Đô thị ma
- điềm báo tài vận thay đổi của Trung Quốc
Cập nhật lúc 09:11
Những đô thị ma vắng bóng người liên tục hình thành là bằng
chứng cho thấy những lỗ hổng về chính sách cải cách và điều hành nền kinh tế
của chính quyền Trung Quốc trong giai đoạn chuyển đổi.
Shenfu là một đô thị mới mọc lên ở Trung
Quốc với những cao ốc chọc trời còn ngổn ngang gạch vữa. Những căn hộ bỏ
hoang nằm quanh một hồ nước lớn ngay tại khu trung tâm. Các tòa nhà cũ nát
vốn được lên kế hoạch để trở thành một tổ hợp khách sạn, nhà hàng lộng lẫy
nay trống trơn, không một bóng người.
Anh chàng môi giới nhà đất quảng cáo
rằng nhiều gia đình đã chuyển đến sinh sống tại các chung cư đang hoàn thiện
bên hồ. Nhưng khi đêm xuống, người ta chỉ có thể bắt gặp vài khung cửa sổ
sáng đèn.
Đô thị Shenfu nằm ở tỉnh Liêu Ninh, đông
bắc Trung Quốc, được xây dựng nhằm đón đầu dòng dân cư từ hai thành phố công
nghiệp từng có bước phát triển bùng nổ là Thẩm Dương và Phủ Thuận. "Cứ
xây nhà thì người ta khắc đến ở" là một câu nói cửa miệng vào thời điểm
đó. Nhưng trái với dự đoán, tại vùng công nghiệp trọng điểm này, người dân
đang dời đi thay vì đổ về.
Giới phân tích đánh giá các đô thị ma
hình thành ngày một nhiều, kết hợp với những biến động gần đây của nền kinh
tế là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mang
tính hệ thống.
Vấn đề hệ thống
Theo Washington Post, nền kinh tế Trung Quốc
đang trải qua giai đoạn chuyển đổi đầy khó khăn. Những biến động mới đẩy
ngành công nghiệp nặng, động lực đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, lâm vào
cảnh lao đao. Thị trường chứng khoán chao đảo với đà sụt giảm mạnh. Nỗi lo âu
của người dân về một nền kinh tế suy thoái tiếp tục lan rộng. Vùng đông bắc
Trung Quốc là nơi cảm nhận rõ nét hơn cả sức ép của quá trình chuyển đổi cũng
như tác động của suy thoái.
"Ai cũng biết vấn đề nằm ở đâu. Tất
cả đều có tính hệ thống", một quan chức giấu tên nghiên cứu về chính
sách tài chính ở Liêu Ninh nói. "Mọi người đều biết phải làm gì. Thay
đổi cấu trúc nền kinh tế. Nhưng bắt đầu từ đâu thì chẳng ai hay", ông
này bình luận. "Chúng ta có thể làm gì đây? Chuyển hướng vào lĩnh vực
tài chính ư? Không thể cạnh tranh với các thành phố như Thượng Hải về mặt này
được. Đầu tư vào công nghệ cao thì sao? Khó có thể thành công trong một sớm
một chiều".
Được biết đến với biệt danh Vành đai Rỉ
sét, vùng đông bắc Trung Quốc, gồm ba tỉnh Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Cát
Lâm, từng sống sót qua nhiều giai đoạn khó khăn, như cái cách mà những con
người nổi tiếng cứng cỏi ở đây chống chọi với cái lạnh thấu xương của mùa
đông khắc nghiệt. Nhưng những thách thức mà họ đang đối mặt lại đặc biệt khó
khăn bởi chúng cũng chính là vấn đề mà cả nước Trung Quốc gặp phải.
Làm thế nào để giảm sức ảnh hưởng của
doanh nghiệp nhà nước và nâng cao vai trò của các tác nhân thị trường? Động
lực nào sẽ giúp nền kinh tế đi lên khi mà ba đầu tàu xuất khẩu - xây dựng -
nhà ở đã không còn đủ sức kéo? Hay làm sao để cải cách kinh tế mà không gây
thêm tổn thương và biến động là những câu hỏi đang khiến các nhà hoạch định
Trung Quốc đau đầu.
Ở Liêu Ninh, những vấn đề trên thậm chí
còn cắm rễ sâu hơn bình thường. Các công nhân tại đây vẫn tự hào nhớ về thời
kỳ huy hoàng của nền kinh tế bao cấp theo kiểu Liên Xô và cuộc cách mạng công
nghiệp những năm 1950 do cố chủ tịch Mao Trạch Đông tiến hành. Doanh nghiệp
tư nhân dường như là một khái niệm quá xa lạ ở vùng đất này.
"Ở đây họ không khuyến khích tự kinh
doanh đâu", quan chức giấu tên nói. "Mọi người chỉ muốn một công
việc ổn định tại một tập đoàn nhà nước lớn thôi".
Kinh tế Liêu Ninh giai đoạn 2003 - 2012
phát triển với tốc độ chóng mặt, trung bình ở mức 12,8%/năm, cao hơn mức
10,7% của cả nước. Số liệu thống kê chính thức nửa đầu năm nay cho thấy Trung
Quốc đang tăng trưởng ở mức 7%. Nhưng, con số này ở Liêu Ninh tụt xuống chỉ
còn 2,6%, thấp nhất trong số 31 tỉnh thành của cả nước.
Quận Thiết Tây thuộc thành phố Thẩm
Dương, tỉnh Liêu Ninh, từng mệnh danh là "Ruhr của phương Đông",
lấy theo tên một vùng ở Đức, nơi đóng vai trò là xương sống cho nền công
nghiệp hùng mạnh của quốc gia này. Song, hiện tại, xương sống của nền kinh tế
Trung Quốc có vẻ đang suy yếu.
Tại các công ty nhà nước, công nhân bị
cắt giảm giờ làm, đồng nghĩa với việc mức lương cũng giảm theo, từ ngưỡng cao
nhất khoảng 780 USD/tháng của hai năm trước, xuống còn khoảng 312 USD.
Ở khu vực tư nhân, như nhà máy Công ty
Cơ khí Huayang, một doanh nghiệp sản xuất thiết bị hạng nặng của Thẩm Dương,
tình hình còn ảm đảm hơn. Hiện chỉ có khoảng 30 nhân công vận hành các máy
tiện cũ kỹ để sản xuất máy móc phục vụ ngành khai thác than. Nhà máy này từng
có lúc sử dụng tới 400 lao động.
Yao Guanghe, 22 tuổi, bắt đầu làm việc
tại xưởng của Huayang từ tháng 5, sau khi người chủ cũ của anh bị phá sản.
Nhiều người dân ở đây đã bỏ đi tìm việc
khác. Thực tế này giúp giảm bớt áp lực lên xã hội nhưng lại lấy mất những cá
nhân tài năng của vùng đông bắc, để lại một cộng đồng dân cư già nua, chuyên
gia nhận định.
Thiếu nhất quán
Để thể hiện sự quan tâm tới khu vực, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc
Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình suốt 4 tháng qua thực hiện nhiều chuyến công
tác tới vùng đông bắc. Cả hai ông đều nhấn mạnh sự cấp thiết của việc thúc
đẩy đột phá, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, tái cơ cấu doanh nghiệp
nhà nước và tìm động lực phát triển mới. Nhưng hai nhà lãnh đạo đồng thời
cũng thể hiện một sự lưỡng lự, không muốn quay lưng với mô hình cũ, theo Washington
Post.
Hồi tháng 4, ông Lý vẫn kêu gọi khởi
động một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm dù lợi nhuận đã giảm tới
23% trong nửa đầu năm. Tháng trước, Chủ tịch Tập khẳng định doanh nghiệp quốc
doanh vẫn là trụ cột của nền kinh tế và cảnh báo chính phủ cần chú ý để tránh
"bị mờ mắt bởi kinh tế thị trường" ngay cả khi đang theo đuổi cải
cách.
Những thông điệp đa chiều này có thể là
bằng chứng cho thấy nỗ lực của chính quyền Trung Quốc trong việc kiểm soát
nền kinh tế quá độ. Tuy nhiên, chúng cũng phản ánh tính thiếu nhất quán trong
chính sách điều hành của giới lãnh đạo. Vài biện pháp cải cách tài chính đã
được ban hành, rõ ràng nhất là quyết định nới lỏng tỷ giá hồi tháng này.
Nhưng đi kèm với đó là sự xuất hiện của những lực cản muốn khước từ sử dụng
liều thuốc mạnh mà nền kinh tế cần, chuyên gia phân tích nhận xét.
"Tôi có thể mơ hồ cảm nhận được
mong muốn làm những điều tốt đẹp cho đất nước của những người lãnh đạo, nhưng
đâu đó vẫn thiếu vắng một tầm nhìn xuyên suốt. Hoặc giả tồn tại một tầm nhìn
như thế nhưng họ lại không có kế hoạch để thực hiện nó", ông Andrew
Batson, giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường Gavekal Dragonomics, nhận xét.
"Tôi thấy họ như đang đứng trên bờ
vực", Andrew Polk, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Hội đồng Trung ương
Trung Quốc về Tài chính và Kinh doanh, nói. "Họ có ý định tốt. Họ miệt
mài tiến đến khe vực. Nhưng khi nghĩ kỹ lại thì họ quyết định không nhảy. Họ
thoái lui".
Hy vọng
Zhou Dewen, chủ tịch một hiệp hội doanh
nghiệp ở Ôn Châu, thường tìm kiếm cơ hội đầu tư khắp mọi miền ở Trung Quốc.
Ông từng dẫn một đoàn 20 doanh nghiệp nhỏ đến khảo sát vùng đông bắc. Nhưng
cuối cùng, rất ít doanh nghiệp tỏ ra hào hứng với khu vực này.
"Vùng đông bắc vẫn tự cho mình là
anh cả vì họ là những người đầu tiên phất lên sau khi Trung Quốc đổi
mới", ông Zhou nói. "Họ vẫn chìm đắm trong hào quang quá khứ mà
không chịu tiến về phía trước. Họ không tin rằng doanh nghiệp nhỏ có thể làm
nên chuyện".
Tuy nhiên, sẽ là thiếu chính xác nếu
nhận định kinh tế Trung Quốc đang thụt lùi hay vội vàng kết luận rằng không
còn hy vọng nào cho vùng đông bắc, bình luận viên Simon Denyer, đánh giá.
Tại tổ hợp nhà máy mới của Tập đoàn
Thiết bị Máy Thẩm Dương (SYMG), người ta dễ dàng nhìn thấy các máy tiện và
máy phay tự động đang vận hành với độ chính xác và tốc độ đáng kinh ngạc. Ông
Xiyou Guan, chủ tịch công ty, đầy nhiệt huyết khi trao đổi về việc tham gia
vào cuộc cách mạng máy móc thông minh trên toàn thế giới.
SYMG vươn mình từ một công ty thiết bị
máy lớn thứ 36 thế giới vào năm 2002 lên vị trí dẫn đầu vào năm 2011. Nhưng
sau đó, thời thế ngày càng khốc liệt, doanh thu của công ty bắt đầu giảm
mạnh. SYMG được dự đoán sẽ lỗ trong nửa đầu năm nay. Họ hiện rơi xuống vị trí
thứ ba toàn cầu. Dù vậy, ông Xiyou vẫn lạc quan về tình hình tài chính của
công ty mình cũng như cả khu vực.
"Kinh tế suy thoái không phải là
điều xấu. Khi cái cũ chết đi cũng là lúc mầm sống chớm nở", ông ví von.
"Dữ dội hơn nữa, bão táp hãy nổi lên, bởi nhờ thế những điều mới mẻ mới
nhanh chóng xuất hiện", hướng ánh mắt về phái các nhân viên trong công
ty, ông Xiyou hùng hồn trích dẫn câu nói của nhà văn Nga Maxim Gorky.
(Theo Washington Post) Gia Quang
|
Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét