Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

14:01

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về lòng tin ở Biển Đông
"Để gìn giữ hòa bình, Việt Nam khẳng định làm tất cả, vì một Biển Đông không tiếng súng, song sẵn sàng tự vệ và minh bạch với thế giới từ Sách trắng Quốc phòng 2009 cho tới công bố việc mua tàu ngầm Kilo, hệ thống S 300, máy bay Su-30..." - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Thứ trưởng Quốc phòng chia sẻ.
Trong bài phỏng vấn nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ trên báo Nhân dân, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã chia sẻ về thời cuộc, đối thoại quốc phòng, về người cha..., đặc biệt là những suy nghĩ về lòng tin ở Biển Đông.
Ông nói: “Thế giới giờ ít cái mới. Ðúng lại thường cũ. Mới chưa chắc đúng. Mới như cái gọi “Ðường chín khúc” thì sai quá, chả ai chấp nhận được. “Lòng tin chiến lược” là mới và đúng...”.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: "Hợp tác nếu thiếu lòng tin thì không thể thành công. Để xử lý bất đồng, xung đột, thiếu lòng tin lại càng không thể.
Với vấn đề Biển Đông, điều quan trọng nhất là xây dựng lòng tin, cao hơn là lòng tin chiến lược. Rằng các quốc gia không định sử dụng sức mạnh quân sự, không tuyên bố và hành xử bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế.
Khi đã không tin, lòng tin sẽ sứt mẻ. Đã sứt mẻ thì cứ vỡ dần, tạo ra hiệu ứng đô-mi-nô mất lòng tin. Cho nên, giữa chúng ta với các quốc gia liên quan, quan trọng nhất là phải xây dựng lòng tin chính trị.
Mà quan trọng trước hết là chúng ta thực lòng muốn có quan hệ hợp tác, hữu nghị với Trung Quốc, muốn nhìn thấy Trung Quốc XHCN phát triển không đe dọa nước nào; tôn trọng, hợp tác với Việt Nam cùng phát triển, để trở thành những quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Chỉ có độc lập tự chủ và chủ quyền lãnh thổ là không nhân nhượng"

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh 
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
"Khi chúng ta công khai, minh bạch vấn đề Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa với thế giới, lắng nghe ý kiến cộng đồng quốc tế trên các diễn đàn song phương và đa phương thì không thể nói là "quốc tế hóa", "lôi kéo nước này chống nước kia được". Đó là luận điệu, hay là cách suy diễn sai lầm" - ông Vịnh nói rõ.
Nói về vai trò của truyền thông trong nước với hoạt động ngoại giao nói chung, đối ngoại quốc phòng nói riêng, Thượng tướng cho biết: 'Trong khoảng ba năm qua, truyền thông đã truyền đạt chính xác những gì chúng ta muốn nói, mô tả chính xác, đúng bản chất những nét lớn diễn biến tình hình.
Ngoài sự chỉ đạo, định hướng, truyền thông đã coi trọng nghiên cứu, hấp thụ chọn lọc từ truyền thông nước ngoài. Phân tích khách quan hơn, không đơn điệu, xơ cứng. Đương nhiên còn "sạn". Không tránh được, song cũng không nên quá để ý những điều đó.
Nhưng tôi mong thông tin mang chất truyền thông nhiều hơn. Khi Trung Quốc thành lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, nó sát sườn tới Biển Đông.
Nó là phép thử, theo tôi nó còn nguy hiểm hơn cả “đường chín khúc”, vì luật hàng không thế giới chặt hơn luật hàng hải rất nhiều. Vào vùng biển quốc tế, anh có thể đăng ký hay không đăng ký, nhưng anh bay qua FIR của nước nào đó thì phải xin phép.
Thí dụ như bầu trời Việt Nam mà ông đặt "Vùng nhận dạng phòng không" của ông trùm lên trên, tức là máy bay từ Hà Nội đi ra Biển Đông bay vào TP Hồ Chí Minh phải xin phép ông, thì tôi chết! Nguy hiểm thế! Truyền thông phải khách quan, sắc sảo vạch ra, chỉ rõ những cái đó".
Khi được hỏi lại về những phát biểu  "Việt Nam không chấp nhận "hòa bình lệ thuộc", "hòa bình của chúng ta không phải là cầu hòa", Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh giải thích thêm: "Khi không có được đường lối độc lập tự chủ thì hòa bình đó, nếu có, là thứ hòa bình lệ thuộc. Tôi luôn nói độc lập tự chủ, chủ quyền lãnh thổ. Vế đầu về đường lối. Vế sau về lãnh thổ. Mất độc lập tự chủ là mất luôn chủ quyền lãnh thổ. Tự quyết định vận mệnh dân tộc là một giá trị không thể so sánh, không thể đánh đổi".
Và để "ngăn chặn thỏa hiệp trên lưng ta, khi mà trong quan hệ quốc tế, đỉnh cao xung đột là thỏa hiệp", theo ông Vịnh, khi xung đột đến đỉnh cao, các nước lớn đều tính lợi ích riêng. Hoặc phải hy sinh lợi ích này để tìm kiếm lợi ích khác. Hoặc hy sinh những nhân tố khác ảnh hưởng tới lợi ích của họ.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, "toàn cầu hóa rồi, bất cứ hai quốc gia nào mà có chuyện thì thế giới cũng không yên".
Mai Thùy (Lược theo Báo Nhân dân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét