Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Tin “rác” bất động sản mặc sức tung hoành

Cập nhật lúc 08:32 


Người sử dụng điện thoại bị làm phiền bởi tin nhắn “rác” bất động sản. Ảnh: Hải Nguyễn

Tin nhắn rác quảng cáo về bất động sản tràn ngập khiến các chủ thuê bao điện thoại phải “chịu trận” hằng ngày, nhưng không có biện pháp xử lý.

Bùng phát tin nhắn “rác” bất động sản
Nạn tin nhắn “rác” lô đề, bói toán, nhận trúng thưởng… vừa dứt, thì tin nhắn “rác” rao bán sim số điện thoại, bất động sản... bùng phát. Mỗi ngày, người dùng nhận được cả chục tin nhắn “rác”, lúc cao điểm chỉ 10 phút lại có một tin nhắn “rác” đến. Do không bị xử phạt nên tin nhắn “rác” bất động sản mặc sức tung hoành khiến cho các chủ thuê bao điện thoại phải “chịu trận”.
Cả tuần nay, chị Ân - nhân viên ngân hàng nước ngoài tại TPHCM - liên tục nhận tin nhắn giới thiệu nhà đất, rao bán nhà giá rẻ, chung cư mini đến chung cư cao cấp, biệt thự, đất nền... từ nhiều số điện thoại lạ. “Ban đầu nhận được 1-2 tin nhắn thì nghĩ cũng bình thường, nhưng cả tuần hầu như ngày nào cũng nhận được thì thực sự cảm thấy vô cùng khó chịu. Như thế khác gì khủng bố khách hàng” - chị Ân nói. Không chỉ vậy, các thông tin gửi đến đều không rõ ràng, không có tên dự án, chỉ là những lời chào mời mua căn hộ lấp lửng.
Vừa nói, chị Ân vừa đưa chúng tôi xem một tin nhắn với nội dung: “Bên em bán căn hộ resort view sông liền kề trung tâm TP từ 570-990 triệu đồng, 1-3 phòng ngủ, trả trước 165 triệu, góp 4 triệu/tháng. Đặc biệt 0% lãi suất, tiếp cận gói 30.000 tỉ đồng 100%. Gọi em số 09455855...”. Tuy nhiên, khi liên hệ trực tiếp số điện thoại này, chúng tôi lại được giới thiệu một dự án ở Nhà Bè (TPHCM) và việc dự án có được nằm trong gói vay 30.000 tỉ đồng hay không thì nhân viên này trả lời là khách hàng cứ yên tâm vì dự án nào giờ cũng được vay gói hỗ trợ này và thậm chí là điều kiện vay rất dễ. Qua tìm hiểu thực tế, các dự án đều ở dạng “treo đầu dê, bán thịt chó”.
Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn các tin nhắn rao bán BĐS đến từ thuê bao có 11 đầu số. Nội dung tin nhắn thường nhấn vào gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay 5%/năm trong vòng 10 năm đầu, nhằm đánh vào tâm lý khách hàng có nhu cầu. Nhưng khi khách hàng điện thoại hỏi chi tiết, mới biết dự án không thuộc diện được vay gói tín dụng ưu đãi, hoặc căn hộ thực tế không hề hấp dẫn như quảng cáo.
Nhiều số điện thoại nhắn tin nhắn “rác”, hay nằm trong tin nhắn rao bán BĐS không thể liên lạc được hoặc người nghe máy trả lời vòng vo... Khi PV truy hỏi về vì sao có thông tin của người dùng, thì nhận được câu trả lời chung chung: “Data bên em có sơ lược về những người lướt web trên mạng, em muốn gửi tin nhắn đến tất cả các anh, nếu có làm phiền anh thì cho em xin lỗi!”. Thậm chí, họ cho biết, đã mua thông tin của đối tác…
Chưa có phương án xử lý tin nhắn “rác”
Ông Vũ Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch phụ trách Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của Cty An ninh mạng Bkav - cũng phải thừa nhận: Chính bản thân ông mỗi ngày nhận được ít nhất 3-4 tin nhắn “rác” rao bán nhà đất, căn hộ. Với một chuyên gia chống các loại tin nhắn “rác” như ông Sơn, việc cài đặt phần mềm để chặn không có gì khó khăn. Song với rất nhiều người dùng di động khác, tin nhắn “rác” BĐS khiến họ không chỉ bực bội mà còn ức chế. Không ít tin nhắn “rác” lấy nội dung quảng cáo BĐS và chiêu dụ thuê bao gọi hoặc nhắn tin vào các đầu số như 1900xxxx, người dùng di động mất cảnh giác sẽ bị trừ mức cước phí rất cao.
Đại diện Công ty dịch vụ viễn thông - VinaPhone cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 15.12.2014, nhà mạng này đã khóa tổng cộng 689.093 sim xả tin nhắn“rác”, 78 tổng đài 1900xxxx bị khóa hướng 
VinaPhone do xả tin nhắn “rác”, 3 đầu số ngắn 6/7/8xxx bị VinaPhone ngừng kết nối cũng chỉ vì nhắn tin “rác”. Theo ông Vũ Ngọc Sơn, tin nhắn “rác” có thể được phát tán trên thiết bị với phần mềm nhắn tin hàng loạt có thể lắp một lúc từ 8-16 sim “rác”. Đối tượng cứ lần lượt nhắn đi và xoay tua. Ông Sơn cho rằng, về nguyên tắc, nếu mật độ trên 1 sim nhắn đi với số lượng lớn tin nhắn và dày thì nhà mạng có thể phát hiện và ngăn chặn được. 
Tuy nhiên, về phía các nhà mạng cho rằng, thực trạng bùng phát tin nhắn “rác” quảng cáo BĐS đang diễn ra nhưng về số lượng và mật độ đã giảm so với các năm từ 2009 - 2012. Hơn nữa, sau khi một số đối tượng phát tán tin nhắn “rác” hàng loạt và lừa đảo bị nhà mạng và cơ quan công an phát hiện, xử lý, chúng đã khôn ngoan hơn bằng cách giảm “liều lượng” tin nhắn “rác” ở lĩnh vực BĐS để tránh bị hệ thống của nhà mạng phát hiện và ngăn chặn.
Trên thực tế, các phần mềm phát tán tin nhắn “rác” hàng loạt hiện nay được rao bán đầy trên mạng Internet. Đơn cử trên trang phanmemmarketing.vn, phần mềm nhắn tin “rác” hàng loạt có tên là “Top SMS” bán với giá chỉ 1,5 triệu đồng cài cho 1 máy tính, nhưng được hứa hẹn là gửi tin nhắn (rác) hàng loạt chuyên nghiệp chỉ từ 30 đồng/1 SMS, rẻ hơn nhiều nhất gấp 10 lần chi phí 1 tin nhắn SMS thông thường.
NHÓM PV Báo Lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét