Lãnh đạo Hà
Nội trấn an: "Đừng lo mất 10.000m2 công viên"
Cập nhật lúc
13:41
(VnMedia) - Thành phố chỉ tận dụng phần hầm ngầm đã làm từ trước cho
khỏi lãng phí, còn trên mặt đất vẫn là cây xanh và KGCC cho người dân chứ TP
không dại gì di dời khách sạn SAS để xây cái khác – đại diện Thành phố Hà Nội
khẳng định.
Chỉ tận dụng cho khỏi lãng phí?
Những ngày gần đây, dư luận người dân
Thủ đô hết sức lo lắng trước thông tin một doanh nghiệp đề xuất Hà Nội “cắt”
10.000m2 đất công viên Thống nhất để làm bãi đỗ xe ngầm.
Chiều 23/12, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức
Hội nghị để cung cấp thông tin và trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Theo đó, Khu đất rộng 10.331m2 tại số
295 Lê Duẩn nằm ở khu vực phía tây của công viên Thống Nhất, trước đây được
giao cho Công ty liên danh SAS Hà Nội Royal Hotel LTD xây dựng khách sạn SAS
Hà Nội Hotel.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Kế
hoạch Đầu tư, Quy hoạch Kiến trúc và quận Hai Bà Trưng nghiên cứu, khảo sát
báo cáo về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp trồng
cây xanh tại khu đất này.
Đại diện Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà
Nội cho biết, khu đất 10.331m2 đã được đầu tư một số hạng mục công trình ngầm
như: cọc khoan nhồi, tường vây với quy mô 3 tầng hầm.
“Hiện, công trình này đang bỏ không,
xung quanh ô đất có hệ thống hàng rào tạm, khu vực tầng hầm đỗ xe đã bị phế
thải xay dựng lấp và không có cây xanh, gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan
đô thị. Do vậy việc tận dụng đầu tư điểm đỗ xe ngầm tại khu vực này để phục
vụ nhu cầu đỗ xe cho khách ra vào công viên và người dân xung quanh khu vực
là rất cần thiết.” – đại diện Công ty trình bày lý do khiến công ty này đề
nghị với Thành phố phương án xin làm bãi đỗ xe ngầm ở khu vực này, với sức
chứa là 390 chỗ đỗ ô tô.
Phương án này cũng được ông Ngô Quý
Tuấn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc nhận xét là “phù hợp với quy
hoạch chi tiết xây dựng, cải tạo nâng cấp Công viên Thống Nhất do Viện Quy
hoạch xây dựng Hà Nội lập”.
Nên trả lại đất cho Công ty công viên quản lý Tham dự cuộc họp, các phóng viên báo đài đã đặt ra nhiều câu hỏi, nêu lên nhiều lo ngại đối với khu đất vàng này.
Trước hết, điều mà hầu hết các ý kiến có
chung quan điểm, đó là việc xây dựng bãi đỗ xe là cần thiết, nhưng nhu cầu về
không gian công cộng còn cần thiết, bức bách hơn nhiều trong bối cảnh Thành
phố đã quá ngột ngạt, quá nhiều nhà cao tầng và các phương tiện cơ giới.
“Trong khi Thành phố đã bỏ ra rất nhiều
tiền để làm thêm công viên và cũng chủ trương làm thêm nhiều công viên mới
thì tại sao lại phải lấy đất công viên để làm bãi đỗ xe. Hơn nữa, Thành phố
cũng có chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân thì việc lấy cả 1 ha đất công
viên, là không gian công cộng của hàng triệu người dân để phục vụ cho 390
chiếc ô tô có đáng hay không, và liệu có đi ngược lại với chủ trương của
Thành phố không?” - là ý kiến của phóng viên báo điện tử VnMedia.
Trong khi đó, phóng viên báo Tiền Phong
nêu vấn đề: “Đường Lê Duẩn ngày nào cũng bị tắc, cả sáng cả chiều, nhưng bên
trong công viên còn tắc đường hơn, không còn cả lối đi bởi lẽ quá đông người
có nhu cầu sử dụng phần không gian công cộng ít ỏi và vô cùng quý báu này.
Nếu tiếp tục chặn để làm bãi đỗ xe thì không gian càng bị thu hẹp”.
“Trước đây khi xây khách sạn SAS, người
dân phản đối, Thành phố đã phải rút lại chuyển đi nơi khác. Bây giờ lại định
cho bãi đỗ xe ngầm vào đây thì căn cứ vào quy hoạch nào, có căn cứ vào quy hoạch
chung Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không? Có lấy ý kiến nhân
dân không” – đại diện báo Tiền Phong hỏi.
Nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến việc
Thành phố sau khi thu hồi lại từ dự án xây dựng khách sạn SAS lại giao cho
Công ty khai thác điểm đỗ xe, xây thêm nhà điều hành và công trình phụ trợ
thì sẽ không còn là đất công cộng nữa và điều này là vi phạm pháp luật.
“Trên mặt đất vẫn phải là công viên và
phải giao cho công ty công viên làm để phục vụ miễn phí cho nhân dân” – đại
diện báo Người Hà Nội nêu ý kiến.
Còn đại diện báo Ngày nay cho rằng, nếu
muốn tận dụng phần ngầm thì nên làm luôn nhà điều hành ở dưới hầm để không
lấy diện tích của công viên.
“Tất cả các gia đình đều thiếu khu vui
chơi giải trí” – đại diện báo Ngày nay khẳng định.
Đại diện báo Xưa và Nay thuộc Hội khoa
học lịch sử thì cho rằng, phải có cái nhìn xa hơn. “Hà Nội nếu biết quy hoạch
thì không thiếu bãi đỗ xe. Với những hồ điều hòa như Thuyền Quang, Đống Đa…,
tại sao khi làm không làm bãi đỗ xe ngầm ở dưới và phía trên vẫn là mặt nước?”
Phân tích về bài toán kinh tế, một phóng
viên nhẩm tính, với 2 triệu đồng phí gửi xe cho một chiếc ô tô, mỗi tháng bãi
đỗ xe này chỉ thu được 80 triệu/tháng, chia cho 10.000m2 đất thì trung bình,
mỗi m2 đất chỉ thu được 80.000đ/tháng, có lẽ chỉ đủ để trả lương nhân công là
cái giá quá rẻ để hy sinh đất công viên. “Tại sao lại chọn một bài toán kinh
tế như thế? Ai được lợi?” – phóng viên báo Người Hà Nội hỏi.
Không làm gì trên mặt đất
Trả lời những câu hỏi trên, đại diện Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết đây mới là những giải pháp đề xuất, còn chờ các cơ quan của Thành phố quyết định.
Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội
Nguyễn Văn Thịnh cũng khẳng định, khu đất này chỉ làm bãi đỗ xe phần ngầm,
còn phần nổi tiếp tục đầu tư trồng cây xanh.
“Chúng ta không lo mất hơn 10 nghìn m2
đất. Chúng ta chỉ xây dựng bãi đỗ xe phần ngầm, phục vụ cho nhu cầu của người
dân, còn trên mặt đất vẫn là công viên, cây xanh phục vụ miễn phí cho người
dân.” – ông Thịnh khẳng định.
Cũng theo ông Phó Chánh Văn phòng UBND
Thành phố, phần trồng cây xanh ở trên, có thể giao cho Công ty công viên cây
xanh, cũng có thể giao cho một đơn vị khác nhưng “không dại gì mà di dời
khách sạn SAS để bây giờ lại xây thêm một công trình khác."
Trước đó, Công ty Khai thác điểm đỗ xe
Hà Nội đề xuất, khu đất hơn 10.000m2 thu hồi từ dự án khách sạn SAS trong
công viên Thống Nhất, mặt đường Lê Duẩn sẽ dùng làm bãi đỗ xe ngầm, trong đó
chỉ riêng đường giao thông dành cho xe ô tô đã chiếm 2.230m2, lại thêm 250m2
nhà điều hành và 266m2 cho “công trình phụ trợ khác.
Thêm vào đó, dù nói rằng đây là dự án bãi đỗ xe ngầm kết hợp cây xanh, nhưng có thêm phần “và dịch vụ vui chơi giải trí”, điều này càng khiến dư luận lo ngại sự biến tướng khi sử dụng khu đất này. Hầu hết các ý kiến của người dân đều cho rằng, cần trả lại khu đất cho Công ty Công viên cây xanh quản lý để chắc chắn đây vẫn là đất công cộng.
(Theo VnMedia) Tuệ Khanh
|
Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét