Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Điểm nguyện vọng thay đổi nhanh như... giá vàng



Thông tin trên được PGS. TS Nguyễn Văn Long – Trưởng phòng Khảo thí Trường Đại học Giao thông Vận tải chia sẻ trong sáng nay.

Tưởng đỗ lại… trượt
Đây là tâm lí của rất nhiều thí sinh và người nhà tham gia đợt xét tuyển nguyện vọng 1 năm nay. Với những thay đổi trong xét tuyển, thí sinh sẽ lựa chọn các trường tốp trên rồi mới tới tốp giữa, nếu không đảm bảo ngưỡng an toàn các em sẽ lựa chọn các trường tốp dưới.
Ghi nhận tại một số trường trong quá trình rút – nộp hồ sơ, nhiều em cho biết do không đảm bảo ngưỡng an toàn nên quyết định chuyển hướng sang trường khác, thậm chí có những thí sinh chuyển hẳn ngành học để với mục đích được vào đại học.
Tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, thí sinh Lê Thị Bích Huyền đến từ Thanh Hóa cho biết, em được 23,5 điểm, với mức điểm này như mọi năm em có thể chắc suất ở các trường tốp trên.
Tuy nhiên, năm nay Huyền quyết định thay đổi ngành học từ Kế toán sang Kỹ thuật điện tử. “Ban đầu em nghĩ là con gái sẽ hợp với kế toán hơn nhưng giờ em thấy con gái học kỹ thuật cũng được. Hơn nữa, mục tiêu của em là đỗ được đại học” Huyền chia sẻ.  
 
Thí sinh và người nhà tìm hiểu thông tin nguyện vọng tại Trường Đại học Bách khoa sáng ngày 18/8. Ảnh Xuân Trung
Tại trường Đại học Giao thông Vận tải, một phụ huynh từ Thường Tín- Hà Nội cho biết, ông đưa con lên đây nộp nguyện vọng để đảm bảo chắc suất hơn trường khác.
“Cháu nhà tôi làm nguyện vọng của Học viện Bưu chính Viễn thông nhưng bên đó khuyên nên đi  trường khác với mức điểm 21,  thôi thì đỗ thì đỗ, không đỗ thì ở nhà” vị phụ huynh này lắc đầu nói.
Theo PGS. Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cách làm của Bộ GD&ĐT đã khiến cho các trường và thí sinh đều vất vả. Bộ đã không lường hết được những phát sinh nên các chính sách thay đổi liên tục. 
Sự thay đổi này đã khiến phần mềm tuyển sinh của ngành không phát huy được tác dụng trong lọc hồ sơ thí sinh.  
Hơn nữa, Bộ cần giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Bộ chỉ cần “nắm” hai vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh của các trường và ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu. Còn lại tuyển sinh thế nào là việc của các trường.

Điểm thay đổi nhanh như giá…vàng
Sáng nay (19/8), trước hạn chót 1 ngày của đợt nguyện vọng 1, tại trường Đại học Giao thông Vận tải vẫn có rất đông thí sinh đến xin rút và nộp hồ sơ.
Theo Trưởng phòng Khảo thí PGS. TS Nguyễn Văn Long, trong những ngày áp chót nguyện vọng 1 nhà trường đã bố trí cán bộ làm  tăng ca, xử lí và tạo điều kiện cho thí sinh rút – nộp hồ sơ.
Riêng ngày hôm qua (18/8), số hồ sơ rút ra khỏi trường là 500 em, ngày 19/8 tính tới 11 giờ trưa đã có khoảng 600 hồ sơ rút khỏi trường. Ông Long cho rằng, mặt dù các em rất yêu trường, nhưng do thực tế phản ánh thứ hạng nên các em phải đành rút chuyển sang trường khác để đảm bảo đỗ đại học.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Long, ngay từ ngày 3/8 trường đã có bộ phần mềm đặt hàng từ khoa Công nghệ thông tin để xử lí thí sinh ảo. Về nguyên tắc, khi thí sinh đỗ nguyện vọng đầu thì các nguyện vọng sau sẽ bị xóa, phần mềm làm tốt vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên trước  thực trạng thí sinh kêu ca rút hồ sơ bị chậm, các em thông báo rút buổi sáng thì buổi chiều mới nhận được, buổi chiều thống báo thì sáng hôm sau mới nhận được. PGS. Long cho biết, thông thường thí sinh thông báo rút hồ sơ thì cán bộ phải tìm kiếm trong đống hồ sơ rất khó khăn, nếu không sắp xếp khoa học.
 
PGS. TS Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Khảo thí, Đại học Giao thông Vận tải. Ảnh Xuân Trung
Giải pháp đưa ra ở tình huống này đối với Đại học Giao thông Vận tải là cấp cho mỗi thí sinh một mã hồ sơ khi nộp vào và quản lí theo thứ tự. Việc hồ sơ được trả chậm là do trong quy trình, bộ phận quản lí phải có thời gian để đi rút trong khi đó bộ phận máy tính phải được bảo mật. 
PGS. Long cũng khẳng định, trong những ngày áp chót này sẽ không có tình trạng chậm như vậy, có thể chỉ từ 2-3 tiếng thí sinh sẽ nhận được hồ sơ của mình.
“Ngày hôm qua có phụ huynh yêu cầu rút hồ sơ gấp để chuyển sang trường khác, vì tính cấp thiết của thời gian vị phụ huynh này có phản ứng. Trực tiếp tôi tôi đã   lên rút hồ sơ cho thí sinh này. Tôi cũng rút ra một điều, trong cuộc chơi này mình phải luôn đóng vai là phụ huynh mới hiểu được nguyện vọng của các bác” PGS. Long cho biết.
Đánh giá sơ bộ về việc đổi mới công tác xét tuyển như năm nay, Trưởng phòng Khảo thí của Đại học Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Long cho rằng, riêng đợt xét tuyển nguyện vọng 1 là 20 ngày, 20 ngày ngồi cũng đã mệt vì thời gian kéo dài.
Những ngày đầu cán bộ chỉ ngồi rảnh rang, nhưng những ngày sau thì không một lúc ngơi tay. Tuy vậy, nhà trường vất vả nhưng lại tuyển được những thí sinh điểm cao. Đó là mong muốn của nhà quản lý. Vì vậy vất vả chưa là gì.
“Bản thân tôi có con được 24 điểm, nên khi làm việc tôi luôn đặt mình vào vị trí phụ huynh. Tôi thấy bằng cách này quyền lợi của thí sinh được nhiều.
Những năm trước chỉ có một nguyện vọng, nếu không được thì trượt phải đợi 1 năm, còn năm nay nếu trượt còn nhiều cơ hội khác. Phụ huynh vất vả một chút nhưng con đạt được nguyện vọng thì cũng thấy vui” PGS. Long nói.
Theo PGS. Nguyễn Văn Long, điều gì cũng có hai mặt, cũng giống như mặt hàng, người rất thích cái này nhưng có cái tốt hơn thì phải chọn cái tương ứng với số tiền mà người mua có. Cũng có trường hợp vì lo sợ không đủ tiền mà chọn cái rẻ hơn, vô tình chiếm mất cơ hội của người thấp điểm hơn.
Đưa ra lời khuyên cho thí sinh những ngày chót nguyện vọng 1, PGS. Nguyễn Văn Long cho rằng, thí sinh phải nghĩ đến chuyện không kiểm soát được sự bùng nổ của một ngành nào đó, nên tham khảo điểm chuẩn tạm thời của từng ngành trong mấy ngày vừa rồi. 
Theo quan sát của PGS. Long, trong những ngày qua, cứ 3 ngày một lần thì điểm trúng tuyển tạm thời tăng khoảng 0,5 điểm. Lên đều và bước nhảy tương đối đều, không có ngành nào điểm chuẩn dự kiến hạ.
“Hôm qua cập nhật sau một ngày thì quy luật tăng bằng quy luật tăng của 3 ngày. Trước đây 3 ngày tăng 0,5 thì hiện nay chỉ 1 ngày đã tăng 0,5 điểm. Thí sinh điểm cao tự tin nộp thì là nguyện vọng các cháu. Các cháu luân chuyển, chuyển ngành thì đó là nguyện vọng 2 mà thôi.
Học sinh hiện nay hầu như đang lựa chọn theo cảm tính. Mục tiêu số 1 là vào đại học, sau đại học mới là nguyện vọng, sau nguyện vọng mới nghĩ tới trường” PGS. Long nhận định.
“Thí sinh vất vả đi lại do chưa tận dụng triệt để công nghệ thông tin. Tất cả đang làm bằng tay, nếu như có thời gian thì sẽ làm online. Điều này sẽ khắc phục được những vất vả trong thời gian qua.
Một năm là chúng ta đủ điều kiện để triển khai. Nếu Bộ không làm thì Đại học Giao thông Vận tải sẽ làm. Chúng ta đang khắc phục hiện tượng ảo, một thí sinh chỉ được vào một trường nên tất cả phải làm trên một hệ thống”.
PGS. Nguyễn Văn Long – Trưởng phòng Khảo thí Đại học Giao thông Vận tải. 
(Theo Giáo dục VN) Xuân Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét