Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Thu phí đường bộ: Khó chế tài chặt

Cập nhật lúc 08:20  

Không chỉ UBND phường, xã có thẩm quyền xử phạt chủ phương tiện nếu không nộp phí sử dụng đường bộ, nhiều ý kiến đề nghị thanh tra giao thông, CSGT cũng có thể tham gia kiểm tra, xử phạt

Dù còn nhiều ý kiến khác nhưng Tờ trình về  thu phí  sử dụng  đường bộ đối với xe máy từ ngày 1-1-2015 tại TP HCM  vẫn được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp bất thường lần thứ 17 TP HCM khai mạc vào hôm nay (30-12). Nếu Tờ trình này được thông qua, hơn 5 triệu xe máy hoạt động ở TP HCM phải đóng phí.
Trông chờ chế tài
Bình Chánh là huyện có số người nhập cư khá đông. Ông Nguyễn Văn Tươi,  Chủ tịch UBND huyện, cho biết công an huyện đang thống kê, khảo sát  số  xe máy trên địa bàn nhưng phải chờ hướng dẫn cụ thể từ UBND TP nếu bắt đầu triển khai thu phí từ ngày 1-1-2015. Theo ông Tươi, việc bảo đảm thu đúng, thu đủ còn phải trông chờ vào ý thức tự giác của người dân. Ngoài ra, vấn đề huyện quan tâm là biện pháp chế tài, ai thực hiện chế tài này?
Ông Trần Văn Tâm - Chủ tịch UBND phường 15, quận Tân Bình - một trong những phường có số người nhập cư nhiều nhất, nhì của quận - băn khoăn: Sẽ rất khó khi giao cho phường, xã thu phí bởi địa phương gánh rất nhiều việc. Chưa kể, cán bộ tại phường, xã thu thuế phi nông nghiệp hằng năm cố gắng lắm cũng chỉ đạt 80%, còn việc chế tài nếu giao phường, xã chưa chắc khả thi bởi người dân không thực hiện sẽ xử lý cách nào? “Ngoài trông chờ vào ý thức người dân, nên chăng TP nghiên cứu thu phí đường bộ qua xăng, dầu. Ai chạy nhiều thu nhiều, chạy ít thu ít, như vậy sẽ công bằng hơn, bảo đảm thu 100%” - ông Tâm đề nghị. 

Nếu được HĐND TP HCM thông qua Tờ trình thu phí đường bộ khi sử dụng xe máy, đây là địa phương có lượng phương tiện đóng phí nhiều nhất nước Ảnh: TẤN THẠNH
Nói về tính khả thi khi giao cho phường, xã thực hiện việc thu phí cũng như đưa ra biện pháp chế tài, một cán bộ tham gia xây dựng Đề án thu phí bảo trì đường bộ của Sở Giao thông Vận tải TP cho rằng: Tờ trình của UBND TP đã giải tỏa được  băn khoăn lớn nhất  là biện pháp chế tài nhằm bảo đảm tính công bằng, thu đúng, thu đủ (quy định phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí, lệ phí gian lận). Tuy nhiên,  khi  đặt vấn đề  lực lượng thu phí ở địa phương khá mỏng nên khó có thể giám sát hết các trường hợp không nộp phí  thì cán bộ này thừa nhận: “Đây là vấn đề khó”. Cũng theo cán bộ này, tờ trình của UBND TP nêu rõ: Phí sử dụng đường bộ sẽ trích cho phường, xã từ 10%-20%, còn lại sẽ trích cho quỹ duy tu, bảo trì hạ tầng của quận, huyện theo quy định nên đây là lợi thế lớn so với việc thu hộ thuế phi nông nghiệp và phòng chống lụt bão...
Cần hỗ trợ từ CSGT
Nhận định về Tờ trình thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy đã được UBND TP chỉnh sửa, đại biểu Lâm Thiếu Quân cho rằng  dù UBND TP đã làm rõ thêm một số vấn đề nhưng vẫn chưa giải quyết  được vướng mắc mà các địa phương khác gặp phải, đó là chế tài xử phạt không khả thi dẫn đến sự không công bằng giữa người đóng phí và không đóng phí. Đại biểu Quân cũng lưu ý số tiền thu được từ phí đường bộ năm 2014 giảm hẳn so với 2013 tại tất cả các tỉnh, thành cho thấy hiệu suất kém của phương pháp thu phí thủ công.
Dẫn chứng việc TP HCM trình phương án thu phí sau 2 năm tạm hoãn do có sự băn khoăn của các sở - ban - ngành và UBND TP, đại biểu Quân đề nghị: Tốt nhất là TP hoãn thu phí thêm ít nhất một năm nữa cho đến khi các cơ quan trung ương ban hành  các quy định về chế tài xử phạt có tính nghiêm minh hơn. Còn nếu TP nhất quyết phải thu phí, trước hết các cơ quan trung ương (Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải) cần ban hành  quy định cho phép TP hoặc ủy quyền cho các lực lượng chức năng như thanh tra giao thông, trật tự đô thị được phép kiểm tra đột xuất và xử phạt việc tuân thủ đóng phí bảo trì đường bộ đối với chủ phương tiện.
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng để thu phí đạt hiệu quả, TP không nên giao định mức tỉ lệ (tức để lại 10% tổng mức thu cho phường, xã) chi trả cho cán bộ thu phí mà nên tính theo định mức ngày công. Chẳng hạn, một cán bộ mỗi ngày thu được bao nhiêu phương tiện thì quy ra công ngày đó, hiệu quả sẽ cao hơn. Về cách chế tài, theo ông Phạm Sanh, Chính phủ nên quy định lực lượng CSGT khi kiểm tra phương tiện thì kiểm tra luôn hóa đơn đóng phí bảo trì đường bộ (quy định hóa đơn này là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có khi tham gia giao thông) và chủ phương tiện nào không có hóa đơn thì xử phạt vi phạm hành chính. “Để tạo sự đồng thuận từ người dân, TP nên phân loại người nghèo, những đối tượng đặc biệt để có chính sách miễn, giảm phí” - ông Sanh nói.
Chịu trách nhiệm thẩm định tờ trình, ông Phạm Văn Đông - Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HÐND TP -  cho biết các thành viên của ban đã thẩm tra lần 2 tờ trình của UBND TP song điều mà Ban Kinh tế và Ngân sách vẫn còn băn khoăn là việc  giao UBND phường, xã, thị trấn tổ chức thu phí, do đó nội dung này sẽ được tiếp tục thảo luận lấy ý kiến tại kỳ họp HĐND TP ngày 30-12. 
UBND TP HCM  trình lần thứ 3
Sau khi trình lần thứ 2 Tờ trình tổ chức thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với mô tô trên địa bàn TP HCM, ngày 27-12, UBND TP lại có tờ trình lần thứ 3 với một số nội dung điều chỉnh.  Theo tờ trình này, học sinh, sinh viên vẫn phải đóng phí sử dụng đường bộ khi đi xe máy, khác với tờ trình lần thứ 2 quy định đối tượng này được miễn đóng phí bảo trì đường bộ.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm,  Chủ tịch HĐND TP,  nhấn mạnh  tại  kỳ họp HĐND TP mới đây:  “Các địa phương khác đã triển khai nên TP HCM không thể trì hoãn nữa nhưng thu như thế nào bảo đảm công bằng, thu đúng, thu đủ là vấn đề cần bàn thêm”.
(Theo Người LĐ) THU HỒNG - PHAN ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét