Xuất siêu: Việt
Nam
vẫn mất nhiều hơn được
Cập nhật lúc 14:11
(Thị trường) -
Nếu cứ vậy chúng ta sẽ phải chấp nhận “kiếp làm thuê” với đồng thù lao rẻ mạt
và kinh tế Việt Nam
sẽ khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
PGS.TS Lê Xuân
Trường, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) trao đổi với Đất Việt về thành tích
xuất siêu của Việt Nam.
PV: -
Năm 2014, Việt Nam
giữ vững thành tích xuất siêu 3 năm liên tiếp. Theo Tổng cục thống kê, tính
chung 11 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 137 tỷ USD,
trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 44,8 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư
nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 92,2 tỷ USD. Ông đánh giá thế nào về bức tranh
kinh tế Việt Nam
qua thành tích xuất siêu này? Nó phản ánh điều gì?
PGS.TS Lê Xuân
Trường: - Chỉ
mới dựa vào xuất siêu thôi thì chưa thể đánh giá toàn diện bức tranh kinh tế
Việt Nam
được. Tuy nhiên, xuất siêu phản ánh một mảng quan trọng trong bức tranh kinh
tế Việt Nam
thời gian qua. Đặc biệt, nếu không có gì đột biến thì đây là năm thứ 3 liên
tiếp kinh tế Việt Nam
xuất siêu.
Cái lợi của
xuất siêu là chúng ta không phải lo thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế. Xuất
siêu vừa cho thấy những tín hiệu đáng mừng vừa cho thấy những vấn đề cần giải
quyết.
Đáng mừng ở chỗ
xuất siêu chứng tỏ nền sản xuất trong nước tăng trưởng, các sản phẩm trong
nước đã đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường nước ngoài và phần nào phản ánh
Việt Nam đã tham gia tích cực hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Số liệu thống
kê về sản xuất trong nước ủng hộ cho lập luận này.
Theo đó, trong
11 tháng đầu năm 2014, chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,5%. Những
mặt hàng sản xuất tăng mạnh là điện thoại di động; giầy dép; sữa tươi, vải
dệt từ sợi tự nhiên. Một số mặt hàng tăng khá là: điện sản xuất tăng 12,3%;
tivi tăng 11,0%; quần áo mặc thường tăng 10,3%; thủy hải sản chế biến tăng
10,0%.
Tuy nhiên, có
những mảng tối trong bức tranh kinh tế nếu xét sâu cấu trúc của xuất siêu.
Theo đó, xuất siêu thuộc về khu vực FDI (Xuất khẩu 92,2 tỷ USD, nhập khẩu
76,7 tỷ USD); khu vực kinh tế trong nước thậm chí còn nhập siêu (Xuất khẩu
44,8 tỷ USD, nhập khẩu 58,3 tỷ USD). Hơn nữa, vài năm gần đây xuất siêu ở khu
vực FDI tăng là do các doanh nghiệp FDI lớn đang ở vào độ chín của một số dự
án đầu tư, đó là kết quả của việc nhập siêu máy móc thiết bị những năm trước
trong giai đoạn đầu tư chưa ra sản phẩm. Trong những năm tới khi đã hết giai
đoạn tăng công suất của những dự án lớn do các doanh nghiệp FDI đầu tư thì
khả năng nhập siêu hoàn toàn có thể xảy ra.
Thực ra, tín
hiệu đáng mừng không phải nằm ở xuất siêu mà nằm ở sự gia tăng đáng kể cả về
kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu. Nó chứng tỏ kinh tế Việt Nam đang hội
nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Đây chính là cơ hội để
Việt Nam
phát huy các lợi thế so sánh để phát triển kinh tế đất nước, phát huy các
nguồn lực trên cơ sở tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn
cầu, chuỗi giá trị toàn cầu.
|
Việt Nam
mất nhiều hơn được với nền sản xuất gia công toàn diện
|
PV: - Ở
chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 11 tháng năm nay ước tính đạt
135 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 76,7 tỷ USD; khu vực
kinh tế trong nước đạt 58,3 tỷ USD. Các loại hàng hoá nhập khẩu như máy
móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may, giày dép, vải, chất
dẻo... trong 11 tháng đều có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu
phục vụ cho khu vực FDI. Đây có phải là minh chứng cho nền sản xuất gia công
toàn diện? Việt Nam
nhận được gì từ nền sản xuất này?
PGS.TS Lê Xuân
Trường: - Một
phần nào đó số liệu này cho thấy Việt Nam đang là nền sản xuất gia công là
chủ yếu, mà lại là gia công những công việc không có hàm lượng giá trị gia
tăng cao, gia công chủ yếu dựa trên giá nhân công rẻ.
Đặt số liệu kim
ngạch nhập khẩu và xuất khẩu của những mặt hàng có mối quan hệ với nhau sẽ
thấy rõ điều này: Trong khi kim ngạch xuất khẩu dệt may 11 tháng năm nay là
19,2 tỷ USD, giầy dép là 9,2 tỷ USD thì kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị
và phụ tùng khác là 20,5 tỷ USD, vải 8,7 tỷ USD, nguyên phụ liệu dệt may và
giầy dép là 4,3 tỷ USD. Tất nhiên, số liệu trên chưa bóc tách rõ đối tượng và
mục đích nhập khẩu máy móc thiết bị và vải nhưng một phần không nhỏ trong số
đó liên quan đến gia công quần áo và giầy dép xuất khẩu.
Với một nền sản
xuất chủ yếu là gia công cho nước ngoài ở khâu có giá trị gia tăng thấp (cắt
may, lắp ráp…) thì chúng ta có cả được và mất nhưng mất nhiều hơn được.
Những cái được
ở đây là: (i) Tạo công ăn việc làm và thu nhập cho
người dân;(ii) Tạo tác phong
làm việc công nghiệp và rèn kỹ năng lao động với máy móc và công nghệ hiện
đại cho người lao động; (iii) Nếu có hành lang pháp lý tốt, cơ chế
quản lý phù hợp thì có thể thu hút được công nghệ và máy móc hiện đại và giúp
doanh nghiệp Việt Nam học hỏi được kinh nghiệm quản lý sản xuất, kinh doanh
tiên tiến; (iv) Nếu tận dụng tốt thời cơ sẽ phát
triển được các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, cái
mất và có thể tiếp tục mất cũng rất nhiều, đó là: (i) Thực tế đã xảy ra và có thể tiếp tục
xảy ra tình trạng doanh nghiệp FDI chỉ chuyển sang Việt Nam công nghệ cũ để
tận dụng nhân công giá rẻ và chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nên
biến Việt Nam thành bãi rác thải công nghệ thế giới; (ii) Hậu quả tiếp theo của công nghệ lạc
hậu là ô nhiễm môi trường; (iii) Sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên
của đất nước; (iv) Nếu không có cách thức phù hợp thì
không học hỏi được kinh nghiệm quản lý kinh doanh tiên tiến của nước ngoài; (v) Bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy sản xuất trong
nước vươn lên và cơ hội lựa chọn những khâu có giá trị gia tăng cao trong
chuỗi giá trị toàn cầu.
PV: -
Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể
cả dầu thô) xuất siêu ở mức khá cao với 15,54 tỷ USD, khu vực trong nước tiếp
tục nhập siêu với 13,48 tỷ USD. Những con số này thể hiện điều gì, thưa ông?
PGS.TS Lê Xuân
Trường: - Điều
này phản ánh mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chung của nền kinh tế
tăng nhưng chủ yếu ở khu vực FDI chứ không phải khu vực kinh tế trong nước.
Các doanh nghiệp Việt Nam
vẫn còn rất nhiều việc phải làm để vươn ra biển lớn.
PV: -
Nhìn tổng quan, sản xuất hàng xuất khẩu chủ yếu từ doanh nghiệp FDI, xuất
khẩu chủ yếu xuất thô, đáp ứng nhu cầu trong nước là các tập đoàn đa quốc
gia. Phải nhìn nhận tín hiệu báo động này đối với nền kinh tế Việt Nam như
thế nào, đặc biệt khi thời điểm hội nhập hoàn toàn theo các thỏa thuận kinh
tế đang tới gần?
PGS.TS Lê Xuân
Trường: - Điều
này cho thấy khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế của doanh nghiệp
Việt Nam
còn thấp. Nếu không có giải pháp vĩ mô phù hợp và các doanh nghiệp Việt Nam không
nhận thức rõ nguy cơ này thì chúng ta không chỉ không mở rộng được thị trường
xuất khẩu ra nước ngoài mà còn thua ngay trên sân nhà. Đương nhiên, nếu cứ
như vậy chúng ta sẽ phải chấp nhận “kiếp làm thuê” với đồng thù lao rẻ mạt và
nền kinh tế Việt Nam
sẽ khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình như nhiều chuyên gia kinh tế đã
cảnh báo.
PV: - Theo đồng hồ nợ công toàn
cầu trên trang The Economist.com, tính đến 9 giờ ngày 14/10, nợ công của Việt
Nam ở mức trên 84,607 tỉ USD. Bình quân nợ công theo đầu người là 933,41
USD/người. Nợ công chiếm 47,3% GDP, tăng 10,6% so với năm 2013. Báo cáo của Bộ
Tài chính cho hay, nợ công đến cuối năm 2014 khoảng 60,3% GDP và dự kiến đỉnh
nợ sẽ vào năm 2016 với khoảng 64,9% GDP.
Thưa ông, Việt
Nam sẽ trả nợ bằng cách nào khi chỉ là nơi gia công để tận dụng giá công nhân
rẻ mạt trong khi doanh nghiệp trong nước không được chuyển giao công nghệ,
không làm được những công đoạn đơn giản nhất? Liệu người dân Việt Nam có phải
làm thuê trên chính đất nước mình hay không?
PGS.TS Lê Xuân
Trường: - Kinh
tế tăng trưởng là nền tảng để nâng cao đời sống nhân dân và là cơ sở vững
chắc để sự đầu tư của Nhà nước ở hiện tại cho kết quả tăng thu ngân sách nhà
nước trong tương lai để từ đó có tiền trả nợ công. Đương nhiên, Nhà nước ta
đã nhận thức được nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình nên đã và chắc chắn
sẽ có nhiều chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào những
công đoạn có giá trị gia tăng cao của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chẳng hạn như,
gần đây Nhà nước đã có chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên
cứu phát triển; có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển công nghiệp
hỗ trợ… Tất nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo phát huy tốt nhất
lợi thế so sánh của đất nước, đảm bảo kinh tế tăng trưởng bền vững, trong đó
trọng tâm là các vấn đề: Chống tham nhũng để nâng cao hiệu lực và hiệu quả
của bộ máy nhà nước để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; nâng cao hiệu quả
và chống thất thoát trong đầu tư công; tiếp tục minh bạch hóa hơn nữa hệ
thống pháp luật; tăng cường trách nhiệm giải trình của Nhà nước; giáo dục đạo
đức kinh doanh và văn hóa kinh doanh…
Nếu những việc
đó được làm tốt chúng ta sẽ là những ông chủ trên đất nước mình rồi ra nước
ngoài làm ông chủ hoặc có làm thuê trên đất nước của mình thì cũng làm thuê
những công việc có giá trị gia tăng cao mà thôi.
(Theo
Đất Việt) Thành Luân
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét