Đồng USD thành 'lực sĩ': Áp lực đè
lên Mỹ
Cập nhật lúc 08:01
(Tài chính) -
Theo Ths Bùi Ngọc Sơn, Mỹ chịu áp lực khi đồng USD tự nhiên phải mạnh lên và
khả năng FED tăng lãi suất trong năm nay là không thể tránh khỏi.
Đồng USD buộc
phải trở thành 'lực sĩ'
Những ngày qua,
việc Trung Quốc bất ngờ phá giá kỷ lục hơn 4,6% đồng nhân dân tệ trong 3 ngày
liên tiếp đã kéo nhiều nước châu Á cũng giảm giá đồng tiền theo. Trong khi
đó, đồng yen Nhật và euro cũng suy yếu do kinh tế khó khăn khiến đồng USD
buộc phải trở thành đồng tiền mạnh. Tuy nhiên, theo Ths Bùi Ngọc Sơn, Trưởng
phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới, Mỹ
không được lợi gì khi đồng USD tự nhiên phải mạnh lên, họ phải chịu áp lực
nhiều hơn. Tuy nhiên, do nền kinh tế Mỹ đang khỏe nên quốc gia này vẫn chịu
đựng được.
"Khi đồng
yen mất giá tới 30%, euro mất giá 25%, còn NDT 5%, đồng USD phải mạnh lên
khiến xuất khẩu của Mỹ bị yếu đi, lợi nhuận của các công ty Mỹ làm ăn ở nước
ngoài sụt giảm. Còn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) rơi vào tình thế khó xử bởi
theo lịch trình tháng 9 này FED sẽ nâng lãi suất. Bây giờ nếu tăng lãi suất
trong bối cảnh các đồng tiền trên thế giới đi xuống, đồng USD vốn đã mạnh lại
mạnh thêm càng làm cho xuất khẩu và lợi nhuận của các công ty Mỹ ở nước ngoài
bị tổn hại.
Do đó, FED sẽ
phải cân nhắc đôi chút, nhưng theo tôi, họ sẽ phải tiến hành nâng lãi suất
bởi nếu để đồng USD lãi suất thấp quá kéo dài nguy cơ kinh tế bong bóng như
năm 2008 có thể tái diễn", ông Sơn phân tích.
Theo
đó, vào thời điểm 2008, cho vay dưới chuẩn tăng mạnh đã khởi điểm cho
quả bong bóng tại thị trường nhà đất Mỹ. Các ngân hàng cho vay cầm cố bất
động sản mà không quan tâm tới khả năng chi trả của khách. Thị trường nhà đất
đóng băng và sụt giảm. Cuộc khủng hoảng lan từ thị trường bất động sản sang
thị trường tín dụng và cuối cùng dẫn đến khủng hoảng tài chính tại Mỹ và tràn
sang nhiều nước châu Âu, khiến nhiều công ty lớn phá sản.
Bởi vậy, Ths
Bùi Ngọc Sơn một lần nữa nhấn mạnh, FED có thể tạm lui động thái tăng lãi
suất một vài tháng và mức độ điều chỉnh sẽ thấp đi nhưng không thể chậm hơn
năm nay để cho thấy họ không chấp nhận kinh tế bong bóng, không muốn làm tổn
hại tăng trưởng kinh tế của Mỹ cũng như tổn hại kinh tế và tăng trưởng của
các nước khác.
"Nếu bây
giờ FED tăng mạnh lãi suất mà đồng USD tăng mạnh quá, đồng tiền các nước khác
bị mất giá thêm thì các nước chẳng lợi lộc gì vì lạm phát tăng vọt lên.
Ngân hàng Trung ương của các nước khác sẽ buộc phải ra tay chống lạm phát,
nâng lãi suất lên lại, làm tổn hại đến các nền kinh tế đó", ông Sơn cảnh
báo.
Doanh nghiệp Mỹ chuẩn bị từ trước
Theo ông Bùi Ngọc Sơn, lẽ ra FED đã
phải tiến hành tăng lãi suất từ sớm bởi nền kinh tế Mỹ đang ở trạng thái gần
như toàn dụng về lao động, tức tất cả lao động đều có việc làm, lạm phát gia
tăng ở mức độ mục tiêu. Tuy nhiên, vì đồng yen Nhật và đồng euro giảm giá
mạnh hồi đầu năm khiến FED buộc phải lui lại kế hoạch. Đến thời điểm này, khi
FED chuẩn bị nâng lãi suất thì Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ
trong 3 ngày liên tiếp, đẩy FED vào tình thế khó xử.
"Tuy nhiên, theo tôi, tác động này
không đủ lớn. Vì đồng yen, euro mất giá mạnh tới 25-30%, còn đồng nhân dân tệ
chỉ mất giá 5% nên FED vẫn làm theo lịch trình, có lui lại cũng không nhiều
và mức độ điều chỉnh cũng không lớn để ngăn ngừa tăng trưởng nóng và bong
bóng kinh tế Mỹ, ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác trên thế giới", ông
nhấn mạnh.
Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu của
Mỹ, ông Sơn cho rằng các doanh nghiệp này chịu thiệt hại khi đồng USD tăng
giá nhưng không đáng kể vì đã chuẩn bị từ trước.
"Xuất khẩu của Mỹ không chiếm tỷ
trọng lớn trong GDP nên xét về tổng thể nền kinh tế Mỹ không bị thiệt hại quá
lớn. Dẫu xuất khẩu của Mỹ có thiệt hại một chút nhưng vẫn phải chấp nhận,
không thể ngồi chờ đến lúc tất cả các ngành, lĩnh vực đều không thiệt hại.
Nếu chờ đến lúc đó, nền kinh tế Mỹ đã rơi vào bong bóng thì còn nguy hiểm hơn
nữa.
Đối với nền kinh tế toàn cầu, nếu đồng
USD mạnh hơn và ở mức độ được dự đoán thì có thể các nước vẫn được lợi vì khi
đồng tiền của các nước mất giá, xuất khẩu của họ sẽ tăng lên. Nhưng nếu đồng
USD tăng đột ngột như cách Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ thì kinh tế
thế giới sẽ hỗn loạn, đồng tiền các nước mất giá quá mạnh, lạm phát tăng vọt,
các ngân hàng Trung ương lại phải tăng lãi suất, kìm hãm tăng trưởng",
ông Sơn phân tích.
Vị chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, với
diễn biến như hiện nay, các ngân hàng Trung ương, các nhà sản xuất trên toàn
thế giới nhìn thấy rõ động thái của FED hàng năm nay khi FED công khai, minh
bạch lịch trình điều chỉnh lãi suất. Do đó, các ngân hàng trên thế giới, các
doanh nghiệp cũng đã điều chỉnh kế hoạch của mình cho phù hợp. Đối với các
nước có khoản nợ tính bằng USD, đương nhiên cũng sẽ bị thiệt khi đồng USD
mạnh lên nhưng đây cũng là điều phải tính trước. Nguyên nhân đòi hỏi các chính
phủ phải minh bạch là vì vậy.
(Theo Đất Việt)
Thành Luân
|
Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét