Cụ ông tuổi 90 thiết tha được kết hôn
Cập nhật lúc 14:29
Ông 90 tuổi, bà nhỏ
hơn ông 29 tuổi, muốn đăng ký kết hôn để tình yêu của họ được sống đúng pháp
luật nhưng phường chưa thể giải quyết.
Ông rưng rưng chia sẻ: “Tôi ở
với bà nhà tôi gần 10 năm nay nhưng chưa đăng ký kết hôn được, trong lòng tôi
rất buồn. Tôi là một đảng viên, tôi muốn mình sống theo đúng pháp luật, được
pháp luật thừa nhận. Chúng tôi không còn nhiều thời gian nữa”.
Ông tên là PVB, nhà ở phường 1,
quận 8 (TP.HCM), là thương binh 3/4 và đã có 67 năm tuổi Đảng.
Thương nhau ở tuổi gần đất xa trời
Theo những hàng xóm ở gần nhà,
ông B. là người hiền hậu, gương mẫu, gia đình hòa thuận. Nhưng mọi việc bắt
đầu trở nên rắc rối khi cách đây gần chục năm, ông B. muốn tái hôn với một
phụ nữ nhỏ hơn mình 29 tuổi.
Hằng ngày, ông B. vẫn minh mẫn
ngồi đọc sách trong căn nhà nằm trong một con hẻm. Ông trìu mến nói về người
bạn đời của mình là bà HTC, quê Kiên Giang: “Bà nhà tôi chăm tôi rất kỹ
lưỡng, nếu không có bả chắc tôi không được vầy đâu”.
Nói về mối duyên muộn của mình,
ông B. cho biết cách đây mười mấy năm, bà C. từ quê lên thành phố tìm việc
làm. Ông gặp và biết về hoàn cảnh của bà là hay bị chồng đánh đập, nhiều lần
bị đưa ra địa phương nhắc nhở nhưng cuối cùng người chồng cũng đuổi bà C. ra
khỏi nhà. Ban đầu, ông B. đưa bà C. về nhà để bà giúp việc nhà. Sau đó ông
xin cho bà làm công nhân.
Cách đây hơn 10 năm, vợ trước
của ông B. mất, ông B. sống thui thủi một mình, buồn bã, sức khỏe sa sút. Các
con ông đều ở riêng với con cháu, thỉnh thoảng tranh thủ ghé thăm cha.
Ông B. và bà C. đã bên nhau gần 10 năm nay, họ
rất muốn được đăng ký kết hôn. Ảnh: H.MINH
Một hôm, ông tìm đến chỗ bà C.
làm việc, nhờ bà quay lại giúp việc nhà.
Ông kể: “Tôi lớn tuổi, không ăn
uống được gì nhiều. Nhưng bà ấy nấu ăn rất ngon. Từ hồi bà ấy nấu ăn, mỗi bữa
tôi ăn được hết một chén cơm. Rồi một tay bà ấy thuốc thang, lo lắng cho tôi
từng bữa ăn, giấc ngủ”.
Sự chăm sóc ân cần của bà C.
giúp sức khỏe của ông tốt dần lên. Sự quan tâm, chăm sóc giữa bà và ông đã
dần chuyển sang tình bạn rồi dày lên thành tình nghĩa vợ chồng.
Bà C. nói: “Ông ấy rất tử tế.
Chưa bao giờ tôi thấy ông ấy la lối ai, nói gì cũng nhẹ nhàng, từ tốn. Tôi
chưa bao giờ gặp được người tốt như vậy nên tôi đồng ý làm bạn với ông ấy
suốt đời”.
Khi quyết định đến với bà C.,
ông đã báo cáo với chi bộ Đảng nơi ông sinh hoạt. Ông tâm tư: “Bà ấy chịu khổ
nhiều rồi. Tôi không muốn bà ấy về làm vợ tôi mà không được pháp luật thừa
nhận. Nhiều người nói tôi già rồi, đăng ký kết hôn làm chi nữa. Nhưng tôi là
đảng viên, tôi muốn làm gì cũng phải rõ ràng, đúng pháp luật”.
Tuy nhiên, quyết định của ông đã
ngay lập tức bị con cháu phản đối. Nhiều người xung quanh cũng dị nghị, gièm
pha.
Nguyện vọng cuối cùng
Bà C. giàn giụa nước mắt: “Các
con ông B. không đồng ý cho chúng tôi đăng ký kết hôn vì sợ tôi lấy ông ấy để
chiếm gia tài. Tôi nói với ổng thôi không đăng ký nữa, sống vầy cũng được
rồi. Nhưng ông ấy vẫn quyết tâm ra phường đăng ký”.
Gia tài của ông hiện nay gồm căn
nhà nhỏ và khoản lương thương binh mỗi tháng 5 triệu đồng. Ông thẫn thờ: “Vợ
chồng tôi sống rất đơn giản. Tôi cũng có giàu có gì đâu để mà bà ấy lợi dụng.
Tôi buồn vì nhiều người không hiểu cho tôi. Ở tuổi này, chúng tôi còn gì đâu
mà toan tính lợi dụng nhau…”.
Con lớn của ông đã gần 70 tuổi,
con út cũng đã 60 tuổi, có con cháu đề huề. Có những lúc mâu thuẫn giữa ông
và các con trở nên gay gắt. Bà C. định bỏ về quê sống với các con cho yên
chuyện. Nhưng mấy hôm bà C. về quê, ông B. không ăn ngủ gì được, cứ ra hiên
nhà ngồi ngóng. Vài ngày như vậy, bà C. lại tất tả ngược lên thành phố lo cho
ông, sợ ông đổ bệnh.
Bà C. cũng đã có sáu người con.
Ban đầu khi biết mẹ định kết hôn với ông B., các con bà cũng phản đối dữ dội
vì sợ điều tiếng dị nghị. Nhưng rồi mấy lần gặp ông B., các con bà đâm ra quý
mến ông và không ngăn cản nữa. Họ đã hiểu được tình cảm tuổi xế chiều của mẹ
sau khi đi qua một quãng đường đời nhiều nước mắt.
Ngoài rào cản gia đình, ông bà
còn gặp phải rào cản từ thủ tục. Bà C. cho biết bà với chồng trước lấy nhau
năm 1974 và không đăng ký kết hôn. Cán bộ phường 1, quận 8 cho biết bà phải
có giấy chứng nhận đã ly hôn với người chồng trước mới đủ thủ tục đăng ký kết
hôn với ông C.
Bà về địa phương xin hướng dẫn
thủ tục cấp giấy ly hôn, cán bộ xã cho biết bà không đăng ký kết hôn thì
không xin ly hôn được. Tuy nhiên, tháng 10 vừa qua, xã Đông Thạnh B (Tân
Hiệp, Kiên Giang) đã cấp cho bà giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân là chưa
đăng ký kết hôn với ai.
Ông bà đã mang giấy tờ này đến
hỏi phường nhưng chưa được hồi đáp. Ông B. nói: “Nguyện vọng cuối cùng của
tôi là được pháp luật công nhận vợ chồng. Nhưng tôi không còn nhiều thời gian
nữa…”.
Khi ông nói tới đây, bà C. lại
khóc. Ông B. nhẹ nhàng nói: “Không sao đâu em, chắc là họ sẽ hướng dẫn giúp
cho mình thôi mà”.
(Theo Pháp luật
TPHCM) Hồng Minh
|
Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét