Dự án metro số 1: Thương lượng không được, cưỡng
chế không xong
Cập nhật lúc 09:15
Khu đất bị giải tỏa của Cty Vĩnh Phát.
Dự
án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đứng trước nguy cơ nhà thầu Nhật
Bản sẽ phạt… 2,5 tỉ đồng/ngày do Cty TNHH Vĩnh Phát chưa giao mặt bằng. Thế
nhưng, cơ quan chức năng cũng ngán ngại khi DN “xin” ứng 10 tỉ đồng thực hiện
di dời, bởi hàng trăm máy móc, thiết bị nặng hàng chục tấn nằm trên mặt bằng
này. Còn phía Cty Vĩnh Phát mong được làm việc trực tiếp với chủ đầu tư TPHCM
để tìm giải pháp tốt nhất…
Quy trình bồi thường sai sót?
Theo bà Nguyễn Thị Lương - GĐ Cty Vĩnh Phát - hồ sơ bồi
thường 20.000m2 đất mặt tiền đường xa lộ Hà Nội cho Cty Vĩnh Phát của UBND
thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương (BD), đã thể hiện một số vấn đề sai sót. Cụ
thể: UBND tỉnh BD ban hành Quyết định số 3552, ngày 21.12.2012, về việc thu
hồi đất của Cty Vĩnh Phát; thế nhưng, mãi đến ngày 29.7.2014, phòng TNMT thị
xã Dĩ An mới công bố, giao cho bà Lương.
Trong khi đó, trước đây khi tiếp xúc với Cty, đại diện
UBND thị xã Dĩ An giải thích khi cơ quan chức năng gửi quyết định thu hồi đất
tới Cty thì phía Cty nói bà Lương đi vắng và không chịu ký nhận, sau đó quyết
định này đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND P.Bình Thắng theo đúng
quy định. Về áp giá bồi thường, bà Lương cho biết: “Ngày 21.12.2012, tỉnh BD
ra quyết định thu hồi đất, bồi thường 52 tỉ đồng cho cả khu đất, tài sản trên
đất (gần 20.000 m2). Tôi khiếu nại, cứ mỗi lần khiếu nại, người ta lại điều
chỉnh quyết định bồi thường, bổ sung tiền…
Qua nhiều lần điều chỉnh trong vòng 1 năm (từ
ngày 5.4.2013- 9.7.2014), số tiền bồi thường mới được nâng từ 52 tỉ đồng lên
125,1 tỉ đồng. Đến giờ này, tôi cũng không hiểu người ta bồi thường cho DN
theo luật lệ nào, giá đất năm nào, mà phải tới 7 lần điều chỉnh, bổ sung? Mặt
khác, quyết định thu hồi áp vào đất của DN nằm trong 3 dự án: Metro số 1, bến
xe miền Đông mới và mở rộng xa lộ Hà Nội. Chúng tôi yêu cầu cho DN biết dự án
đã được phê duyệt, phương án bồi thường… của từng dự án, như luật định, thì
không ai cung cấp…”.
Bên cạnh đó, ngày 28.11.2014, Văn phòng Chính phủ đã ra
công văn số 9532, chỉ đạo UBND tỉnh BD phải giải quyết khiếu nại của Cty Vĩnh
Phát theo quy định pháp luật; song đến nay, vẫn chưa giải quyết… Chính vì
nhiều vướng mắc như trên mà Cty Vĩnh Phát chưa thể giao mặt bằng theo đúng quy
định luật pháp.
Cưỡng chế hơn 400 “cục sắt”, không dễ dàng
Ngày 8.12.2014, UBND thị xã Dĩ An ra quyết định số 7286,
cưỡng chế thu hồi đất của Cty Vĩnh Phát. Tuy nhiên, việc cưỡng chế trên không
dễ dàng, khi Cty Vĩnh Phát là DN kinh doanh xe cơ giới hạng nặng như: Xe xúc,
xe lu, xe đào đất, xe móc đất, cần cẩu… đã qua sử dụng. Trên mặt bằng rộng
gần 20.000 m2 của Cty Vĩnh Phát hiện ngổn ngang trên 400 xe cơ giới, thiết bị
máy móc; với mỗi xe có trọng lượng từ 50 – 70 tấn…
Cty Vĩnh Phát cho biết, Cty không còn khu đất nào khác để
chứa hết 400 xe cơ giới “khủng” này. Theo Cty Vĩnh Phát, DN đã hợp tác với
Cty TNHH Vĩnh Phú - trụ sở Km số 8 đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, thuộc
xã Quang Minh, huyện Mê Linh, TP.Hà Nội. Nếu cơ quan chức năng hỗ trợ DN di
dời toàn bộ 400 xe “khủng” này ra Hà Nội, Cty Vĩnh Phát sẽ chấp nhận thương
thảo giao mặt bằng sớm… Song, Cty Vĩnh Phát đề nghị tạm ứng trước 10 tỉ đồng
cho chuyện di dời trên thì chính quyền thị xã Dĩ An… không đáp ứng.
Trong khi đó, một chuyên gia về cơ giới cho rằng, việc di
dời 400 xe “khủng” (trọng lượng từ 50 – 70 tấn/xe) từ tỉnh BD ra Hà Nội là
điều rất khó khăn, tốn kém; bởi di dời bằng xe chuyên dùng hay bằng đường
thủy, chỉ có thể vận chuyển 1 chiếc là hết hơi. Đằng này, hơn 400 chiếc, nếu
chở hết ra Hà Nội, phải… cả năm. Trong lúc đó, nếu chính quyền cho lực lượng
hùng hậu xuống cưỡng chế cũng… “bó tay”, nếu không có xe chuyên dụng, cần cẩu
hạng nặng và…. mặt bằng để cho 400 xe “khủng” an tọa.
Ngày 22.12, trả lời PV Lao Động xung quanh chuyện chậm trễ
giao mặt bằng của Cty Vĩnh Phát, ông Lê Khắc Huỳnh - Phó GĐ Ban Quản lý dự án
đường sắt đô thị TP HCM - cho biết: “Đúng là phía đối tác Nhật Bản có đưa ra
mức phạt 2,5 tỷ đồng/ngày đối với VN, nếu gây chậm trễ dự án. Tuy nhiên, tình
hình cũng không đến mức căng thẳng vậy. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thương
lượng với phía Nhật để điều chỉnh quy định khắt khe trên cho linh hoạt, dễ
chịu hơn.
Còn hiện nay, việc thi công dự án metro số 1 Bến Thành –
Suối Tiên là rất tốt”. Riêng bà Nguyễn Thị Lương, thì bày tỏ mong muốn được
làm việc trực tiếp với chủ đầu tư TP HCM để tìm giải pháp tốt nhất, không gây
ảnh hưởng dự án metro, đảm bảo cho DN không bị thua thiệt.
(Theo Lao động) CAO HÙNG
|
Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét