Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Tiền đồng có còn mất giá?

Cập nhật lúc 13:11   

Sau những động thái điều chỉnh liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước, liệu tiền đồng có còn mất giá? Chuyên gia tài chính - ngân hàng Trịnh Quang Anh phân tích trên Góc nhìn thẳng về vấn đề này.  
Ngày 19/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định điều chỉnh tăng thêm 1% đối với tỷ giá bình quân liên ngân hàng và tiếp tục nới rộng biên độ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ thêm 1%, tăng từ +/-2% lên +/-3%. Đây được cho là quyết định mạnh tay, được cho là chưa có tiền lệ của NHNN và gây ra những biến động mạnh trên thị trường.
Thưa ông, điều chỉnh tỷ giá lần 1 được đánh giá là hợp lý nhưng chỉ trong một thời gian ngắn NHNN đã có sự điều chỉnh tiếp thì liệu có hợp lý?
Ông Trịnh Quang Anh: Nhanh, nhạy và khá chính xác là cụm từ tôi rất thích thú dùng cho cái động thái chính xác tỷ giá vừa rồi của NHNN. Tôi nói nhanh, nhạy, chính xác hàm ý cả về tốc độ, mức độ, liều lượng, thời điểm điều chỉnh cũng như phương thức điều chỉnh. 
Có thể nói rõ hơn, như tất cả chúng ta đều biết sau động thái TQ điều chỉnh tỷ giá NDT lần thứ nhất vào sáng ngày 11/8 thì cả thị trường thế giới biến động. Ngay lập tức, từ tối 11/8 và đầu giờ sáng 12/8, NHNN đã có phản ứng. Ở đây, đánh giá về mặt tốc độ rất nhanh và mức độ phản ứng 1% mà báo chí đã nói nhiều thật sự là hợp lý. Và nói về thời điểm, rõ ràng là phản ứng như thế rất là nhanh lẹ.
Ở đây, câu hỏi của anh đề cập đến động thái chính sách thứ 2 đầu giờ sáng ngày 19/8. Lần thứ 2 này không những là điều chỉnh mức bình quân liên ngân hàng chính thức 1% mà tiếp tục nới biên độ tỷ giá thêm 1%. Mức chính thức là 21.890 và chúng tôi tính là cái mức trần cao nhất có thể đạt tới là 21.547. Một dư địa đủ lớn để chúng ta phản ứng được với các diễn biến của thị trường.
Ở đây là tôi muốn nói NHNN đã tiên liệu được diễn biến của NDT và tiếp nữa là tiên liệu được động thái của FED. Chúng ta được biết, khả năng cao họ sẽ điều chỉnh nâng lãi suất và có thể ngay sau phiên họp ngày mồng 6/9 này và mức độ dự kiến như bối cảnh hiện nay chúng tôi cho rằng ở mức 0,25 là phù hợp và nếu có một bước điều chỉnh tiếp theo có thể sẽ rơi ở quý I là 0, 25 nữa.
Tôi tính là NHNN đã tiên liệu đủ và đưa ra thị trường một cái thông điệp hết sức rõ ràng là NHNN đã phản ứng một cách nhanh lẹ và khá chính xác về cả tốc độ, mức độ, liều lượng, thời điểm và phương thức điều chỉnh. Động thái lần này khiến tôi hết sức tâm đắc.
Điều chỉnh kép ở đây là chưa có tiền lệ chúng ta vừa điều chỉnh tỷ giá bình quân vừa là nới cả biên độ tỷ giá.
Ông dự báo, với việc điều chỉnh tỷ giá vừa qua thì giá của Việt Nam đồng so với các ngoại tệ mạnh khác trên thị trường như thế nào?
Ông Trịnh Quang Anh: Sẽ có những cái phản ứng của thị trường là điều hiển nhiên. Tôi cho rằng thông điệp đưa ra và công tác truyền thông rất đúng mức, rất là rõ ràng, mạch lạc từ phía báo chí cũng như từ phía các cơ quan quản lý là NHNN. Ban đầu có thể là người dân xáo động và có những phản ứng có thể là thái quá. Nhưng với những thông điệp rất rõ ràng và mạch lạc như thế, NHNN đã tiên liệu cả những kỳ vọng thị trường trong thời gian tới kể cả động thái của FED và có thể tính cả động thái của TQ.
Tiếp theo, tôi thấy nghĩ là sẽ nhanh chóng thôi, tỷ giá sẽ tìm được điểm cân bằng. Và tất nhiên sẽ hình thành ở mặt bằng mới nhưng sẽ là ở mức hợp lý .
Với sự điều chỉnh lần này nhiều mặt hàng vốn được ước lượng theo ngoại tệ thường tăng sẽ tăng giá, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Vậy NHNH và các cơ quan chức năng có dự báo liệu, đưa ra giải pháp cho vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Trịnh Quang Anh: Hiển nhiên ở đây chúng ta phải đứng trên cái lợi ích đại cục, lợi ích tổng thể quốc gia. Khi mà Việt Nam đồng, tỷ giá danh nghĩa nới rộng ra thì rõ ràng là những hàng hóa nhập khẩu định giá ra Việt Nam đồng tăng, nhưng chúng ta còn phải xét dưới góc độ toàn cục. Chúng ta sẽ có những lợi ích từ phía nhà xuất khẩu và chúng ta cũng khuyến khích hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu, không thực sự cần thiết, những mặt hàng tiêu dùng trong nước có thể sản xuất được.
Và lợi ích ròng ở đây thì chắc chắn là dư.
Việc điều chỉnh tỷ giá thì chắc chắn còn tác động tới tâm lý người dân, doanh nghiệp theo hướng tích trữ hoặc là thận trọng hơn trong việc giao dịch ngoại tệ. Ông có thể phân tích rõ hơn việc này?
Ông Trịnh Quang Anh: Tôi cho rằng động thái nhanh, mạnh, dứt khoát kèm với truyền thông rất rõ ràng, mạch lạc của NHNN đã thỏa mãn được cái kỳ vọng của thị trường. Ở đây tôi nói cả về phía doanh nghiệp và người dân.
Như vậy, hiển nhiên phản ứng ban đầu có thể thái quá nhưng nhanh chóng thị trường sẽ tìm được một mức cân bằng và tôi không tin là tâm lý găm giữ, tâm lý kỳ vọng tỷ giá còn lớn nếu không muốn nói là cơ bản đã được thỏa mãn.
Diễn biến thị trường sau 2 lần điều chỉnh đều có những biến động lớn mạnh. Vậy liệu có thể có thêm lần điều chỉnh tỷ giá trong thời gian trước mắt?
Ông Trịnh Quang Anh: Tôi có một niềm tin rất cao là lần điều chỉnh này là lần điều chỉnh cuối cùng trong năm; không những là trong năm 2015 mà cả trong năm 2016.
Lý do là NHNN cơ bản đã tiên lượng được, có tính toán, có định lượng, đã dự kiến trước mức NDT có khả năng được điều chỉnh nó quanh ở mức bao nhiêu phần trăm và khả năng của FED có thể là trong cuộc họp tới đây ngày 16/9 và có thể điều chỉnh tiếp lần thứ 2 khả năng trong quý I/2016 tới.
Với sự tiên liệu và mức độ điều chỉnh có tính toán đó thì chúng tôi tin rằng cái kỳ vọng tỷ giá cơ bản được triệt tiêu và nếu doanh nghiệp hay người dân nào mà có ý định găm giữ thì tôi cho rằng có thể thiệt hại, ít nhất là nó phải qua cái thời điểm ở đâu đó trong tầm quý I/2016
Xin trân trọng cảm ơn ông
VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét