Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Cao tốc nghìn tỷ sửa lại lún: Cắt xén tiền thi công?

Cập nhật lúc 07:52   

 

(Tin tức thời sự) - Các Tập đoàn không trực tiếp chỉ đạo, quản lý, giao cho các tổ, đội nên số tiền thực chất chi cho sửa chữa đường vô cùng ít.

Số tiền thực chất để sửa chữa đã bị cắt xén
Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hải với Đất Việt, ngày 25/8, khi được hỏi về các tuyến đường cao tốc nghìn tỷ như đại lộ Mai Chí Thọ (P. An Phú, Q.2, TPHCM) sau 6 lần sửa chữa vẫn sụt lún.
Ông Hải cho biết thêm: "Bản thân Tập đoàn Sơn Hải cũng đang nhận sửa chữa đoạn Km94-Km104+600 của Quốc lộ 5 có chiều dài 10.5km, sau khi đã nhiều lần chủ đầu tư sửa chữa nhưng không hiệu quả".
Theo kinh nghiệm của một Tập đoàn luôn đưa ra mức bảo hành dài hạn cho các tuyến đường thi công,  ông Minh cho biết, các tuyến đường cứ sửa lại hỏng là do: Thứ nhất, thi công sửa chữa không triệt để; thứ hai, chất lượng sửa không nên dễ sinh bệnh.
Chính vì thế, nếu muốn sửa chữa hiệu quả thì phải xác định rõ nguyên nhân lún, nếu do lớp trải nhựa mặt đường mỏng thì phải kiểm tra và bóc lớp cũ lên, sau đó trải thảm lại theo đúng quy định. Còn nếu do nền đường không tốt thì phải sửa từ nền đường lên tránh việc đất yếu.
Ông Minh khẳng định: "Sửa 6 lần hay 11 lần thì vẫn sẽ lún, nếu như không tìm chính xác nguyên nhân và sửa triệt để thì cứ sửa xong rồi sẽ lại hỏng, vô cùng tốn kém".

Cao toc nghin ty sua lai lun: Cat xen tien thi cong?
Đại lộ Mai Chí Thọ

Điều quan trọng hơn, được ông Minh chỉ rõ, đó là thực tế, Tập đoàn nào cũng biết nguyên nhân tại sao các tuyến đường bị lún, vì đó là câu chuyện chuyên môn ai làm trong nghề cũng nắm được, nhưng do cách quản lý mỗi đơn vị khác nhau, nên mới dẫn đến việc này.
Cụ thể, ông Minh cho hay: "Đối với các Tập đoàn lớn thì họ hay phân công việc về cho các tổ, đội, không giám sát tiếp việc sửa chữa, bởi vì nhận quá nhiều công trình, nên không đủ lực lượng.
Vì thế mà thường số tiền được chi ra để sửa đường lún sẽ bị cắt xén dần qua các tổ, các đội, nên khoản tiền thực chất chi cho sửa chữa là vô cùng ít".
Còn riêng đối với Tập đoàn Sơn Hải, theo ông Minh, vật liệu cũng do công ty trực tiếp mua, trực tiếp lựa chọn vật liệu, không khoán cho các tổ, đội, không nhận nhiều công trình.
Sửa đường theo tư duy nhiệm kỳ?
Nhìn nhận từ góc độ khác, ông Minh phân tích thêm, nguyên nhân lớn nhất đó là do chủ đầu tư đảm nhận quá nhiều công trình nên không có thời gian giám sát chặt chẽ.  Hơn nữa, đối với các Công ty nhà nước, thì lãnh đạo chỉ giữ chức vụ khoảng 5 năm, nên hay có tư duy nhiệm kỳ. Nhận rất nhiều dự án, sau đó người sau lên gánh chịu hậu quả. Còn đối với các công ty tư nhân, phải tự cạnh tranh bằng chính sức lực của mình, ganh đua nhau để tồn tại.
"Tập đoàn Sơn Hải hiện nay cũng đang đảm nhận một tuyến đường cao tốc có tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, đó là cao tốc Huế - Đà Nẵng, đối với những tuyến quốc lộ mới làm gần đây chúng tôi đều mới gắn biển bảo hành 5 năm.
Còn những tuyến đường trước đây chúng tôi làm 10 năm cũng không bị sao, như quốc lộ 12A, Tập đoàn thi công từ năm 2008 đến nay vẫn chưa có hiện tưởng bị hỏng hay sụt lún. Thậm chí nhiều tuyến đường thi công 17 năm vẫn chưa hỏng", ông Minh chia sẻ.
Đối với tuyến QL5 hiện tại, Tập đoàn Sơn Hải đang nhận sửa chữa, theo ông Minh, thì công ty đang phân luồng giao thông, sau khi xong sẽ tiến hành thi công ngay.
"Phải phân luồng giao thông bởi ở đó thiết bị thi công nhiều, cộng thêm lượng xe đi lại đông, lên đến 26.000 lượt/ngày đêm, nên phải phân luồng cho 1 số ô tô vào tuyến khác. Xe ô tô và xe tải nhỏ đi vào đường khác, xe lớn vẫn đi tuyến đường này, chúng tôi sẽ thi công song song", ông Minh nói.
Trước đó, cũng chia sẻ với Đất Việt, ngày 12/8, về việc, tuyến đường QL5 lún nhiều, ông Minh cho rằng là do nhà thi công cũ đã cào bóc quá mỏng, dù sửa chữa lại nhưng vẫn chỉ trải thảm lại 3-4 cm nên không thể chịu được trọng tải lớn.
Phải cào bóc toàn bộ khối lượng thảm bê tông nhựa gói 11 của các nhà thầu trước đây đã thi công. Sau khi cào bóc 7 cm xong sẽ thảm lại bê tông nhựa, chia thành hai lớp, lớp một dày 5 cm, lớp hai dày 6 cm.
Theo kinh nghiệm của Tập đoàn Sơn Hải việc sửa chữa theo phương pháp này sẽ đảm bảo được chất lượng và Tập đoàn Sơn Hải sẽ cam kết bảo hành 4 năm theo đúng quy định của Bộ GTVT.
(Theo Đất Việt) Bảo Hân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét