Chần chừ giảm thuế
xăng dầu!
Cập nhật lúc
08:46
Doanh nghiệp đầu mối nộp
thuế nhập khẩu thấp nhưng được tính cao khi đưa vào giá bán khiến người dân
không được hưởng giá xăng dầu rẻ nhưng liên bộ điều hành giá vẫn chưa nghĩ ra
phương án sửa đổi
Theo nguyên
tắc, thuế nhập khẩu xăng dầu được doanh nghiệp (DN) nộp sẽ tính vào giá bán
cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, khoản thuế DN nộp vào ngân sách đang ít hơn
khoản thuế được tính trong mỗi lít xăng, dầu bán ra cho người tiêu dùng. Phần
chênh lệch quá lớn này đã chảy vào túi các đầu mối kinh doanh.
Chênh lệch
thuế thành lợi nhuận DN
Từ ngày
1-1-2015, theo lộ trình cam kết khi tham gia Hiệp định Thương mại hàng hóa
ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu xăng dầu từ ASEAN được điều chỉnh như sau: xăng
20%, dầu diesel và dầu ma dút còn 5%. Đến ngày 1-1-2016, thuế các mặt hàng
dầu tiếp tục giảm về 0%, riêng xăng vẫn giữ mức thuế 20%.
Với thị trường
Hàn Quốc, thuế nhập khẩu xăng là 10% (thấp hơn các thị trường khác 10%), các
loại dầu chịu thuế nhập khẩu 5%, áp dụng theo Thông tư 20 của Bộ Tài chính
ban hành ngày 16-12-2015 về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp
định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.
Người tiêu dùng thiệt
thòi khi phải mua xăng với giá cao do cơ quan quản lý chậm điều chỉnh thuế
Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy nhiên, giá
cơ sở được tính toán để làm căn cứ xác định giá bán lẻ xăng dầu ngoài thị
trường lại đang tuân thủ Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu ban hành vào
cuối năm 2014. Theo đó, thuế nhập khẩu tính trong giá cơ sở đối với xăng là
20%, dầu diesel và dầu ma dút là 10%.
Cơ chế này đã
tạo khoản vênh 5%-10% tiền thuế và DN đã được hưởng lợi từ chính khoản vênh
này. Đại diện một DN đầu mối xăng dầu khu vực phía Nam thừa nhận khoản chênh
lệch này không hề nhỏ, nhất là đối với DN có sản lượng bán hàng lớn. “Các DN
Việt Nam nhập xăng dầu chủ yếu từ các nước ASEAN, nhiều nhất là từ Singapore,
Malaysia, Thái Lan. Khu vực này chiếm từ 50%-70% sản lượng nhập khẩu xăng dầu
nói chung. Do vậy, từ khi có ưu đãi thuế từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016
thì đúng là cơ chế đã tạo điều kiện cho DN biến khoản chênh lệch thuế từ khu
vực ưu đãi thành lợi nhuận” - đại diện DN này cho hay.
Tuy nhiên, ông
cũng lưu ý thêm, chỉ những lô hàng có chứng nhận form D (chứng nhận xuất xứ
từ khu vực được ưu đãi) mới được hưởng thuế suất ưu đãi, chứ không phải tất
cả xăng dầu từ thị trường ưu đãi đều được hưởng thuế thấp. Ngoài ra, có những
thời điểm giá xăng, dầu form D cao hơn giá xăng, dầu bình thường nên phần
chênh lệch thuế không phải DN được hưởng tất cả.
Song, chính vị
đại diện này cũng thừa nhận: “DN nhập hàng form D giá rẻ nhưng người mua hàng
không được lợi là bất hợp lý. Vì vậy, cần điều chỉnh chính sách sao cho hài
hòa lợi ích giữa DN và người tiêu dùng”.
Bất hợp lý đã
biết khá lâu
Nguyên nhân
dẫn đến khoản chênh lệch thuế nói trên là do có sự vênh nhau giữa quy định
trong Nghị định 83 về điều hành kinh doanh xăng dầu và các chính sách thuế
theo lộ trình hội nhập kinh tế thế giới. Sự bất hợp lý này đã được nhận diện
khá lâu nhưng đến nay, 2 bộ liên quan là Công Thương và Tài chính vẫn chưa
nghiên cứu cũng như chưa đề xuất phương án điều chỉnh.
Người phát
ngôn của Bộ Công Thương chiều 14-3 cho biết do nhận thấy những điểm bất cập
nên Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đề nghị và phối hợp với Bộ Tài chính
sớm có giải pháp tài chính tổng thể xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu
xăng dầu theo lộ trình của các FTA trên cơ sở bảo đảm lợi ích của nhà nước,
DN kinh doanh - sản xuất xăng dầu và các đối tượng tiêu dùng.
Theo một thành
viên tổ liên ngành điều hành xăng dầu, không phải đến khi có ý kiến phản ánh,
liên bộ mới nghĩ đến việc rà soát, điều chỉnh thuế mà đã liên tục có sự trao
đổi, phối hợp giữa 2 bộ về việc xem xét lại mặt bằng chung thuế nhập khẩu ưu
đãi ngay khi các điều khoản liên quan đến các hiệp định thương mại có hiệu
lực. “Bộ Tài chính sẽ cân nhắc phương án để tận dụng được lợi thế từ các hiệp
định thương mại và cân đối lợi ích giữa nhà nước, DN, người tiêu dùng. Việc
này phải làm càng sớm càng tốt nhưng phải hợp lý, có đánh giá, xem xét, cân nhắc
lợi, hại bởi nó liên quan đến tình hình trong nước, quốc tế cũng như tình
hình hội nhập của Việt Nam” - một thành viên tổ điều hành xăng dầu cho biết.
Về nguyên tắc,
việc điều hành giá xăng dầu phải thực hiện theo cơ chế phối hợp. Theo đó,
Nghị định 83 chỉ đưa ra công thức tính giá, Bộ Công Thương chủ trì điều hành
các hoạt động liên quan đến xăng dầu nhưng Bộ Tài chính chủ trì vấn đề giá,
hướng dẫn phương pháp tính giá, quỹ bình ổn… “Xử lý thế nào là chuyện 2 bộ
còn phải bàn, thậm chí phải xin ý kiến cơ quan lãnh đạo cao hơn” - một thành
viên tổ điều hành xăng dầu nói.
Nhập khẩu từ khu vực được hưởng thuế ưu đãi tăng vọt
Theo số
liệu từ cơ quan Hải quan, trong tháng 1-2016, xăng dầu các loại nhập vào Việt
Nam từ Singapore là hơn 402.000 tấn, tăng 67,3%; Thái Lan 143.000 tấn, tăng
30,1%; Malaysia 92.000 tấn, tăng hơn 9 lần mức nhập khẩu tháng 1-2015.
Theo chuyên
gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nếu đúng có khoản chênh lệch thuế từ các thị
trường nhập khẩu lớn như trên thì 2 bộ Công Thương và Tài chính phải nhanh
chóng sửa các bất cập, tránh để người dân phải dùng xăng dầu giá đắt khi hội
nhập, trong khi DN được hưởng lợi cả ngàn tỉ đồng.
(Theo Người LĐ) Phương Nhung
|
Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét