Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Lạm phát dưới 3%: Bất ngờ cách xa dự báo

Cập nhật lúc 08:43

 “Lạm phát năm nay sẽ chỉ dưới 3% là điều chắc chắn, so với mục tiêu 7% đặt ra hồi đầu năm và Chính phủ hạ xuống hồi giữa năm là 5% thì lạm phát năm nay cách quá xa dự báo”- chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - Nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định khi trả lời phỏng vấn Dân Việt.

Thưa ông, ông nhận định như thế nào về lạm phát năm nay?


Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long- Nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)
Hết tháng 11, lạm phát mới đạt đến ngưỡng 2,08%. Khả năng tháng 12 này, lạm phát không thể tăng trên 1% được bởi giá xăng dầu vẫn liên tục được điều chỉnh giảm, tổng cầu của nền kinh tế còn hạn hẹp và doanh nghiệp thì còn khó khăn. Dự báo của tôi thì lạm phát năm nay sẽ chỉ dưới 3% là điều chắc chắn, so với mục tiêu 7% đặt ra hồi đầu năm và Chính phủ hạ xuống hồi giữa năm là 5% thì lạm phát năm nay cách quá xa dự báo.

Vì sao nó lại cách quá xa dự báo, thưa ông?
Đây là điều khá bất ngờ, nằm ngoài “ý muốn” và dự báo của chúng ta, lạm phát thực tế chỉ bằng hơn 1/3 dự báo cả năm. Chính vì nó bất ngờ nên diễn biến giá cả trong năm nay có những điều hơi trái quy luật. Đó là những tháng cuối năm lẽ ra lạm phát phải tăng thì lạm phát tháng 11 lại giảm.
Nguyên nhân chủ quan là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01, 02 đầu năm về thắt chặt lạm phát. Chúng ta đã sử dụng các chính sách tài chính, tiền tệ thắt chặt (là đầu ra của lạm phát). Song yếu tố khách quan là do giá thế giới giảm. Giá xăng dầu liên tục giảm tới 50% kéo theo các mặt hàng khác cũng giảm theo, từ lương thực, đậu nành, đường sữa… Nhiều nguyên liệu đầu vào chúng ta nhập khẩu đã giảm mạnh...
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh giá thế giới giảm mạnh như vậy mà lạm phát của ta vẫn tăng 3% thì chưa phải là thành công, ông nghĩ sao về điều này?
Có nhiều quan điểm khác nhau về lạm phát năm nay, cả tốt và chưa tốt. Tốt là chúng ta đã kiểm soát được lạm phát, vì đây là con ngựa bất kham suốt từ năm 2007 đến nay. Mừng nữa là người dân, xã hội cảm thấy “dễ thở” vì lạm phát được ví như thứ thuế vô hình đánh vào mọi đối tượng, người càng nghèo thì càng bị đánh nặng. Lạm phát thấp cũng tạo cơ hội thu hút đầu tư, tạo niềm tin của thị trường, kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Lạm phát thấp cũng tạo dư địa cho Chính phủ thực hiện các chính sách cải cách tài chính, tiền tệ, tài khóa tốt hơn…
Nhưng tôi cho rằng, lạm phát thấp năm nay vẫn không bắt nguồn từ năng suất, chất lượng; không phải do chúng ta giảm được chi phí từ đó giảm được giá bán. Sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp cải thiện vẫn thấp. Lạm phát giảm do khách quan nhiều hơn là chủ quan. Sức mua kém, doanh nghiệp khó khăn và do chúng ta thắt chặt quá nên lạm phát giảm, chứ nguồn vốn ngân hàng vẫn gây khó cho doanh nghiệp, khiến cho giá giảm thì sản xuất trì trệ. Tâm lý người dân thì chờ giá giảm nữa mới chi tiêu khiến sức mua bị ỳ và giá càng giảm thì doanh nghiệp càng lỗ…
Đã có quan điểm cho rằng, chúng ta không nên để cho lạm phát giảm quá sâu, bởi chính những điểm yếu như ông nói?
Tôi đã nghe quan điểm này, nên Bộ KH&ĐT mới đây dự báo lạm phát năm 2015 là 4%. Lạm phát thấp sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm cho tăng trưởng kinh tế của ta tăng dưới mức tiềm năng. Dự báo của Bộ KH&ĐT là dựa vào mục tiêu mà Quốc hội vừa đề ra (5%), cũng do chính Bộ này tham mưu. Vậy lạm phát 4% này có khả thi không còn cần phải bàn nhiều. Bởi lạm phát năm tới phụ thuộc vào nhiều yếu tố đầu vào. Trong khi đó, Bộ Công Thương lại đang xem xét đề nghị tăng giá điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam tới 9,5%. Mức này là quá cao, chắc chắn sẽ tác động nhiều tới giá của các mặt hàng khác. Năm tới giá dầu có ổn định không cũng còn khó dự báo, tăng trưởng có đảm bảo không?... Do vậy hướng phấn đấu lạm phát tăng 4% dựa vào đâu tôi thấy còn khá mơ hồ…
Dù lạm phát năm tới như thế nào thì “sức khỏe” của nền kinh tế mới là quan trọng, thưa ông. Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị cần cân nhắc thời điểm điều chỉnh, mức độ điều chỉnh các loại giá do Nhà nước quản lý, trong đó có giá điện?
Tôi chỉ lấy ví dụ anh tiết kiệm được 10 triệu đồng mà ốm ho thì chết, tiết kiệm nhưng anh vẫn phải khỏe thì mới được. Nền kinh tế cũng vậy, lạm phát thấp vẫn phải đảm bảo sức khỏe. CPI năm tới là 4% nhưng phải đảm bảo cho tăng trưởng đạt 6,2% mới là thành công. Muốn vậy thì các loại giá như giá điện mà tăng lên 9-10% là rất nguy hiểm cho sức khỏe của nền kinh tế. Hiện trong cơ cấu nguồn điện, thủy điện chiếm 40% còn lại là điện than, khí. Thủy điện ổn định, điện khí giảm, tỉ giá ổn định, xăng dầu giảm mạnh vậy cớ gì ngành điện xin tăng giá tới 9,5%. Nếu vì lạm phát thấp mà tính tới việc tăng giá điện thì lại càng nguy hại. Điện tác động rất lớn tới sản xuất kinh doanh nên tăng giá điện sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế và mọi hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người dân. Do vậy, người dân đang chờ ngành điện trả lời một cách xác đáng.
Xin cảm ơn ông!
Đợt điều chỉnh giá xăng dầu hôm nay (22.12) với mức giảm khủng 2.050 đồng/lít với xăng RON 92, giá dầu Diezel giảm 1.420 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.570 đồng/lít không còn tác động tới việc tính chỉ số giá tiêu dùng năm nay mà sẽ tính vào chu kỳ giá của tháng 1.2015. Với mức giảm này, dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 năm sau sẽ có tác động khá lớn làm giảm lạm phát xuống. Tính từ đầu năm đến nay, tổng mức giảm giá mặt hàng xăng RON 92 đã là là 7.760 đồng/lít. Đây là lần thứ 12 giá xăng dầu giảm, tính từ đầu năm đến nay.
(Theo Dân Viêt) Mai Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét