KHOAI TÂY ĐỘI LỐT, ĐÀ LẠT BÓ TAY!
Cập nhật lúc 08:01
Tình trạng khoai tây
Trung Quốc ồ ạt nhập về, bôi đất đỏ để “hô biến” thành nông sản Đà Lạt diễn
ra đã nhiều năm nay nhưng cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng vẫn tỏ ra bất lực
vì thiếu biện pháp chế tài, xử phạt
“Khi mùa khoai tây Đà
Lạt kết thúc thì cũng là lúc khoai tây Trung Quốc (TQ) ồ ạt nhập về rồi được
“làm áo” thành nông sản phố núi. Khoai tây TQ chỉ 2.000-3.000 đồng/kg nhưng
khi được làm giả hàng Đà Lạt thì giá tăng gấp 5-6 lần. Đó không phải gian lận
thương mại thì là gì?” - đại diện Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng bức xúc.
Đố ai biết được khoai ta, khoai Tàu!
Đến hẹn lại lên, cứ
vào khoảng tháng 7 và 8 hằng năm, ngày nào tại chợ nông sản Đà Lạt cũng có
rất nhiều xe container chở đầy khoai tây TQ về phân phối cho các vựa để tiến
hành làm giả nông sản Đà Lạt, sau đó chở đi các tỉnh, thành tiêu thụ. Theo số
liệu từ Ban Quản lý chợ nông sản Đà Lạt, từ đầu tháng 7-2015 đến nay, các
tiểu thương tại đây đã nhập về hàng ngàn tấn khoai tây TQ.
Chợ nông sản Đà Lạt
có khoảng 75 quầy kinh doanh nông sản, trong đó 24 quầy chuyên mua bán khoai
tây. Chỉ tính hóa đơn của 3 quầy khoai tây tại chợ này, trong vòng hơn một
tháng đã nhập hơn 300 tấn khoai tây TQ. Như vậy, có thể thấy lượng khoai tây
TQ được chợ này nhập về tiêu thụ nhiều đến mức nào.
Tiểu thương phơi đất đỏ để bôi lên
khoai tây Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt
Hiện nay, khoai tây
TQ nhập về Đà Lạt có giá rất rẻ, dao động 1.800 - 3.520 đồng/kg. Các tiểu
thương sẽ dùng một máy quay để đảo khoai tây TQ cho hơi tróc vỏ, sau đó dùng
đất đỏ bôi lên để đội lốt nông sản Đà Lạt. Sau các công đoạn này, khoai tây
TQ trở thành đặc sản của phố núi và được xuất bán với giá 13.000 - 15.000
đồng/kg.
“Sau khi nhập khoai
tây TQ, bọn chị sẽ gửi hàng mẫu (đã bôi đất đỏ - PV) cho các bạn hàng ở các
tỉnh, thành. Nếu họ đồng ý thì bọn chị sẽ làm rồi xuất hàng xuống” - tiểu
thương N.A.V ở chợ nông sản Đà Lạt tiết lộ. Trong khi đó, tiểu thương L.T.N
khẳng định: “100% khoai tây TQ sau khi nhập về được đội lốt nông sản Đà Lạt
sẽ xuất đi các tỉnh, thành cả nước với thương hiệu khoai tây Đà Lạt”. Nếu
không phải người trong nghề thì đố mà biết được đâu là khoai ta, đâu là khoai
Tàu”!
Không thể xử phạt?
Từ đầu tháng 7-2015
đến nay, Phòng Phân tích kiểm tra chất lượng sản phẩm nông nghiệp - Chi cục
Bảo vệ thực vật Lâm Đồng phối hợp với Phòng Kinh tế Đà Lạt chỉ mới tiến hành
lấy mẫu kiểm tra 5 lô khoai tây TQ nhập về chợ nông sản với số lượng trên 100
tấn. Tất cả các lô khoai tây này do có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thấp
hơn ngưỡng cho phép nên đều được phép về chợ.
Theo ông Nguyễn Thế
Hiền, Tổ trưởng Tổ Quản lý chợ nông sản Đà Lạt, tiểu thương nhập khoai tây TQ
đều có hóa đơn, giấy tờ hợp lệ từ phía cửa khẩu ngoài Bắc nên không thể cấm
họ kinh doanh. Khi chúng tôi thắc mắc về việc tiểu thương dùng đất đỏ bôi lên
khoai tây TQ để làm giả nông sản Đà Lạt thì xử phạt thế nào, ông Hiền phân
trần: “Biết là họ làm vậy nhưng không dễ phạt. Bởi lẽ, khi bị bắt gặp bôi đất
đỏ lên khoai tây TQ thì tiểu thương bảo làm vậy cho đẹp mắt, dễ bán. Không ai
thừa nhận hoặc tiến hành gắn mác khoai tây Đà Lạt nên không thể xử phạt họ”.
Ông Hoàng Lợi, Chánh
Văn phòng UBND TP Đà Lạt, cũng cho rằng không thể cấm tiểu thương nhập khoai
tây TQ về bán bởi chưa có bằng chứng họ có hành vi gian lận thương mại nên
không dễ chế tài, xử lý. Tuy nhiên, theo ông, việc bôi đất đỏ lên khoai tây
TQ với mục đích làm giả khoai tây Đà Lạt để bán với giá cao có thể xem là
hành vi gian lận thương mại.
Ông Lợi cho rằng để
chế tài, xử lý hành vi này thì phải có quy định hay yêu cầu nào đó buộc tiểu
thương phải tuân theo, nhằm tránh mập mờ giữa nông sản Đà Lạt và hàng TQ.
Chẳng hạn, khi xuất hàng đi các tỉnh, thành thì phải yêu cầu dán mác xuất xứ;
không được bán với giá quá cao so với quy định; hàng nhập về phải được kiểm
tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nghiêm ngặt…
Nông sản Việt, cụ thể
là khoai tây Đà Lạt, đang bị lợi dụng trắng trợn nhưng cơ quan chức năng
dường như vẫn còn thờ ơ. Đã có nhiều ý kiến cho rằng các ngành chức năng tỉnh
Lâm Đồng cần quy trách nhiệm cụ thể khi để xảy ra tình trạng này đối với Ban
Quản lý chợ nông sản Đà Lạt, mà trực tiếp là tổ quản lý.
Phân biệt nông sản
Trung Quốc
Nông sản TQ có nhiều đặc điểm khác biệt nông sản Đà Lạt. Chẳng
hạn, với khoai tây da vàng, hàng Đà Lạt có kích thước vừa phải, hình bầu dục,
ít đồng đều, da mỏng, dễ trầy xước, ăn bùi. Ngược lại, khoai tây TQ lõi củ
nhỏ hơn, thẫm màu ở phần cuống, độ đồng đều rất cao, ăn sượng và nhão.
“Cà rốt Đà Lạt có phần lõi củ to, đồng đều, màu hồng nhạt ngả
sang vàng; trong khi cà rốt TQ thường dài hơn và bị ngắt cuống do bảo quản
đông lạnh, củ không lông, không đuôi, màu đỏ tươi, đậm hơn và độ đồng đều
cao. Hành tây TQ có vỏ bóng hơn, độ đồng đều cao hơn hành tây Đà Lạt, bên
trong màu hơi xanh. Bắp cải Đà Lạt to, hình tròn dẹp, lá bao bên ngoài màu
xanh nhạt, lá cuốn chặt, khó bóc và có mùi thơm đặc trưng; trong khi bắp cải
TQ nhỏ hơn, hình tròn, lá bao bên ngoài màu xanh đậm, lá cuốn không chặt, rất
dễ bóc, vị hăng và không có mùi thơm” - ông Nguyễn Công Thừa, Tổng Giám đốc
Anh Đào Co.op (TP Đà Lạt), so sánh.
(Theo Người LĐ) Minh Hải
|
Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét