Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

VỠ TRẬN XÉT TUYỂN, BỘ TRƯỞNG LUẬN  NHẬN… TRÁCH NHIỆM

Cập nhật lúc 20:45

 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chính thức nhận trách nhiệm về những bất cập trong trong việc xét tuyển đại học năm 2015.

 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" - Ảnh chụp màn hình
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" - Ảnh chụp màn hình
Bản tin thời sự Đài Truyền hình VN tối 21-8 đưa tin phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc làm việc với Bộ GD-ĐT và các ban ngành liên quan sau khi kết thúc đợt 1 xét tuyển đại học năm 2015. 
Nhận trách nhiệm
Tại cuộc làm việc này, bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã báo cáo với phó thủ tướng Vũ Đức Đam về kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 và công tác triển khai việc xét tuyển đợt 1 năm nay.
Theo đó, đến ngày 20-7 đã gần 570.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học cao đẳng.
Bộ GD-ĐT đánh giá chủ trương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét tuyển vào đại học, cao đẳng là chủ trương đúng đắn, nhằm tạo điều kiện cho thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào đại học, giải quyết tình trạng thí sinh điểm cao nhưng vẫn rớt đại học, đồng thời giúp tăng thêm nguồn tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng. 
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số thí sinh đăng ký thay đổi nguyện vọng trong đợt 1, nộp – rút hồ sơ, là khoảng 43.000 thí sinh, tương đương với 8,1% tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển.
Việc thay đổi đăng ký xét tuyển chủ yếu tập trung vào khoảng 30 trường đại học tốp trên. Đây là những trường hằng năm thường thu hút một lượng lớn thí sinh dự tuyển.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận trong quá trình tổ chức xét tuyển do nhiều nguyên nhân đã phát sinh nhiều vướng mắc ảnh hưởng cho một bộ phận thí sinh.
Một trong những nguyên nhân được xác định là việc chuẩn bị chưa tốt, cung cấp thông tin cho thí sinh chưa đầy đủ, ngưỡng điểm nhận hồ sơ của các trường đồng loạt đưa ra ở mức thấp, chưa có sự phân tầng theo chất lượng đào tạo khiến cho hàng chục nghìn phụ huynh, học sinh phải chạy đôn, chạy đáo.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Việc xét tuyển đại học đợt 1 trong những ngày qua bộc lộ một số bất cập. Thứ nhất là để thí sinh đăng ký 4 ngành và được điều chỉnh nguyện vọng của mình trong một thời gian dài đến 20 ngày. Thứ hai, các quy định liên quan đến hồ sơ đăng ký xét tuyển chưa thật sự hợp lý gây tâm trạng hoang mang lo lắng căng thẳng trong phụ huynh, thí sinh. Nhiều phụ huynh thí sinh phải đi lại, chen chúc tại các trường đại học, gây tốn kém, phiền hà và gây lo lắng cho xã hội."
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng trong đó có phần trách nhiệm lớn của Bộ GD-ĐT là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của các giải pháp được thiết kế để tạo điều kiện cho thí sinh.
Bộ GD-ĐT nói: "Thay mặt Bộ GD-ĐT, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này."
Sẽ rút kinh nghiệm dần và thay đổi dần dần
Trước đó, trong kỳ chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã từng trả lời nhiều câu hỏi về các vấn đề giáo dục. 
Trả lời câu hỏi của một số người dân về những phức tạp trong quá trình đăng ký xét tuyển năm nay, bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời:
"Tiếp nhận những băn khoăn phản ánh của xã hội và với sự phát triển của công nghệ thông tin, quán triệt tinh thần Nghị quyết 29 mọi hoạt động của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng vào sự phát triển, hình thành năng lực phẩm chất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh.
Và để tập dần việc cân nhắc lựa chọn quyết định liên quan đến học sinh, chúng tôi quyết định công bố kết quả thi của các thí sinh, tập hợp điểm các khối thi, công bố tình hình hồ sơ nộp vào các trường để các thí sinh biết mình ở tốp nào ở trường dự định học.
Nếu như trước đấy các thí sinh lo nhưng không thể có giải pháp thay đổi, phải chấp nhận sự đăng ký ban đầu may rủi, bây giờ có thông tin để tính toán, cân nhắc thay đổi để có quyết định phù hợp.
Chúng tôi nghĩ đây là sự đổi mới cần thiết để các thí sinh có kết quả tương xứng với thành quả học tập đạt được và phù hợp với mặt bằng chung, các trường cũng chọn được các học, sinh giỏi để đào tạo.
  Chúng tôi cho rằng, năm nay là năm đầu tiên làm có thể chưa quen nên sẽ rút kinh nghiệm dần và thay đổi.
Còn về lo lắng thứ hai là việc cập nhật thông tin khó khăn, hay công việc của nhà trường chưa đồng bộ, nhịp nhàng được, chúng tôi luôn theo sát việc này và động viên tinh thần trách nhiệm, huy động các Sở Giáo dục Đào tạo giúp đỡ và có công cụ kỹ thuật để xử lý trường hợp cụ thể nhằm hạn chế tối đa sự lo lắng của phụ huynh và học sinh."
TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét