không còn đơn giản chỉ là tranh chấp dân sự giữa các bên.
Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương chia sẻ: Phía tòa án có muốn xét xử nhanh vụ án cũng không được, bởi nếu các thẩm phán làm không đúng thủ tục tố tụng thì án có thể bị hủy, sửa và còn nhiều lý do bất cập trong pháp luật hoặc cán bộ nhũng nhiễu. “Tuy nhiên, để bảo vệ bản thân, luật cũng cho người dân quyền yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời (điều 99 bộ luật Tố tụng dân sự), ngăn chặn các giao dịch khi đang có tranh chấp song song với việc nộp đơn khởi kiện. Ngoài ra, bbộ luật Tố tụng dân sự 2015 (có hiệu lực từ 1.7.2016 -PV) đã có một chương riêng về việc xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn. Theo đó, nếu vụ việc có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ... thì thẩm phán ra quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn không quá 1 tháng, sau đó mở phiên tòa trong thời hạn 10 ngày. Nếu làm được thủ tục này tình hình sẽ tốt hơn”, bà Hương nói.
Chủ đầu tư KCN Tân Đức khởi kiện đòi tiền phí hạ tầng
Chiều 29.3, tin từ TAND H.Đức Hòa (Long An) cho biết Công ty Tân Đức đã nộp đơn khởi kiện Công ty TNHH Tango Candy với yêu cầu công ty này trả phí hạ tầng gần 360 triệu đồng tính từ năm 2013 đến nay với mức 10.018 đồng/m2/năm. Ngoài ra, Công ty Tân Đức cũng yêu cầu Công ty TNHH Tango Candy trả luôn tiền lãi suất chậm thanh toán, chi phí thu hồi công nợ trên 130 triệu đồng. Tổng số tiền mà Công ty Tân Đức yêu cầu Công ty TNHH Tango Candy bồi thường gần 500 triệu đồng.
Như Thanh Niên đã thông tin, trước đó Công ty TNHH Tango Candy đã cầu cứu cơ quan chức năng tỉnh Long An liên quan đến việc chủ đầu tư KCN Tân Đức (H.Đức Hòa, Long An) là Công ty Tân Đức cho người lắp barie chặn cổng ra vào và cúp nước, sau đó tiếp tục đổ đất sét lấp cổng khi công ty này không đóng phí sử dụng hạ tầng vì cho rằng mức phí 10.018 đồng/m2/năm là quá cao. Ngoài công ty này, hơn 30 công ty khác cũng bị Công ty Tân Đức dọa cúp nước, chặn cổng nếu không đóng mức phí hạ tầng như trên. Tuy nhiên, chỉ sau một tuần, đến ngày 25.3, Công ty Tân Đức đã cho người tháo rào chắn, mở lại nước cho Công ty TNHH Tango Candy.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Tiều, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Long An, nói hành vi của Công ty Tân Đức là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, Công an tỉnh Long An lại cho biết các hành vi cản trở nói chung đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, riêng hành vi chặn cổng, cúp nước của Công ty Tân Đức thì công an tỉnh sẽ xem xét, chưa biết có xử lý được hay không.    
An Long

(Theo Thanh niên) Phan Thương - Đàm Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét