'Bẻ
gãy' định kiến về người Việt ở Nga
Cập nhật lúc 19:25
Mục đích của bộ phim của nhà
làm phim người Nga ấy là làm giảm bớt những sự hiểu lầm của người Nga đối với
người Việt, bẻ gãy những định kiến không tốt về người Việt trong người Nga.
Tình cảm của người Nga đối với người
Việt, theo cái nhìn của tôi, cơ bản vẫn là những trái tim nhân hậu.
Không có quốc gia nào mà người Việt vào Nga dưới đủ hình thức rồi tìm
cách hợp pháp hóa ở lại đông như ở Nga. Riêng ở "ốp" (chung cư)
Rưbac (Người đánh cá) có khoảng 500 người Việt tập trung. Gọi là
"ốp" nhưng tiền thân của nó là một khách sạn cũ. Một người Việt Nam mua lại
khách sạn này rồi cải tạo thành chung cư cho đồng bào mình thuê lại.
Con số 500 người Việt là mấy trăm gia đình. Họ tổ chức thành một xã hội Việt Nam thu nhỏ
ngay giữa Maxcova, mua và bám đủ các thứ như chợ Đồng Xuân.
Đặc biệt, phở ở đây có tiếng là ngon
nhất. Hôm tôi đến đây ăn phở, cũng có hai cảnh sát Nga đang ăn. Họ trả tiền
đàng hoàng . Ở những chỗ khác tôi đến như nhà hàng Saigon,
nhà hàng Hương Giang, khách Nga lúc nào cũng rất đông. Các cô gái tiếp tân
người Việt trong trang phục dân tộc, nói và nghe tiếng Nga rất thân tình
khiến khách Nga rất dễ chịu.
Người Việt bán hàng ở đây cũng có
nguyên tắc. Hôm tôi đến nhà hàng Saigon của
một ông chủ người Nghệ An, có một thanh niên Nga dẫn bạn đến ăn chịu. Nhà
hàng không bán. Anh chàng Nga kia chắc sĩ diện với bạn nên nổi khùng. Nhưng
ông chủ vẫn bình tĩnh ngồi tiếp khách. Chỉ có người phụ trách lễ tân. Một
người đàn ông đứng tuổi, chìa ra cho anh ta những biên lai còn ghi nợ. Người
bạn Nga đi cùng cũng khuyên nhủ anh ta. Cuối cùng, hai vị khách Nga lặng lẽ
ra khỏi nhà hàng. Tôi nghe cô tiếp tân nói rằng anh này trước đây hiền và
ngoan lắm. Chỉ từ ngày mắc nghiện hút mới hung hăng như vậy. Cô còn cho biết,
anh ta làm việc ở quán cắt tóc gần đấy.
Phải nói rằng, người Việt đang có chỗ
đứng ngày càng vững vàng trong xã hội Nga. Tôi gặp một chị là Giám đốc mấy
xưởng may "trắng" (những xưởng hợp pháp). Chị lái xe còn đi giao
dịch rất đàng hoàng trên đường phố Maxcova. Tôi hỏi chị đã gặp nguy hiểm bao
giờ chưa? Chị cho biết, hơn 10 năm trước, có một lần chị bị cướp túi tiền.
Vừa lái xe đến công ty bạn, bước ra ngoài, thấy mấy thanh niên Nga tưởng đó
là những cửu vạn nên cứ bình thản đi vào. Bỗng một cú đấm như trời giáng đập
vào mắt chị. Ngã xuông giữa những lớp tuyết dày, chưa kịp kêu thì cái túi đã
bị cướp. Mãi 10 ngày sau mắt mới lành. Nhưng chị cho biết, một thời gian sau
đã kiếm lại số tiền bị mất.
Tôi cũng gặp những công nhân ở một
xưởng may đen (bất hợp pháp). Cô gái quê ở Đô Lương (Nghệ An) trên đường
về phép, ngồi cạnh tôi trên máy bay. Chặng đường mười tiếng đồng hồ bao nhiêu
chuyện. Cô cho biết, xưởng may của cô làm việc từ 9 giờ sáng. Đến 10h30 ăn
sáng rồi lại làm việc tiếp. Đến 18h ăn chiều lại làm tiếp đến 23h ăn bữa phụ.
Có hôm phải làm việc đến 3 giờ sáng. Cô đã ở bên này 4 năm rưỡi. Nhìn gương
mặt trắng trẻo và rạng rỡ của cô, tôi đoán cô làm ăn cũng không đến nỗi nào.
Cô cho biết, về nhà để cưới chồng. Nếu
thấy khó làm ăn trong nước lại tìm đường sang Nga. Ông chủ xưởng của cô cũng
là người Nghệ An, người huyện kế bên. Có sự tin tưởng giữa chủ và thợ như vậy
thì làm sao có chuyện bóc lột và lừa đảo được. Tôi hỏi cô xưởng may đen ở
đâu. Cô nói ngay bên đường. Xung quanh toàn nhà người Nga. Tôi lại hỏi, cô
lên Maxcova bằng đường nào? Cô nói, nhờ ông chủ mua vé. Ông chủ cho xe đưa
mình ra sân bay. Cô kể với tôi bằng giọng bình thản, tự tin, luôn nở nụ cười
tươi. Thật quý trọng những người trẻ tuổi ra đi "cứu nước cứu nhà"
như cô gái này.
Biết tôi sang đây tìm tư liệu làm phim,
Khanh và Giang là hai anh bạn người Việt giới thiệu cho tôi gặp Paven, một
nhà làm phim người Nga. Anh này làm việc ở một trong 10 hãng phim lớn nhất nước
Nga. Hãng phim của anh đã chuẩn bị gần như xong một dự án làm phim truyền
hình nhiều tập về người Việt Nam
sinh sống, học tập và làm việc tại Nga. Mục đích của bộ phim là làm giảm bớt
những sự hiểu lầm của người Nga đối với người Việt, bẻ gãy những định kiến
không tốt về người Việt trong người Nga (vừa nói anh vừa làm động tác bẻ gãy
chiếc thìa bạc) và nâng cao vị thế người Việt tại Nga.
Chúng tôi cùng trao đổi với nhau về
những dự án của mình và hứa hẹn sẽ cộng tác với nhau một cách cụ thể. Những
ngày tôi ở đây, trên kênh truyền hình Pyatnitsa (Thứ Sáu) của Nga liên tục
chiếu phóng sự về những điều kì lạ ở Việt Nam, từ đồng bằng sông Cửu Long đến
miền núi phía Bắc. Đó cũng là cách khích lệ những ai có tư duy ưa khám phá
tìm đến với nước mình. Buổi chiều, kênh này giới thiệu về Ấn Độ và Trung Quốc.
Về những người Nga mà tôi có dịp cộng
tác, phải nói rằng họ luôn truyền vào tôi những cảm hứng sống tốt lành. Rời
nước Nga đã 23 năm, nhưng suốt quãng thời gian đó, đặc biệt là trong những
ngày chưa có internet, anh Anatoly Socolov là một nhà Việt Nam học vẫn thường
xuyên gửi cho tôi những bào báo Nga, những cuốn sách Nga viết về điện ảnh
cùng những bộ phim Nga. Sang Nga lần này, tôi tặng mẹ anh chiếc khăn có
thêu những bông sen. Nhưng hôm sau, thấy anh mang trả lại với lý do
"mẹ tôi già rồi, không thích hợp". Tôi nói, anh có thể tặng bạn gái
của anh. Nhưng anh nói: Tôi nghĩ, anh có nhu cầu tặng nhiều người khác hơn
tôi!. Tâm hồn Nga không gợn tì vết như thế đấy. Nói đến đây
lại nghĩ đến truyện ngắn ‘’Thứ hai trong sạch’’ của I. Bunhin.
Biết tôi sang Nga với mục đích này, đài
phát thanh “Tiếng nói nước Nga’’ liền cử một phóng viên đến gặp tôi để phỏng
vấn. Nghe giọng nói qua điện thoại, tôi đoán phóng viên này khoảng 40 tuổi.
Nhưng khi gặp, anh Alexey S. Syunnerberg giới thiệu mình đã 70
tuổi. Trời, một người lớn tuổi như vậy mà đi làm một công việc cỏn con
thế này ư? Tôi thú thật và xin lỗi. Bỏ qua những lời xã giao, anh vào
việc ngay. Anh tặng tôi bài báo mà anh đã bỏ 40 năm để đi tìm tên tuổi những
người Việt đã chiến đấu và hy sinh trong trận đánh bảo vệ Maxcova mùa đông
năm 1941.
Cũng những tư liệu của anh E. Cobelep,
của ông N. Xolnsev (đã mất) và cuốn sách của
anh A. Socolov, tôi đã hình dung được hạt giống của câu chuyện. Điều
mình muốn tìm hiểu thêm là đời sống cũng như những thứ liên quan đến người
dân và binh lính Nga và những người tình nguyện trong Trung đoàn cơ động quốc
tế trong những năm tháng chiến tranh thế nào. Câu chuyện này đã được nhiều
Viện bảo tàng Nga, bảo tàng Maxcova, Viện lưu trữ Quân đội Nga… cung
cấp rất nhiều.
Đến thăm trường cũ, thực sự cảm nhận ân
tình Nga. Khoa ngoại quốc, khoa biên kịch tiếp đón rất nồng nhiệt. Họ liên
tục gọi điện cho thầy hiệu trưởng báo tin có sinh viên cũ từ Việt Nam sang. Rồi
các thầy giáo, cô giáo cũ mở tiệc tại các nhà hàng, đánh xe đưa đi. Các bạn
học cũ kéo đến. Tiệc kéo dài đến nửa đêm. Các thầy cô và bạn đồng nghiệp cũ
lại tặng cho tôi bsao nhiêu sách và phim-những tác phẩm của họ. Đến lúc trả
tiền, một thầy giáo cũ đòi trả vì hôm nay thầy mới nhận nhuận bút của một bộ
phim cũ của thầy được phát lại trên truyền hình. Thầy hỏi ở Việt Nam có trả
thế không? Tôi xấu hổ nói rằng không.
Trên máy bay, tôi cầm những tờ báo Nga
và báo Việt lên xem. Tờ báo Nga "Izvestia" có khổ chiều rộng 30 cm,
chiều dài 63cm, rất thích hợp đối với người đọc. Vì khi mở báo ra, không làm
phiền những người bên cạnh. Khác hẳn những tờ báo khổ to của mình, tờ
này còn có hai phụ trương, in trên giấy tốt, khổ cũng vừa cho người ngồi chỗ
đông người đọc. Một tờ về giá dầu với những ý kiến của các chuyên gia nhìn từ
các góc độ. Một tờ về sức khỏe. Phải nói, ngay từ những năm còn là sinh viên,
tôi đã hay la cà vào những hàng báo quanh nơi mình ở. Có tờ phải đọc hàng
tháng mới hết vì báo Nga có nhiều bài viết rất có sức nặng.
Tôi cũng thường ghé vào những hiệu sách
Nga. Trời, sách Nga đắt kinh khủng. Mỗi quyển quy ra tiền Việt từ 600-700
ngàn nhưng đều đáng giá. Hôm đến trường VGIK và Hội Điện ảnh, mua bao
nhiêu sách phải đến hơn chục kg. Đến nỗi lúc về, va ly nặng quá nên phải gửi
lại một thùng.
Tiễn tôi về nước, vợ chồng một người
bạn phải vội đến đăng ký để chuẩn bị được vào Điện Kremli để dự cuộc
họp báo của Tổng thống Putin. Máy bay cất cánh, ngắm nhìn nước Nga lòng thấy
bình yên, bởi lẽ nước Nga và người Nga luôn cho mình cảm giác yêu quý
và tin cậy.
(Theo TuanVietNam) Biên kịch Đoàn Minh Tuấn
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét