ĐẠI HỌC chứ không phải HỌC ĐẠI
Cập nhật lúc 19:47
Chính sách thi 2 trong 1 tưởng như ưu việt,
nhưng chính cách thực hiện chưa phù hợp vô tình đã đẩy một thế hệ, xin nhắc
lại là đẩy cả một thế hệ, vào những lựa chọn có thể là sai lầm suốt cuộc đời
họ.
ThS. Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí tuệ Việt
1. "Sinh viên" - đã từng được yêu
quý như 1 "danh vị"...
15 đến 17 năm trước, cánh cửa đại học luôn...
rất cao, rất khó với các thế hệ đầu 8X (chưa nói mốc thời gian xa hơn).
Hội "trẻ trâu" sống ở mảnh đất ngoại
thành Hà Nội như chúng tôi, nhiều bạn chỉ dám "ước mơ" - chứ không
bao giờ nghĩ rằng, mình có cơ hội được khoác trên mình danh vị "sinh
viên".
Hai chữ "Sinh viên" được yêu mến như
một danh vị vì có lý do của nó: Những năm 1996 - 1999, SV96 là một chương
trình truyền hình rất được chờ đón. Xem các anh chị sinh viên tự tin, bản
lĩnh và phản xạ cực nhanh trước các câu hỏi của người dẫn chương trình tài ba
Lại Văn Sâm, trong tâm trí của chúng tôi, "sinh viên" vô cùng đáng
ngưỡng mộ. Mặt khác, nửa sau của những năm 90, ở nhiều vùng ngoại ô Hà Nội,
số người đỗ đại học mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Những người đỗ ngay năm đầu tiên thi, họ
thường có lực học được đánh giá cao trong lớp. Hàng năm, Hội khuyến học khen
thưởng mỗi xã chỉ có khoảng trên dưới 10 người đỗ đại học. Ai được đứng trong
danh sách này là được cả xã biết, quý mến lắm, trân trọng lắm. Vì thế,
"sinh viên" thời đó mặc nhiên được quý mến như một "danh
vị". Trở thành sinh viên, cảm giác thật sự hạnh phúc. Phải chăng, đã đến
lúc, chúng ta nên trả lại "danh vị" cho 2 chữ "sinh viên"?
2. ĐẠI HỌC - canh bạc thua đậm nhất
cuộc đời
Ở góc độ khác, phải thẳng thắn thừa nhận rằng,
chính hiệu quả giáo dục 4 năm đại học trì trệ, cũ kỹ đã làm "hoen
ố" danh vị đó. Trong số hàng triệu sinh viên - tưởng là lực lượng tinh
hoa của xã hội - không ít bạn lại ù lỳ về kỹ năng, chậm chạp trong tư duy,
lười nhác làm việc, kém cỏi trong kỷ luật và ảo tưởng về sức mạnh tri thức 4
năm đại học của bản thân.
Xã hội nào cũng cần có lực lượng tinh hoa. Lực
lượng tinh hoa đến từ nhiều ngành, nhiều nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong đó, trở thành sinh viên chỉ là một trong những cửa ngõ đầu tiên lựa
chọn ra đội ngũ ưu tú để đào tạo, huấn luyện, từng bước cung cấp nhân tài cho
đất nước.
Nhưng, trước thực giả vàng thau lẫn lộn trong
giáo dục đại học hiện nay, thì trở thành sinh viên không phải là con đường
tiến thân duy nhất. Thậm chí là sai lầm với rất nhiều người. Thực tế cho
thấy, hàng chục ngàn cử nhân, thạc sĩ, thậm chí là cả tiến sĩ đều thất
nghiệp, vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Tấm bằng phải dấu đi, lý lịch chỉ dám
khai học hết PTTH để được nhận vào nhà máy nọ, công trường kia làm công nhân,
làm phụ việc...
Thí
sinh chen lấn nộp, rút hồ sơ xét tuyển trưa 20-8 tại ĐH Y Hà Nội. Ảnh: HUY HÀ
Có một sự thật là 60 - 80% những người bạn
cùng lứa với tôi chẳng hề dùng đến tấm bằng đại học mà trầy trật thi 3-4 năm
mới đỗ, hay nói một cách thẳng thắn và chua chát hơn: 12 năm phổ thông + 4
năm ôn thi đại học + 4 năm học đại học = 20 năm chỉ ăn ... tấm bằng chỉ là 1
tờ giấy cất vào tủ cho đẹp.
Đại học để làm gì khi thực tế hàng chục ngàn
nhà tuyển dụng chẳng bao giờ ngó đến tấm bằng của bạn - điều họ ngó đến là
hiệu quả thực sự từ mỗi công việc bạn làm. Đại học để làm gì khi mà 4 năm cày
cuốc ra trường, dù có được tuyển vào đúng nghề, bạn vẫn phải bắt đầu từ con
số 0 tròn trĩnh.
Đại học chỉ là cái mác hão huyền với những cô
cử, cậu cử đến trường chỉ để ngủ, tám chuyện, trốn học và trượt dài trong
những cuộc chơi không hồi kết. 20 năm đến trường chỉ là học để thi. Chua chát
thay, 4 năm đại học với nhiều người là một canh bạc thua đậm nhất, đầu tư sai
lầm nhất trong cuộc đời họ.
3. ĐẠI HỌC chứ không phải HỌC ĐẠI
Cuộc chơi "chứng khoán đại học" vừa
qua cho thấy, bên cạnh những ưu điểm của cuộc thi ghép 2 trong 1, vô hình
chung, chính sách đã đẩy thí sinh và gia đình thí sinh vào một cuộc đua HỌC
ĐẠI chứ hoàn toàn mất đi ý nghĩa của ĐẠI HỌC. Tâm lý của rất nhiều thí sinh
rơi vào trạng thái: miễn sao vào được một trường đại học bất kỳ, một ngành
bất kỳ tương ứng với số điểm - chứ không phải là chọn ngành, chọn trường phù
hợp với khả năng, sở thích vốn có của học trò.
Khi không được học ngành mình đã có định
hướng, trường mình thích - hiệu ứng ngược rất có thể vô cùng nặng nề: 4 năm
đại học là 4 năm trượt dài trong tâm lý chán nản, học đối phó, sống đối phó,
phấn đấu cầm chừng... Chính sách thi 2 trong 1 tưởng như ưu việt, nhưng chính
cách thực hiện chưa phù hợp vô tình đã đẩy một thế hệ, xin nhắc lại là đẩy cả
một thế hệ, vào những lựa chọn có thể là sai lầm suốt cuộc đời họ.
Vì vậy, xin đừng biến ĐẠI HỌC thành HỌC ĐẠI
như thế nữa!
(Theo Pháp luật TP HCM)
ThS. Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục & Trí
tuệ Việt
|
Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét