Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Đừng vì lợi nhuận ngành điện phá hỏng nỗ lực tăng trưởng của nền kinh tế


Giá điện đang được đề xuất tăng tới 9,5%, mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Điều này gây lo ngại cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, nó có thể phá hỏng phương án kích thích sản xuất, tăng trưởng kinh tế lấy nguồn thu bù cho phần ngân sách đang bị hụt vì giá dầu thô giảm mạnh.

Có nhiều lý do không thể và không nên tăng giá điện ở thời điểm này. Đầu tiên nó sẽ vô hiệu hóa việc xăng giảm giá hiện nay. Chúng ta đều biết, điện, xăng đều là những mặt hàng thiết yếu, có tác động mạnh đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả, yếu tố quyết định đến sức mua trên thị trường. Việc xăng giảm giá đang được coi như một cơ hội lớn để kích thích sản xuất. Các cơ quan, bộ, ngành vẫn đang nỗ lực hết sức để “bắt” cước vận tải cũng như mặt bằng giá trên thị trường phải giảm theo xăng. Vì vậy, nếu tăng giá điện lúc này thì đúng là “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế khó vẫn hoàn khó.
Thứ hai, năm nay là một năm thuận lợi của ngành điện từ chi phí, sự ổn định của tỷ giá, thủy điện nước về nhiều, giá dầu giảm mạnh... Theo logic thông thường thì với điều kiện này, điện lẽ ra nên giảm giá để hỗ trợ nền kinh tế thay vì đề xuất tăng giá như thế này. Ngành điện cũng không thể cứ "đổ" hết chuyện huy động vốn đầu tư lên giá điện. Bởi người gánh cuối cùng chính là người dân. Họ trực tiếp gánh khi trả tiền điện sử dụng hằng  ngày và gián tiếp gánh qua giá hàng hóa tiêu dùng mà các nhà sản xuất đã cộng giá điện vào trước khi đưa ra thị trường. Mà họ thì đã khó khăn, áp lực lắm rồi với đủ thứ chi phí tăng cao trong suốt mấy năm qua. Sẽ rất khó để họ nới hầu bao chi tiêu khi giá hàng hóa chưa kịp giảm lại có cớ tăng trở lại khi điều chỉnh giá điện.
Đó là chưa kể, việc không tăng giá điện từ đầu năm tới nay luôn được lãnh đạo ngành điện khẳng định là sự chia sẻ với khó khăn của nền kinh tế. Nhưng với mức đề xuất tăng tới gần 10% như nói trên thì chẳng hóa ra là, ngành này "gộp" 2 lần tăng thành một?
Giá dầu thô trên thế giới hôm qua tiếp tục giảm xuống ngưỡng mới, thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây và xu hướng này vẫn đang tiếp tục. Giá dầu thô càng giảm, ngân sách càng "phập phồng" vì dầu thô chiếm hơn 10% trong tổng thu ngân sách. Cân đối ngân sách năm 2015 cũng tính dầu thô ở mức 100 USD, cao gần gấp đôi mức giá hiện hành. Theo các chuyên gia, phương án khả thi nhất để "bù" cho nguồn thất thu này là từ hoạt động của các doanh nghiệp. Muốn vậy, trước mắt phải "giúp" họ làm ăn, sinh lời rồi mới có cái để thu. Thực tế thì rất nhiều doanh nghiệp sau khi xăng giảm giá, vận tải và một số nguyên vật liệu đầu vào giảm giá (dù chưa thực sự sòng phẳng), cộng với kỳ vọng sức mua cuối năm, đang nỗ lực để "bứt" ra khỏi trì trệ hiện tại. Nỗ lực này có thể lan tỏa và thành hiện thực...
Vậy thì không có lý do gì để điện phá hỏng nỗ lực giảm lãi suất, giảm giá xăng, giảm giá cước, giảm thủ tục hành chính... mà Chính phủ và toàn dân đang thực hiện với đề xuất tăng giá không phù hợp của mình.
(Theo Thanh niên) Nguyên Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét