Việt Nam có sức mạnh “mềm” để phát
triển và giữ nước
Cập
nhật lúc 09:01
Một giàn khoan dầu khí trên Biển Đông của Tập
đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam.
“Theo
tôi, năm 2014 có hai dấu ấn nổi bật, đó là chúng ta đã giảm được lạm phát và
thành công trong lĩnh vực đối ngoại” - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ
Khoan đánh giá như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về
những dấu ấn nổi bật của đất nước năm 2014.
Quan trọng là phải giải phóng được sức dân
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (ảnh) cho biết: Dấu ấn thứ
nhất, sau nhiều năm lạm phát tăng cao, năm 2014 đã giảm được lạm phát đáng
kể, lạm phát chỉ khoảng 3 - 4%. Điều đó thể hiện chúng ta đã thành công bước
đầu trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Tức là ổn định được mối quan hệ giữa
tiền với hàng, giữa thu với chi ngân sách, giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Đi
liền với việc giảm lạm phát là tốc độ tăng trưởng đạt cao, ước đạt 5,98%,
vượt mục tiêu đề ra (5,8%) trong nghị quyết của Quốc hội.
Dấu ấn thứ hai là về đối ngoại, đó là cuộc đấu tranh ngoại
giao để góp phần bảo vệ quyền chủ quyền của chúng ta trên Biển Đông - vụ giàn
khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của nước
ta.
Thưa ông, từ dấu ấn trên, chúng ta đã rút ra được những
bài học gì?
- Việc lạm phát giảm đã giúp cho chúng ta những bài học
cần tính tới trong năm 2015, đó là việc xử lý hài hòa về tăng trưởng kinh tế
và ổn định vĩ mô. Chúng ta chỉ có thể giải quyết tốt nếu như giữ được cân
bằng kinh tế, không nên đưa ra những chủ trương có thể làm cho kinh tế phát
triển nóng làm cho kinh tế vĩ mô bị xáo động. Trong khi giữ ổn định kinh tế
vĩ mô vẫn có thể tìm kiếm những khả năng để tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, là muốn giải quyết bất cứ vấn đề gì của đất nước,
quan trọng là phải giải phóng được sức dân, mọi biện pháp phải tạo thuận lợi
nhất cho doanh nghiệp (DN) và tạo công ăn việc làm cho người lao động, nếu
không giải quyết được mối quan hệ này thì không giải quyết được vấn đề gì cả.
Thứ ba, là việc bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu của
chúng ta cuối cùng vẫn là bảo đảm đời sống cho người dân. Trong thời kỳ kinh
tế khó khăn, bà con nông dân cũng gặp nhiều khó khăn, chúng ta cũng đã giải
quyết phần nào khó khăn đó bằng các chính sách hỗ trợ khác nhau, ví dụ đối
với bà con nông dân, điều quan trọng nhất là hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, giảm
nhẹ gánh nặng đầu vào... Còn sự hỗ trợ cho DN là một thể chế thông thoáng
minh bạch không gây phiền hà sách nhiễu.
|
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
|
Thứ tư, là mối quan hệ giữa kinh tế trong nước và kinh tế
ngoài nước, năm vừa rồi kinh tế trong nước có khó khăn, nhưng xuất khẩu vẫn
duy trì được mức tăng trưởng tương đối khá, đầu tư nước ngoài cũng đạt được
mức nhất định, nước ngoài vẫn quan tâm đến thị trường Việt Nam. Tuy nhiên
cũng đã xuất hiện một số dấu hiệu đáng quan tâm về mối tương quan giữa DN
trong nước và DN nước ngoài, trong sản xuất và xuất khẩu.
Nguyên tắc thì phải kiên định, sách lược thì phải mềm dẻo,
linh hoạt
Từ những bài học trên chúng ta cần phải có những giải pháp
như thế nào thưa ông?
- Đi đôi với việc giải quyết những vấn đề trước mắt, chúng
ta cần chú trọng giải quyết những vấn đề lâu dài. Đó là vừa phải ổn định kinh
tế vĩ mô đi đôi với tăng trưởng hợp lý, vừa tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển
đổi mô hình phát triển, đồng thời đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa. Đó là 3
vấn đề quan trọng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Hy vọng rằng Đại hội XII
của Đảng sẽ rút ra những bài học và đưa ra những giải pháp hữu hiệu để tạo
bước phát triển mới trong nửa sau của chiến lược 10 năm phát triển kinh tế xã
hội.
Vấn đề thứ hai là sức khỏe của các DN và tổng cầu còn chưa
đủ mạnh. Bên cạnh đó, yêu cầu giải quyết tốt hơn nữa vấn đề nợ xấu và giải
quyết nợ công cũng như việc điều chỉnh lại chi ngân sách để phần đầu tư cho
phát triển dành vị trí thích đáng hơn.
Vấn đề thứ ba, là chúng ta ký kết được hàng loạt nhưng
thỏa thuận về việc hình thành các khu vực mậu dịch tự do. Chúng ta đã có bài
học khi gia nhập WTO, đó là: Nội lực, cơ cấu kinh tế ra sao, khả năng cạnh
tranh thế nào, nguồn nhân lực tới đâu, thể chế kinh tế có đáp ứng yêu cầu hội
nhập không?... điều này phải lưu ý tìm ra biện pháp để có đủ cơ hội cạnh
tranh, đối phó với những thách thức khi hội nhập.
Đó là những bài học, giải pháp về kinh tế xã hội, vậy đối
với dấu ấn về đối ngoại thì sao thưa ông?
- Theo tôi, bài học cơ bản là chúng ta cần quán triệt lời
dạy của Bác Hồ: Nguyên tắc thì phải kiên định, sách lược thì phải mềm dẻo
linh hoạt. Vừa qua, chúng ta đã kiên định bảo vệ nguyên tắc bảo vệ chủ quyền
toàn vẹn lãnh thổ đi đôi với những nỗ lực không mệt mỏi để giữ vững môi
trường hòa bình để phát triển đất nước. Đồng thời chúng ta đã hành động một
cách cơ động, linh hoạt để tránh xung đột, đưa tranh chấp vào bàn đàm phán
hòa bình.
Để thực hiện được mục tiêu bảo vệ lợi ích dân tộc, thì
điều cơ bản nằm ở thực lực của đất nước. Chúng ta có một sức mạnh “mềm”, sức
mạnh “mềm”: Đó là tính chính nghĩa của sự nghiệp chúng ta bảo vệ; đó là lòng
yêu nước cháy bỏng của toàn dân tộc; đó là khối đại đoàn kết toàn dân; đó là
đường lối đối ngoại đúng đắn; đó là sự đồng tình ủng hộ của tất cả những
người tôn trọng lương tri và pháp lý trên thế giới.
Một bài học nữa là phải kiên trì đường lối đối ngoại độc
lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế theo tinh thần Việt Nam muốn làm
bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới. Miễn là mọi quốc
gia cần phải tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn
trọng luật pháp quốc tế, hợp tác bình đẳng cùng có lợi.
Trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Lao động) Xuân Hải
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét