Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

EVN mua điện rẻ, bán cao: Do nhập điện Trung Quốc?

Cập nhật lúc 17:20                

(Doanh nghiệp) - EVN bán 1.622 đồng/kWh điện cho thấy chi phí cho khâu truyền tải và phân phối cao quá cao, dẫn tới giá thành bán ra bị đẩy lên cao như vậy.

Kết quả hình ảnh cho evn
Vì sao phải mua điện TQ giá cao? 
Cục Điều tiết điện lực vừa công bố, giá mua điện bình quân từ các đơn vị phát điện trực tiếp tham gia thị trường trong 3 năm qua là 1.087,3 đồng/KWh. Mức giá bình quân được tính trên cơ sở mua điện trong nước và của TQ. Theo đó, giá mua điện của các thủy điện trong nước là 847,5 đồng/KWh, nhiệt điện than 1.286 đồng/KWh, tuabin khí là 1.065,2 đồng/KWh.
Nhưng nếu với mức giá này, ông Trần Văn Ngãi - Trưởng khoa Kinh tế, ĐH Nông lâm TP.HCM cho rằng giá thành bán ra sẽ không thể đội lên tới mức 1.622,05 đồng/KWh, mà giá điện đã bị đội lên do VN phải nhập điện từ TQ với giá cao (lên tới 1.300 đồng/kWh. Cao hơn tới hơn 456 đồng/kWh so với trong nước) cùng với tình trạng thất thoát trong quản lý, phân phối điện quá lớn đẩy giá thành bán ra lên cao. 
Nếu theo mức tính giá trung bình mua vào, mức giá bán ra rơi vào khoảng từ 1.100 - 1.200 đồng/kWh. Nhưng giá thành hiện nay đang ở mức 1.622 đồng/kWh cho thấy chi phí cho khâu truyền tải và phân phối cao quá cao, dẫn tới giá thành bán ra bị đẩy lên cao như vậy. 
Lâu nay, thất thoát trong ngành điện vẫn được biết là rất lớn. Nó thất thoát ở khâu truyền tải, thất thoát ở khâu phân phối, quản lý và ngay cả tình trạng ăn cắp điện... cái này là vấn đề của EVN. EVN phải tự tìm ra giải pháp khắc phục.  
Nếu vì sự thất thoát do khâu quản lý yếu kém, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật lạc hậu thì không phải là lỗi của người tiêu dùng. Để người dân phải chịu một mức chênh lệch quá cao do khâu maketing của EVN kém như vậy là không hợp lý.  
Sự chênh lệch quá lớn này cũng là nguyên nhân gây thiệt hại nặng nề cho cả nền kinh tế và xã hội. Nếu tiết giảm được những chi phí này, không chỉ người tiêu dùng mà cả các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước sẽ được hưởng lợi rất lớn.
Đáng nói, tình trạng thiếu điện phải nhập điện là hợp lý nhưng ngay cả trong bối cảnh VN thừa điện như năm 2012, EVN vẫn phải đi nhập điện của TQ giá cao thì phải nhìn nhận thế nào?
Theo ông Ngãi, không thể xảo biện do giàng buộc hợp đồng... đó là lỗi quản lý, khả năng dự báo tình trạng sử dụng điện không chính xác. Ở đây, đòi hỏi phải vào cuộc điều tra rõ ràng vì sao thừa điện vẫn nhập? Có lợi ích nhóm ở hay có vì lợi nhuận nào khác hay không? Hơn nữa, dù đang phải đi nhập điện nhưng nguồn cung cấp điện hiện nay vẫn chủ yếu là từ các thủy điện trong nước. Vì vậy, không thể lấy giá điện mua của TQ để tính mức giá bình quân dựa trên mức giá thành bán trong nước.
Câu hỏi tiếp theo cần đặt ra là vì sao VN phải đi nhập điện của TQ giá cao như vậy? Đây là vấn đề phải tính toán. Liệu có phải do VN quá thiếu thốn, bức bách bắt buộc phải nhập từ TQ không? Nếu thật sự như vậy, một trong những giải pháp với tình trạng này là phải phát triển thủy điện. Nhưng phát triển thủy điện thế nào thì phải tính toán thật kỹ giữa cung - cầu trong nước cho phù hợp. Nếu không tính toán kỹ lưỡng dễ rơi vào "bẫy thủy điện", mà khi xây dựng quá nhiều sẽ gây mất cân bằng, hủy hoại môi trường và quản lý nước của quốc gia.
Đó là bài toán còn rất nan giải. Trong khi nhu cầu dùng điện ngày càng tăng nhưng bài toán cung ứng và giải pháp từ lâu vẫn là vấn đề nhức nhối.
Ngược lại, nếu không quá thiếu vẫn nhập và coi điện từ TQ là nguồn quan trọng thì đến một mức nào đó cần phải chấm dứt. Vì nếu nhập khẩu quá nhiều, đến một lúc nào đó VN sẽ bị phụ thuộc vào nguồn điện này. Điều đó có thể gây nguy hiểm cho nền kinh tế. Vì vậy về lâu dài VN phải có giải pháp thay thế nguồn điện nhập khẩu từ TQ.
Tóm lại, EVN phải công khai minh bạch mọi số liệu mua-bán. Giá điện phải được Thủ tướng quyết định dựa trên tính toán chi phí hợp lý. Cần phải hiểu rằng, EVN là tập đoàn kinh tế độc quyền cung cấp điện nhưng phải hoạt động theo mục đích phục vụ nền kinh tế và người dân nói chung chứ không hoạt động vì lợi ích của riêng một doanh nghiệp hay một cá nhân nào.
Mấu chốt của vấn đề ở chỗ, EVN là độc quyền nhưng không được phép tối đa hóa lợi nhuận của EVN mà phải tối đa hóa lợi nhuận của xã hội. Vì vậy, mức giá được quyết định trên cơ sở đảm bảo xã hội và nền kinh tế phải được lợi nhiều nhất. Nếu mọi chi phí không minh bạch, mức giá trung bình được tính toán dựa trên lợi ích của EVN thì nguy cơ có thể sẽ gây tổn thương cho toàn nền kinh tế.
Siêu lợi nhuận
Nguồn điện cung cấp chủ yếu hiện nay vẫn phải phụ thuộc vào thủy điện trong nước. Trong khi, thủy điện tư nhân trong nước tự đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng chỉ bán với giá giao động chỉ khoảng 800 – 900 đồng/kWh. Những thủy điện do nhà nước đầu tư mức giá còn phải thấp hơn nhiều.
Vậy, giá trung bình mua vào là cao hay thấp, có hợp lý không? Theo ông Trần Văn Ngãi nhận định, EVN là tập đoàn là nước, lại độc quyền mua – bán điện. Trong điều kiện quá thiếu, buộc phải nhập điện từ TQ với giá cao và phải bán giá cao người dùng cũng có thể chấp nhận nhưng với điều kiện EVN phải công khai, minh bạch.
Nếu thông tin không rõ ràng, dư luận hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ EVN đã hạch toán hết cả giá mua xe, xây biệt thự vào giá thành, nhất là khi EVN đã từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra những bất cập trong quản lý, điều hành.
Ông Ngãi nhấn mạnh, EVN phải minh bạch, hiện nay dư luận đang rất nghi ngại EVN mang tiền đầu tư, kinh doanh đủ thứ và rồi tăng giá lấy nguồn bù lỗ.
Bởi lẽ, trước nay EVN luôn kêu ca kinh doanh lỗ và xin điều chỉnh giá nhưng lại chưa bao giờ công bố số lỗ trên một kWh cụ thể là bao nhiêu? Và vì sao lỗ?
Vậy EVN có thực sự lỗ không? Vị chuyên gia tính toán, nếu theo mức giá mua điện bình quân của EVN từ các đơn vị phát điện trực tiếp tham gia thị trường điện trong 3 năm qua do Bộ Công thương công bố là 1.087,3 đồng/kWh. Trong đó, giá phát điện trung bình tương ứng mức giá thành khâu phát điện thương phẩm là 1.135,57đồng/kWh. Giá thành khâu truyền tải điện là 79,8 đồng/kWh. Với khâu phân phối bán lẻ điện, giá thành là 251,97 đồng/kWh. Khâu cuối cùng là phụ trợ, quản lý tương ứng mức giá thành 6,47 đồng/kWh. Như vậy, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân là 1.499,82 đồng/kWh. Hiện nay, giá bán lẻ bình quân của Việt Nam vào khoảng 1.622 đồng/kWh. Tức là mức giá này đã đảm bảo cho EVN có mức lãi tối thiểu hơn 100 đồng/1kWh là mức lãi hoàn toàn có thể chấp nhận được với điều kiện đây là mức lãi cố định không nhân theo bậc lũy tiến.
 Trong khi đó, EVN hiện đang áp dụng mức tính giá điện theo bậc lũy tiến, với bậc 1 là 1.484 đồng/kWh tăng tối đa tới bậc 6 là 2.587 đồng/kWh. Tức là mức lãi 100 đồng cũng được lũy tiến theo từng bậc, như vậy số lãi tối đa cao hơn rất nhiều. Rõ ràng đây là nghịch lý và dựa trên thuyết kinh tế đây được xem là hiện tượng lạ trong điều hành.
Như vậy, khi khách hàng sử dụng càng nhiều thì càng phải đóng nhiều tiền, nghĩa là lợi nhuận, lãi suất cũng theo đó tăng cao. Đồng nghĩa với việc EVN đang hưởng siêu lợi nhuận từ cách tính giá bình quân và bán điện theo bậc lũy tiến như vậy. Vậy, tiền lợi nhuận này được tính toán, sử dụng thế nào? Hiện nay vẫn còn là ẩn số.
Hơn nữa, vị chuyên gia cho biết nguồn thư từ mức lợi nhuận này về nguyên tắc phải được tái đầu tư, mở rộng cơ sở hạ tầng chứ không phải lấy lãi để chia nhau. Thế nhưng, thực tế thì sao, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đều do nhà nước đầu tư cũng là của người dân bỏ tiền ra làm. Chi phí quản lý, chi trả lương cho cán bộ, công nhân viên cũng là tiền từ ngân sách chi trả. Trong khi đó, EVN lại mang tiền đầu tư ngoài ngành, gây thua lỗ là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chính phủ cần phải kiểm soát chặt chẽ tình trạng này. EVN cần phải làm đúng chức năng quản lý của mình.
Người dân vẫn thiệt
Những bất cập trong giá xăng dầu, điện, nước vẫn là vấn đề gây bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải trả lại nó cho thị trường, đưa điện vào hoạt động theo cơ chế thị trường thì khi đó người dân mới mong được hưởng một mức giá điện hợp lý và có lợi.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Ngãi lo ngại, trong bối cảnh hiện nay giải sử có thị trường phát điện cạnh tranh, người dân ko phải mua của EVN. Nhưng nếu EVN vẫn là đầu mối mua điện từ các nhà máy thủy điện, tức là nắm nguồn đầu vào rồi phân phối cho các đại lý bán lẻ cho người tiêu dùng thì về bản chất sẽ không có sự khác nhau nhiều. Người dân cũng không được hưởng lợi.
Những doanh nghiệp sản xuất có thể không độc quyền, nhưng sản xuất mà vẫn cung ứng điện cho EVN để phân phối chung, cuối cùng EVN và các nhà sản xuất vẫn nằm trong một mạng lưới và người dân vẫn thiệt.
Muốn có giá điện phù hợp cần phải tính toán giá thành cho rõ ràng, minh bạch từ đó đề xuất mức lợi nhuận mà cả người dân và doanh nghiệp đều chấp nhận được. Nhưng giá thành phải được các cơ quan nghiên cứu độc lập giám sát, tính toán đầy đủ. Trong tương lai phải tìm mọi cách giảm chi phí đầu vào, giá thành từ đó sẽ giảm. Khi đó người dân mới được hưởng lợi.
(Theo Đất Việt) Vũ Lan ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét