Giá xăng thế giới giảm
thấp, trong nước giảm nhỏ giọt, Petrolimex tiếp tục lãi khủng
Cập nhật lúc 08:06
Từ 15h chiều 19.8,
giá các chủng loại xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm ở mức 768đ/lít đối
với xăng RON 92 và E5, dầu các loại giảm 441 - 736đ/lít, kg. Tuy nhiên, theo
phân tích của các chuyên gia, so với mức giảm giá dầu thế giới, mức giảm giá
bán lẻ trong nước vẫn chưa tương xứng. Đặc biệt, sau “cú sốc” lãi khủng của
Petrolimex, dư luận đang đặt ra dấu hỏi, liệu đằng sau mức lãi này có lợi
nhuận từ việc giá xăng dầu giảm không như kỳ vọng?
Mức giảm vẫn thấp hơn giá thế giới
Đây là lần giảm thứ 4 liên tiếp của giá xăng dầu trong thời gian
qua do giá xăng dầu thế giới liên tục giảm sâu, cùng một số động thái địa
chính trị như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc liên tục bị phá giá, kinh tế
Nhật Bản quý II sụt giảm. Với đà giảm mạnh của giá dầu, theo nhiều chuyên gia
kinh tế, giá dầu lẽ ra còn phải giảm nhiều hơn mức vừa được công bố, với mức
giảm hơn 1.000đ/lít xăng mới phù hợp. Từ đầu năm đến nay, giá xăng RON 92 có
5 lần giảm, tổng cộng 3.620 đồng và 4 lần tăng, tổng cộng 5.040 đồng. So với
cuối năm ngoái, giá xăng RON 92 hiện hành vẫn cao hơn khoảng 1.420đ/lít.
PTS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế - so sánh, với 5 lần giảm,
giá xăng ở VN hiện tại ở mức 18.536 đồng/lít, trong khi giá xăng cùng loại ở Mỹ
chỉ trên dưới 14.000 đồng/lít. “Việc điều hành giá xăng dầu phải giúp người
dân, doanh nghiệp chia sẻ bớt khó khăn, nhưng cơ quan nhà nước còn nhiều mục
tiêu như có nhiều thời điểm lẽ ra phải giảm giá để người tiêu dùng được lợi
thì nhà điều hành lại tăng thuế, phí.
Hiện theo tính toán, giá xăng dầu hiện hành đang phải “cõng” tới
8.000 đồng thuế và phí (như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT,
phí bảo vệ môi trường...). Điều này đồng nghĩa với việc giá xăng dầu bị đẩy
lên cao khiến người sử dụng mất cơ hội được giảm giá tương đương với mức giảm
giá của thế giới”.
Petrolimex trần tình về lãi “khủng”
Dù thị trường xăng dầu hạ nhiệt, người tiêu dùng đang “dễ thở”
hơn bởi giá giảm, song theo chuyên gia kinh tế Lê Minh Phong, thị trường xăng
dầu vẫn chưa hoàn chỉnh. Hiện Petrolimex vẫn là doanh nghiệp có thị phần
thống lĩnh thị trường nên mới đây mức lợi nhuận “khủng” của tập đoàn này được
dư luận đặt khá nhiều quan ngại.
Theo báo cáo của Petrolimex gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, quý
II/2015, doanh thu của tập đoàn này giảm hơn 22% so cùng kỳ nhưng do giá vốn
giảm mạnh nhờ giá nhập khẩu xăng dầu giảm, lợi nhuận của Petrolimex lại tăng
mạnh, gấp 2,7 lần mức cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của
Petrolimex chỉ đạt 81.502 tỉ đồng (giảm 23% cùng kỳ) nhưng lợi nhuận sau thuế
vẫn tăng 137%, đạt 1.586 tỉ đồng.
Lý giải về mức lợi nhuận khủng nêu trên, ông Trần Ngọc Năm - Phó
TGĐ Petrolimex - cho biết, sở dĩ Petrolimex lãi lớn so với cùng kỳ 2014 có 3
nguyên nhân: Thứ nhất, đây là kết quả kinh doanh của cả tập đoàn, bao gồm cả
các Cty con, Cty liên kết trong các lĩnh vực như hoá dầu, bảo hiểm, nhiên
liệu bay, dịch vụ… không chỉ riêng xăng dầu, tăng cao so với cùng kỳ năm
2014; Thứ hai, sản lượng xuất bán xăng dầu quý II/2015 của tập đoàn tăng
trưởng 12% so với cùng kỳ, trong điều kiện kinh doanh có hiệu quả nên quy mô
lợi nhuận tăng so với cùng kỳ 2014; Thứ ba, việc điều hành giá bán xăng dầu
trong nước, kể cả các khoản chi phí kinh doanh định mức và việc trích, sử
dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện theo Nghị định 83 về kinh doanh
xăng dầu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế phản biện, việc Petrolimex
kinh doanh có hiệu quả các lĩnh vực khác, nhưng tỉ trọng kinh doanh xăng dầu
trong cơ cấu ngành hàng là rất lớn. Việc giảm giá xăng dầu trong nước chưa
sát với diễn biến giá xăng dầu thế giới cũng là nguyên nhân khiến DN tăng lợi
nhuận vì chỉ cần một số lần điều chỉnh theo hướng tăng nhanh, giảm chậm với
mức giảm thấp hơn mức có thể giảm tương ứng giá xăng dầu nhập khẩu.
Đó là chưa kể để cạnh tranh giành thị phần, một số doanh nghiệp
chiếm thị phần lớn còn giành đại lý bằng cách chi hoa hồng đại lý cao hơn mức
chi phí thông thường, từ đó đẩy giá lên cao.
Chủ tịch Hiệp hội Vận
tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho biết, việc tăng giảm xăng dầu theo biên
độ như hiện nay gây khó khăn cho các DN vận tải vì nếu xe hợp đồng theo
chuyến, việc tăng giảm sẽ theo hợp đồng. Phức tạp nhất vẫn là taxi và xe vận
tải khách. Nếu tăng giảm theo biên độ 10% liên tục, họ phải báo cáo cơ quan
thuế, chỉnh sửa đồng hồ tính cước, in lại vé và truyền thông cho khách hàng.
(Theo Lao động)
HỒNG QUÂN
|
Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét