Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Xăng Việt đắt hơn xăng Mỹ: Bóc mẽ chiêu trò doanh nghiệp

Cập nhật lúc 08:45

(Thị trường) - Thuế tác động tăng giá ít nhưng doanh nghiệp lại kêu là nhiều để từ đó hưởng lợi do không tăng giá.

PGS.TS Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) chỉ rõ như vậy trước thông tin doanh nghiệp xăng dầu xin tăng thuế nhập khẩu xăng dầu trong bối cảnh giá dầu thế giới đang lao dốc mạnh.
PV: - Trong khi giá dầu thế giới đang tiếp tục lao dốc thì ngày 6/12, liên bộ Công thương-Tài chính đã quyết định tăng thuế xăng dầu, trong đó có loại tăng đến 10% và điều này khiến giá xăng dầu trong nước có mức giảm giá  thấp hơn. Điều kỳ lạ là chính các doanh nghiệp lai đề nghị tăng thuế. Điển hình là ngay trước thời điểm giảm giá ngày 6/12, PVOil đã có văn bản đề nghị liên bộ tăng thuế nhập khẩu lên 5-7%. Ông có thể lý giải động thái này của doanh nghiệp xăng dầu? Vì sao họ lại đề nghị tăng thuế trong khi theo nguyên tắc thị trường, giá cao sẽ bớt sức cạnh tranh? Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi thế nào, thưa ông?
PGS.TS Lê Xuân Trường: - Trước hết, cần lưu ý rằng, việc tăng thuế là động thái điều tiết vĩ mô của Nhà nước, chứ không phải do một doanh nghiệp nào đó gây áp lực.
Trong thời gian trước đây khi giá dầu tăng, Nhà nước đã phải “hy sinh” thu ngân sách bằng cách đưa thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu về 0% để bình ổn giá cả, đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Như vậy, trước đây Nhà nước đã chia sẻ với người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Điều này dẫn đến tăng áp lực cho việc đảm bảo cân đối thu chi ngân sách.
Bây giờ, khi giá dầu giảm, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng cũng cần chia sẻ với Nhà nước. Cần lưu ý thêm rằng, khi giá dầu thế giới giảm thì thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô cũng giảm. Trong bối cảnh đó, việc đảm bảo thu ngân sách là rất khó khăn. Đến lượt nó, thu ngân sách không đảm bảo thì sẽ không có nguồn để thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách và đương nhiên cũng ảnh hưởng đến đời sống người dân.


PGS.TS Lê Xuân Trường
Quay trở lại động thái của PVOil về việc đề nghị tăng thuế nhập khẩu. Theo lẽ thường, tăng thuế nhập khẩu sẽ làm tăng giá thành dẫn đến phải tăng giá bán và giảm sức cạnh tranh. Tuy nhiên, trong trường hợp thị trường xăng dầu ở Việt Nam thì không hoàn toàn như vậy do phần lớn xăng dầu thành phẩm ở Việt Nam vẫn phải nhập khẩu, còn xăng dầu sản xuất trong nước thì mới có duy nhất Nhà máy lọc dầu Dung Quất với thị phần nhỏ nên cũng không đủ sức cạnh tranh chiếm thị phần của xăng dầu nhập khẩu.
Tôi cho rằng, động thái này của PVOil có lẽ là động tác tâm lý chiến với người tiêu dùng. Theo đó, PVOil sẽ kêu rằng họ không thể giảm giá bán vì giá xăng dầu nhập khẩu giảm nhưng lỗi này là do Nhà nước tăng thuế. Thế là thuế tác động tăng giá ít nhưng họ lại kêu là nhiều để từ đó hưởng lợi do không tăng giá.
PV: - Lý do xin tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, theo văn bản của PVOil là giá thế giới liên tục giảm, trong khi doanh nghiệ phải dự trữ đủ 30 ngày theo quy định, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này? Sự hợp lý và bất hợp lý trong lập luận của các doanh  nghiệp xăng dầu ra sao? Thực chất trong khoảng thời gian này doanh nghiệp lợi hay thiệt khi giá thị trường lên xuống từng giờ?
PGS.TS Lê Xuân Trường: - Việc dự trữ 30 ngày chẳng ảnh hưởng gì khi giá giảm do khi xác định giá bán, doanh nghiệp được xác định theo giá bình quân cộng với lợi nhuận định mức.
Cần lưu ý rằng, đã rất nhiều lần doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu kêu lỗ do giá bán trên thị trường thấp hơn giá cơ sở. Nhưng giá cơ sở được xác định bằng cách lấy giá thành nhập khẩu (giá nhập cộng đầy đủ các khoản thuế và chi phí) cộng với lợi nhuận định mức.
Như vậy, ngay cả khi giá cơ sở bằng với giá bán trên thị trường hoặc cao hơn giá bán trên thị trường (không quá phần lợi nhuận định mức) thì doanh nghiệp vẫn có lãi.
Trước đây khi giá liên tục tăng, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu có kêu họ phải dự trữ 30 ngày là có lợi đâu. Cần lưu ý rằng, dự trữ luôn có hai mặt nhưng Nhà nước đã quy định để các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu không bị thiệt thòi.
Việc dự trữ là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Thêm vào đó, trong kinh doanh cần biết dự báo để thực hiện các giao dịch kỳ hạn nhằm giảm thiểu rủi ro biến động giá và có lợi nhất trong kinh doanh, có phải là chỉ giao dịch giao ngay đâu mà kêu sự biến động lên xuống bị thiệt. Nếu ông lãnh đạo nào của doanh nghiệp nhà nước có chức năng nhập khẩu xăng dầu mà kêu như vậy có lẽ cũng nên xem lại năng lực quản lý kinh doanh của ông ta.
PV: - PVOil dự kiến kết quả kinh doanh cả năm 2014 của tổng công ty này sẽ không có lãi và thực tế DN đã lỗ từ tháng 8/2014. Tương tự, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác như Công ty TNHH một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP HCM (Saigon Petro), Công ty xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn), Tổng công ty xăng dầu khu vực IV... cũng đồng loạt kêu lỗ hoặc kinh doanh không có lãi. Trong khi đó, giá xăng của Việt Nam hiện tại đang cao hơn Mỹ khoảng 5.000 đồng/lít. Điều này có coi là nghịch lý hay không và vì sao?
PGS.TS Lê Xuân Trường: - Đây đúng là một nghịch lý. Nghịch lý này có thể lý giải bởi khả năng quản lý điều hành kém của lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước này. Họ sử dụng tiền “chùa” nên không tiết kiệm. Chi phí của các doanh nghiệp này rất cao, trong đó, kỳ lạ là phần chi trả cho các đại lý thường rất cao. Hơn nữa, như tôi đã nói trên, ngay cả khi họ kêu lỗ với lý do giá bán thấp hơn giá cơ sở thì thực ra họ vẫn đang có lãi nhưng lãi ít.
PV: - Có ý kiến cho rằng vì xăng dầu ở Việt Nam hiện nay đang ở thế độc quyền của Petrolimex, chưa có cuộc cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp xăng dầu do thị phần Petrolimex chi phối nên họ chẳng cần phải giảm giá làm gì. Ông có đồng tình với ý kiến này và vì sao?
PGS.TS Lê Xuân Trường: - Thị trường xăng dầu là thị trường đặc biệt. Không dễ để phá thế độc quyền của lĩnh vực này, do đặc tính sản phẩm, do đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, do cách thức tạo dựng và điều hành kênh phân phối.
Bởi vậy, giả sử Nhà nước cho thêm nhiều doanh nghiệp nữa được nhập khẩu thì cũng khó tạo nên thị trường cạnh tranh hoàn hảo ở lĩnh vực này. Khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu có thể liên kết để tạo nên trạng thái độc quyền nhóm và chi phối thị trường.
Tôi cho rằng, mấu chốt của vấn đề là Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý và điều hành giá xăng dầu. Cách quy định hiện nay giao cho doanh nghiệp tự xác định giá bán căn cứ vào giá cơ sở không còn phù hợp. Nhà nước cần quy định giá bán phải thay đổi như thế nào phụ thuộc vào biên độ thay đổi của giá nhập khẩu và giá trần do Nhà nước quy định.
Như vậy, sẽ tránh được tình trạng hiện nay: Khi giá xăng dầu nhập khẩu tăng thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ngay lập tức tăng giá; khi giá xăng dầu nhập khẩu giảm thì lại để Liên bộ Tài chính – Công thương giục mới giảm giá bán.
(Theo Đất Việt) Thành Luân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét