Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Hà Nội: Loạt dự án "lăm le xẻ thịt" Công viên Thống Nhất

Cập nhật lúc 14:01

“Thu hồi đất của người dân làm dự án thường rất khó khăn, còn lấy đất trong công viên lại dễ, lấy cái xong ngay mà không phải đền bù cho ai cả”. 


Nhiều phần đất trong Công viên Thống Nhất bị cắt phục vụ cho các dự án (Ảnh: ND)
Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất (Công ty Công viên Thống Nhất) Hoàng Kim Hồng trao đổi với PV Infonet và một số cơ quan báo chí xoay quanh việc ngoài dự án bãi đỗ xe ngầm, nhiều dự án khác trong quy hoạch dự kiến sẽ "mọc" tại công viên. Theo quy hoạch, trong Công viên Thống Nhất sẽ còn nhiều dự án khác như trạm điện, mở rộng đường bộ, hay làm đường sắt trên cao cũng "ăn" vào đất công viên.
Về lịch sử khu đất 10.000 m2 dự định xây dựng bãi đỗ xe ngầm, ông Hoàng Kim Hồng cho biết: Nếu trước đây khu đất này thuộc phần diện tích của Công viên, thì từ năm 1995 nó đã không còn thuộc công viên nữa, và đã được dựng hàng rào phân chia ranh giới từ đó. Đây là khu đất từng hứng chịu dư luận giữ lại đất công viên, buộc nhà đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao  SAS phải bỏ cuộc. 
Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Ngô Qúy Tuấn: 
Mặc dù có chủ trương lấy đất công viên phục vụ cho dự án mở rộng và kéo dài đường Nguyễn Đình Chiểu, nhưng diện tích của Công viên sẽ không bị thu hẹp đi, thậm chí “còn được mở rộng ra đến mép đường”. 
Phương án cụ thể đang chờ Viện quy hoạch đang làm thủ tục điều chỉnh tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu. Sau khi điều chỉnh xong sẽ phải phê duyệt chỉ giới và sẽ gắn nó vào trong quy hoạch chi tiết của công viên.
Liên quan đến xây cả trạm điện trong Công viên Thống Nhất, Phó Giám đốc Ngô Qúy Tuấn cho rằng "điều này là đương nhiên", bởi một công viên muốn có đầy đủ các nội dung thì phải có trạm điện, có bãi đỗ xe, phải có các tiện ích khác. 
Sau khi dự án xây dựng khách sạn bị dừng, Công ty Công viên Thống Nhất đã xin phần đất này về quản lý, phía trên mặt đất sẽ trồng cây xanh, thảm cỏ, còn phần dưới hầm giao cho đơn vị khác khai thác, tận dụng phần hầm đã làm trước đó. 
Tuy nhiên lúc đó, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi (hiện đã nghỉ hưu) không đồng ý.
Về khu đất 10.000 m2 này, theo ông Hồng phần mặt đất phải được trồng cây xanh, còn phần tầng hầm ở dưới có thể khai thác làm điểm đỗ xe, nhưng cần phải tránh tình trạng ở trên khu đất lại xây nhà cao tầng, nhà hàng ăn uống, hay kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí…
Ngoài dự án bãi đỗ xe ngầm này, ông Hồng cũng cho biết, theo quy hoạch thì trong Công viên Thống Nhất sẽ còn nhiều bãi đỗ xe ngầm với diện tích hàng chục nghìn m2 tại các cổng công viên. 
Điển hình như bãi đỗ xe ở hướng đường Trần Nhân Tông, dự kiến được triển khai với diện tích hơn 7.000 m2, nằm hoàn toàn trong đất công viên. Tuy nhiên dự án này chưa làm gì từ năm 2012 đến này. 
Dự án thứ 3 là bãi đỗ xe ở cổng khu vực Nguyễn Đình Chiểu cũng đang được nghiên cứu triển khai, nhưng vẫn chưa ấn định giao cho đơn vị nào thực hiện và sẽ phải chờ TP quyết định...
Ngoài ra, ông Hồng cũng cho biết theo quy hoạch ban đầu sẽ còn nhiều dự án khác “ăn” vào phần đất công viên. Đơn cử tới đây khi triển khai đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài cũng dự kiến sẽ lấy hơn 10.000 m2 đất Công viên Thống Nhất. Bên cạnh đó, trong công viên cũng xuất hiện một trạm điện trên phần diện tích khoảng 7.000 m2. Ngoài ra, tới đây khi làm đường sắt trên cao qua đường Lê Duẩn cũng "ăn" vào hàng trăm m2 đất công viên.
Khi diện tích đất công viên cứ dần bị "ăn mòn", ông Hồng cho biết, người dân sống ở xa công viên, có thói quen tập thể dục mỗi ngày thì phản đối việc lấy đất trong công viên làm dự án. Ngược lại đối với những người có nhà gần công viên, thuộc diện giải tỏa lại ủng hộ.
“Chúng tôi cũng có ý kiến nhiều, nhưng do nhu cầu xây dựng trong nội thành nên rất khó. Việc thu hồi đất của người dân làm dự án thường rất khó khăn, còn lấy đất trong công viên lại dễ, lấy cái xong ngay mà không phải đền bù cho ai cả” – ông Hồng nói.


Theo quy hoạch tới đây sẽ có nhiều dự án xuất hiện lần lượt "xẻ thịt" Công viên Thống nhất (Ảnh: ND)
Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Ngô Qúy Tuấn thừa nhận có các dự án này, tuy nhiên sẽ cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp, sau đó mới đưa vào quy hoạch chung Công viên Thống Nhất.
Liên quan đến việc lấy đất công viên phục vụ cho dự án mở rộng và kéo dài đường Nguyễn Đình Chiểu, ông Tuấn cho biết, mặc dù có chủ trương này, nhưng diện tích của Công viên sẽ không bị thu hẹp đi, thậm chí “còn được mở rộng ra đến mép đường”. 
Tuy nhiên phương án cụ thể như thế nào, ông Tuấn cho biết Viện quy hoạch đang làm thủ tục điều chỉnh tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu. Sau khi điều chỉnh xong sẽ phải phê duyệt chỉ giới và sẽ gắn nó vào trong quy hoạch chi tiết của công viên.
Còn liên quan đến xây cả trạm điện trong Công viên Thống Nhất, Phó Giám đốc Ngô Qúy Tuấn cho rằng "điều này là đương nhiên", bởi một công viên muốn có đầy đủ các nội dung thì phải có trạm điện, có bãi đỗ xe, phải có các tiện ích khác. 
Mặc dù vậy, quy mô diện tích trạm điện lớn nhỏ thế nào, ông Tuấn khẳng định “sẽ phải được nghiên cứu một cách cụ thể và có sự chuẩn mực về số liệu chứ không hẳn đã phải là 7.000m2 như thế”.
(Theo Infonet) Thành Nam

Các chủ đầu tư rất lắm “chiêu” ranh mãnh khi “mượn đất” cho dự án. Ban đầu là thế nhưng rồi sau sẽ… “hơi khác”. Ai muốn chứng kiến một ví dụ sinh động hãy đến xem mương nước, nay là số 48A Liễu Giai. Đây là đoạn mương thoát nước có bề mặt khá rộng. Chủ thầu đã xin và được UBND quận Ba Đinh cho mượn, được bê tông hóa bề mặt mương làm nơi trông giữ xe. Nay thì nó đã trở thành một siêu thị thực phẩm 3 tầng hoành tráng, dù dưới nền vẫn là mương thoát nước. Công viên TN cũng dễ chung số phận nếu nhà đầu tư được “nhảy” vào!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét