Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Việt Nam giảm giá tiền đồng, chỉ doanh nghiệp FDI hưởng lợi

 Cập nhật lúc 07:00

(Tài chính) - “Nếu nền kinh tế chỉ gia công, tạm nhập tái xuất, hạ giá tiền đồng khiến cho giá thành sản xuất tăng, trong khi giá bán lại giảm”

Mọi đèn báo động đều nhấp nháy...
PV: - Trong những ngày giữa tháng 8, Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ gây ra một cú sốc trên thị trường tài chính toàn cầu. Có ý kiến cho rằng, đây là giải pháp Trung Quốc lựa chọn để đẩy mạnh xuất khẩu, ý kiến khác lại nhận định, đây là hệ quả của tình hình kinh tế của nước này. Quan điểm của ông như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Kiến Thành: - Hiện tại, tình hình kinh tế Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn. GDP liên tục giảm mà không nhìn thấy điểm dừng, từ đâu năm 2015 xuất khẩu giảm 0.9% so với cùng kỳ năm trước, các nhà đầu tư nước ngoài liên tục rời bỏ Trung Quốc, hàng Trung Quốc tạo nên một ấn tượng là hàng kém chất lượng, đồ chơi, thực phẩm độc hại với sức khỏe người tiêu dùng… Nghĩa là, vị trí là công xưởng thế giới của Trung Quốc đang bị sa sút. Vị trí là một đất nước sản xuất hàng hóa với thương hiệu ‘made in China’ để xuất khẩu của Trung Quốc cũng chưa thể định hình.
Tiếp theo đây (có thể là cuối năm 2015), khi TPP được thông qua, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm cách phát triển ở 12 quốc gia tham gia Hiệp ước này. Trong số đó, chắc chắn có cả những nhà đầu tư đã và đang tham gia đầu tư ở Trung Quốc.
Bản thân các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang phải cân nhắc lại chiến lược kinh doanh, chuyển việc kinh doanh sang nước ngoài để lấy chứng nhận CO nhằm hưởng thuế suất ưu đãi của các nước tham gia TPP. Hàng giá rẻ Trung Quốc sẽ bị cạnh tranh trực tiếp ở chính thế mạnh giá rẻ của nó. Cộng với tâm lý ngại thương hiệu Trung Quốc, chắc hẳn, khó khăn về thị trường tiêu thụ phải được Trung Quốc tính đến.

Ong Bui Kien Thanh: Viet Nam co nen giam gia tien dong?
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Trong lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực này cũng đang bị suy sụp. Bất động sản suy sụp kéo theo sức khỏe của các ngân hàng, sức khỏe của các doanh nghiệp đầu tư nhàn rỗi vào bất động sản, những doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu, nội thất cho bất động sản cũng suy yếu. Bất động sản và các lĩnh vực liên quan thể hiện tới 20-30% GDP nhưng bị đóng băng trong điều kiện kinh tế đang chững lại và đi xuống, việc giải tỏa không đơn giản chút nào.
Trong lĩnh vực chứng khoán, trong năm qua, cho đến tháng 6, 2015 chỉ số chứng khoán của TQ tăng trên 100% đẩy giá nhiều cổ phiếu lên trên 60 lần lợi nhuận (PE +60) nghĩa là đầu tư 100 đồng chưa tạo ra được  2 đồng lợi nhuận. Mức giá ngất ngưởng này không thể duy trì được lâu dài.
Trong thời gian vừa qua giá chứng khoán đã lao dốc, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp can thiếp trực tiếp vào thị trường để nâng đỡ giá, cấm các nhà đầu tư lớn không được bán, cho phép quỹ hưu trí mua chứng khoán đến mức 30% tiền dự trữ v.v... nhưng cũng không thể nào ngăn đà lao dốc của TTCK. 
Chỉ khi nào giá chứng khoán phản ánh đúng giá trị thật của doanh nghiệp thì may ra lúc đó thi trường sẽ bình ổn, Nhưng trong tình trạng nên kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, GDP tuột giảm, chưa có thể thấy diểm dừng của chứng khoán TQ là ở mức nào.
Điểm qua tình hình như vậy có thể thấy, về trung và dài hạn, tình hình kinh tế Trung Quốc sẽ khó có sự tăng trưởng, chỉ đi xuống. Và như vậy, việc Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ trong thời gian vừa qua cũng thể hiện cho thực tế là tình hình kinh tế chung đang có vấn đề.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của sự cố nhất thời không thể không tính đến. Mọi đèn báo động đều nhấp nháy, thị trường Trung Quốc giảm sốc, họ phải tìm cách phanh lại. Nền kinh tế chủ yếu tập trung vào đầu tư vào hướng về xuất khẩu không còn phát huy tác dụng như mong đợi, khiến giới quản lý buộc phải đưa ra giải pháp.
Mới ngày hôm nay 25/08, Ngân hàng trung ương Trung Quốc hạ lãi suất xuống lần thứ năm liên tiếp trong 9 tháng qua, nhưng hiệu quả chỉ có thể nhất thời, không phải là đúng thuốc đúng liều để gỉải quyết các khó khăn cơ bản của nền kinh tế.
Trước đó, vào trung tuần tháng 8, sau khi giảm liên tiếp, đồng nhân dân tệ đã phải lên giá trở lại. Lý do là bởi việc nhân dân tệ giảm giá khiến những đồng tiền yếu khác phải chạy theo. Như vậy, mục tiêu hạ giá đồng tiền để đẩy mạnh xuất khẩu sẽ không đạt được.
Ngoài ra, điều Trung Quốc nhìn thấy là đồng euro yếu đi từ lâu rồi. EU đã hạn chế nhập hàng từ nước ngoài, đồng thời tìm cách phát triển xuất khẩu. Đối với Trung Quốc, cả thị trường châu Âu rộng lớn bị suy giảm, hàng Trung Quốc không còn ưu thế vì giá thành không còn rẻ hơn nhiều.
Tóm lại, vấn đề của Trung Quốc không phải nhất thời mà là trường cửu. Nếu như vậy, tỷ giá không phải là giải pháp cuối cùng. Tỷ giá chỉ là giải pháp tình thế
PV: - Cách đây khoảng 1 năm, giới lãnh đạo Trung Quốc liên tục nói đến “giai đoạn đau đớn” mà Trung Quốc sẽ phải trải qua. Tình hình hiện nay ở Trung Quốc liệu có phải là hệ quả của giai đoạn này? Và Trung Quốc sẽ phải đối diện với nó ra sao, thưa ông?
Ông Bùi Kiến Thành: Đó là điều bắt buộc với Trung Quốc. Trung Quốc đã bước qua khỏi giai đoạn thu nhập trung bình trung và trung bình cao. Họ buộc phải đi tiếp lên, vì thế, phải cấu trúc lại nền kinh tế.
Có thể hiểu đơn giản như thế này, trong giai đoạn đầu, Trung Quốc dùng công nghệ lỗi thời giá rẻ, yêu cầu lao động đơn giản, cách thức quản lý lao động lạc hậu… Với phương thức sản xuất như vậy, năng suất lao động chỉ đạt tới mức giới hạn, rồi không thể tăng tiếp, kéo theo đó là năng suất tài chính, thu nhập bình quân đầu người.
Giải pháp duy nhất cho tình thế này là phải cấu trúc lại nền kinh tế. Nghĩa phải đồng bộ hệ thống hành chính, tài chính, giáo dục, công nghệ theo đúng tiêu chuẩn phát triển của quốc tế. Bất cứ quốc gia nào cũng phải trải qua quá trình này, khéo thì bước qua an toàn, không khéo thì sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, rất khó để đánh giá được đất nước này sẽ vượt qua giai đoạn này như thế nào bởi các chuyên gia kinh tế thế giới cũng không tiếp cận được những số liệu thực sự của kinh tế Trung Quốc, hệ thống tổ chức ngân hàng tốt hay không tốt, nợ xấu ở mức độ nào…
 Đó là chưa kể, thế giới không biết vấn đề nội bộ của Trung Quốc thế nào. Động thái làm sạch bộ máy, bài trừ tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình đã được thế giới ghi nhận nhưng hiệu quả của việc làm đó tới đâu, những trở lực trong quyết tâm này là thế nào? Đó vẫn là những câu hỏi khó có thể có lời đáp thỏa đáng.
Một điều chắn chắn là để phát triển ổn định bền vững TQ phải chuyển nền kinh tế từ mô hình tăng tốc đầu tư và ưu tiên tuyệt đối cho xuất khẩu của nhiều thập kỷ trước đây qua một một hình phát triển tiêu dùng nội địa.
Có thể khẳng định rằng, Trung Quốc đã tìm ra nguyên nhân gây ra sự trì trệ của đất nước nhưng giải quyết vấn đề này không phải là chuyện đơn giản. Sẽ khó mà vượt qua được trừ khi thay đổi toàn bộ hệ thống, từ tư tưởng, con người tới công nghệ, máy móc... Chỉ cần một khâu bị kẹt lại thì cả hệ thống sẽ bị kẹt theo trong khi những điểm nghẽn có tính chất cơ chế sẽ khiến Trung Quốc bước chậm hơn và có thể chỉ đạt tới một mức giới hạn nào đó.
PV: Trở lại vấn đề của Việt Nam, trước áp lực đồng nhân dân tệ yếu đi, chúng ta liên tiếp có những động thái nới rộng tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu. Ông đánh giá như thế nào về biện pháp này?
Ông Bùi Kiến Thành: - Trước hết phải nói rõ, vấn đề tỷ giá có ảnh hưởng tới xuất khẩu của các doanh nghiệp thuần Việt Nam nhưng có lẽ không phải là ảnh hưởng quan trọng nhất. Hàng Việt Nam từ trước tới nay dù cạnh tranh bằng giá rẻ nhưng vẫn lao đao trên thị trường xuất khẩu là vì bộ máy hành chính nhũng nhiễu, không có nghiên cứu phát triển thị trường tốt, không có công nghệ cao, sản xuất tốt… Doanh nghiệp yếu, không sản xuất được hàng để bán thì dù với tỷ giá nào cũng không tăng xuất khẩu được.
Trong năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thuần Việt Nam nói trên chỉ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó phải ghi nhận một phần không nhỏ của tạm nhập tái xuất và xuất khẩu nguyên liệu, nhiên liệu thô.Vậy cái lợi do việc điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu rơi về tay ai?
Khi việc xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu thì câu trả lời đã quá rõ ràng, cái lợi do việc điều chỉnh tỷ giá chủ yếu rơi vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Trở lại vấn đề hạ giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu, xét về lý thuyết, đó là chủ trương đúng. Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề như vậy, đồng thời phải trả lời những câu hỏi sau:
01- Việt Nam sẽ xuất khẩu những gì?
02- Cả chục năm nay, xuất khẩu của doanh nghiệp thuần Việt Nam cứ mỗi ngày một lận đận, tổng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm một tụt xuống trong khi thị phần của phía doanh nghiệp FDI mỗi ngày một tăng lên. Vậy thì đâu phải vì đồng tiền rẻ mà Việt Nam xuất khẩu tốt hơn?
Cái được thì không được nhiều, còn cái mất sẽ như thế nào. Hiện tại, là một nền kinh tế nặng về gia công, giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ có 10-15% giá trị gia tăng, 80% là nguyên liệu phải nhập khẩu. Tính đầu vào, khi đồng tiền mất giá, giá nhập về sẽ cao hơn, đẩy giá thành sản phẩm cao hơn. Tuy nhiên, về đầu ra, khi đồng tiền mất giá, tiền thu về bằng ngoại tệ sẽ thấp hơn.
Nghĩa là, nếu nền kinh tế chỉ gia công, tạm nhập tái xuất, hạ giá tiền đồng khiến cho giá thành sản xuất tăng, trong khi giá bán lại giảm. Doanh nghiệp muốn tồn tại có thể sẽ phải chấp nhận lỗ.
Vậy các doanh nghiệp FDI có chịu ảnh hưởng tương tự không? Thông thường, linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp FDI do chính các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng của họ cung cấp. Vì thế, khi đồng tiền của Việt Nam giảm giá, việc nhập khẩu của họ bị đội giá lên thì cũng chỉ là chuyển tiền từ túi nọ sang túi kia, thực chất không bị ảnh hưởng gì.
(Theo Đất Việt) Hoàng Hạnh thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét