Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Lãnh đạo TPBank có thật sự không dính đến vụ Huyền Như?



(GDVN) -Vụ việc tại Ngân hàng TPCP Công Thương Việt Nam cơ quan điều tra xác định nguồn tiền khủng không chỉ ở các cá nhân mà đa phần từ “sân sau” của các ngân hàng.

Trong đại án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng TPCM Công Thương Việt Nam – Vietinbank do Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm thực hiện, cơ quan điều tra xác định nguồn tiền khủng không chỉ ở các cá nhân mà đa phần từ “sân sau” của các ngân hàng.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Á Châu – ACB ủy thác cho 21 cá nhân là nhân viên của mình mang tiền đi gửi tại Vietinbank với tổng số tiền 1.101 tỷ đồng; Ngân hàng Nam Việt – Navibank cho 14 cá nhân là nhân viên của mình vay tổng số tiền 1.543 tỷ đồng để đi gửi tiền tại Vietinbank; Ngân hàng Hàng Hải – Maritime Bank ủy thác 3 Công ty gồm: Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên được đi gửi tiền tại Vietinbank với tổng số tiền 2.501 tỷ đồng và Ngân hàng Tiên Phong – TPBank ủy thác cho 2 công ty là Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty Cổ phần đầu tư An Lộc gửi tại Vietinbank với tổng số tiền 1.860 tỷ đồng.
Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của công ty Phương Đông và An Lộc, bản án sơ thẩm xác định rõ như sau: khoảng tháng 8/2011, Lê Thị Thanh Phương, Giám đốc khối nguồn vốn ngân hàng TPBank chủ động điện thoại cho Như đặt vấn đề có nguồn tiền muốn thông qua 2 công ty Phương Đông, An Lộc để gửi vào Vietinbank chi nhánh TP.HCM, lãi suất theo hợp đồng 14%/năm, chênh ngoài hợp đồng 5-5,5%/năm.
Để các công ty trên tin tưởng chuyển tiền, Như đã đề xuất lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP.HCM ký hợp đồng chính thức với 2 công ty này. Để được lãnh đạo đồng ý ký hợp đồng, Như chỉ báo cáo lãi suất theo hợp đồng là 14%/năm, chênh ngoài hợp đồng 0,5%/năm thấp hơn lãi suất Như đã thỏa thuận với Phương.
Từ ngày 11/8/2011 đến ngày 12/9/2011, Công ty Phương Đông, An Lộc dù chưa ký hợp đồng nhưng đã chuyển vào tài khoản thanh toán của họ mở tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM 1.860 tỷ đồng, trong đó, Công ty Phương Đông 1.190 tỷ đồng, An Lộc 670 tỷ đồng, trong đó có 4 hợp đồng trị giá 170 tỷ đồng của An Lộc chưa ký.
Sau khi Phương Đông, An Lộc chuyển tiền theo chỉ định của Như, Như đã làm 3 lệnh chi, ký giả chữ ký của ông Nguyễn Hữu Chương, Chủ tịch HĐQT, đóng dấu giả của công ty An Lộc để chuyển 170,35 tỷ đồng từ tài khoản thanh toán được chuyển đến từ 4 hợp đồng mà An Lộc chưa ký cho Công ty Thịnh Phát 50 tỷ đồng, công ty Phúc Vinh 120 tỷ đồng để Như trả nợ. Như tự trích chuyển 380 tỷ đồng từ tài khoản thanh toán của Phương Đông cho công ty Đức Minh Quang 100 tỷ đồng, công ty Thịnh Phát 150 tỷ đồng, Công ty Phúc Vinh 130 tỷ đồng để trả nợ.
Để hợp thức hóa việc chuyển tiền của công ty Phương Đông, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Như đề nghị Vũ Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc Phương Đông ký 7 lệnh chi khống.
Huyền Như khai, trong phi vụ này, Như đã chi cho Lê Thị Thanh Phương 40 tỷ đồng tiền chênh lệch ngoài hợp đồng. Đến nay, Như mới trả được 1.310 tỷ đồng, còn lại chiếm đoạt của Phương Đông 380 tỷ đồng, An Lộc 170,35 tỷ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, sau khi nêu lên hành vi, vai trò của từng bị cáo, hậu quả của vụ án do các bị cáo gây ra… thừa ủy quyền của Viện trưởng VKSND tối cao, đại diện VKSND TP.HCM đã kiến nghị khởi tố Vũ Hồng Hạnh, nguyên Tổng Giám đốc công ty Phương Đông về hành vi giúp Như ký 7 lệnh chi khống giúp Như chiếm đoạt 380 tỷ đồng của Phương Đông. Kiến nghị lãnh đạo liên ngành tố tụng hình sự Trung ương xem xét trách nhiệm hình sự đối với lãnh đạo các ngân hàng Hàng Hải, Navibank, TPBank.
Bảo vệ quyền lợi cho công ty Phương Đông tại tòa sơ thẩm, luật sư đề nghị Vietinbank chi nhánh TP.HCM phải bồi thường tiền cho Tiên Phong Bank vì đây là tiền của Tiên Phong Bank giao cho công ty Phương Đông gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè bằng hình thức ủy thác đầu tư vốn.
Thế nhưng, ngay khi VKS đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự đối với lãnh đạo ngân hàng mình, TPBank đã lên tiếng bác bỏ.
Trong văn bản gửi ngày 15/1/2014, TPBank nói rằng, các vụ việc liên quan đến vụ án Huyền Như đã xảy ra từ năm 2011, lãnh đạo có liên quan trực tiếp đến vụ việc hiện đều không còn làm việc tại TPBank nữa. TPBank khẳng định các hoạt động ủy thác đầu tư của TPBank với một số công ty tại thời điểm năm 2011 là hợp pháp, đúng qui định pháp luật…
Mặc dù TPBank luôn chối bỏ trách nhiệm của mình đối với khoản tiền 1.860 tỷ đồng nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư Trương Xuân Tám, bảo vệ cho quyền và lợi ích của Vietinbank đã đề nghị khởi tố vụ án “Cố ý làm trái tại TPBank” để làm lành mạnh hoạt động kinh tế ngân hàng.
Theo phân tích của luật sư, mục đích của TPBank là hưởng lãi suất vượt trần quy định với sáng kiến lách luật là “bơm tiền ra các công ty sân sau” để gửi vào tổ chức tín dụng khác.
Trong vụ án này, việc xác định giữa TPBank với An Lộc, Phương Đông, ai là bị hại và trách nhiệm giữa các bên cũng khá đơn giản. Bởi theo lời khai của Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty An Lộc khi làm việc với CQĐT ngày 6/1/2012 thì: “Toàn bộ việc đàm phán, giao dịch thỏa thuận, soạn thảo các hợp đồng đều do TPBank thực hiện, thực chất việc này TPBank gửi vốn thông qua Quỹ Lộc Việt, Công ty Đức Minh Quang và Công ty An Lộc để chuyển tiền vào Vietinbank. Họ đã thực hiện giao dịch trước với nhau, sau đó thông qua chúng tôi để ký các hợp đồng, chúng tôi không có giao dịch gì với Vietinbank”.
Thông qua bản án của phiên tòa sơ thẩm (từ 6 - 27/1/2014) và diễn biến phiên tòa phúc thẩm đang diễn ra, không khó để nhận thấy những bị hại trong vụ án là cá nhân, tổ chức “sân sau” của một vài ngân hàng, trong đó có TPBank. 
TPBank đã thông qua các hợp đồng môi giới đặt cọc mua chứng khoán, hợp đồng tư vấn quản lý danh mục đầu tư… để chuyển tiền cho công ty trung gian, chỉ định họ mở tài khoản và ký hợp đồng gửi tiền vào Vietinbank với lãi suất vượt trần. Hành vi này đã vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động Ngân hàng. Theo lời khai của Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty An Lộc như đã nêu ở trên thì hành vi này đều có sự đồng thuận, nhất trí từ chủ trương đến phương thức thực hiện của cấp lãnh đạo cao nhất.
Cũng chính vì hành vi tương tự mà Nguyễn Đức Kiên, các thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đã bị kết án về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 
Trong khi đó, lãnh đạo của TPBank vẫn thoát trách nhiệm là điều khiến dư luận đặt nhiều sự hoài nghi.
Việc TPBank ủy thác cho các “sân sau” gửi tiền vào Vietinbank thực chất là kiếm lời, trục lợi từ sự chênh lệch lãi suất, kinh doanh trên lưng của các ngân hàng khác. Với kiểu “ngồi mát xơi bát vàng” bất chấp pháp luật như TPBank nếu không xử lý triệt để thì chắc chắn sẽ xói mòn niềm tin cho các tổ chức tín dụng khác đang hoạt động kinh doanh lành mạnh, tuân thủ đầy đủ pháp luật; tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường tiền tệ và phá vỡ mục tiêu điều hành chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
(Theo Giáo dục VN) NGÔ KHÔI NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét