TS Nguyễn Văn Vịnh:
Những "thỏa thuận
ngầm" tạo tiến sĩ giấy
Cập nhật lúc 09:42
(Quan điểm)
- “Từ chỗ tiến sĩ phân phát học hàm, mang tính chất ban phát, thậm chí có dấu
hiệu tiêu cực mua bán đến giấc mơ về ‘võng anh đi trước, võng nàng theo
sau,vinh quy bái tổ’,chuộng hư danh nên đôi khi khiến việc học không thật”.
TS Nguyễn Văn
Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và phát triển, Phó viện
trưởng Viện Công nghệ giáo dục đã đưa ra góc nhìn của mình về tình trạng ngày
càng nhiều 'tiến sĩ giấy'.
Những đề tài
tiến sĩ khó hiểu
Vốn là người
tham gia giảng dạy ở trường đại học Đại học Hà Nội, tiến sĩ triết học Nguyễn
Văn Vịnh biết rõ cái gọi là 'tiến sĩ giấy' thời nay như thế nào.
Khi được đề
nghị đưa ra góc nhìn của mình trước dư luận cho rằng ngày càng nhiều 'tiến sĩ
giấy' được sinh ra, không giúp ích cho đất nước, TS Vịnh đã luận giải bằng
nhiều dẫn chứng cụ thể.
Theo đó, ông
đưa ra tên một đề tài để thấy được cái gọi là ‘cao siêu’ của một vị bảo vệ
luận án tiến sĩ. Đó là: “Đề xuất các cán bộ lãnh đạo cấp huyện trở lên phải
luôn luôn được nâng cao tư duy biện chứng”. Rồi tác giả cũng đề xuất mỗi
huyện phải có phòng luyện tập cho tư duy biện chứng, giống như nhà văn hóa để
luyện tập thể thao.
“Đề tài rất
buồn cười và khó hiểu như vậy nhưng vẫn được thông qua và chủ nhân của đề tài
nay đã trở thành một người rất quan trọng”, TS Vịnh cho biết.
TS Vịnh cũng
nói thẳng, đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam lúc thì rất chặt, thi cử toát mồ hôi,
lúc thì lại rất lỏng, thậm chí còn dễ hơn cả thi cao học. Nghĩa là cứ học
xong đại học có thể làm tiến sĩ mà chỉ cần có 2 giáo sư giới thiệu và có đề
cương cộng với tiêu chuẩn ngoại ngữ là xong.
Lý giải về tình
trạng này, TS Vịnh cho rằng có 2 nguyên nhân.Thứ nhất là dấu vết của xã hội
truyền thống Việt Nam ăn sâu vào trong tiềm thức người Việt. Trong xã hội
truyền thống thì con đường duy nhất là đi học, thi đỗ và làm quan. Không làm
quan được thì mới đi làm các công việc khác như làm thầy giáo, thầy thuốc.
Nhưng con đường tiến thân cao nhất vẫn là làm quan.
“Giấc mơ về
võng anh đi trước, võng nàng theo sau,vinh quy bái tổ vẫn là ước vọng trong
tuyền thống văn hóa Việt. Do chuộng hư danh nên đôi khi khiến việc học không
thật. Từ mục đích đó nên hệ thống đào tạo thường hướng tới cốt sao thi đỗ thì
thôi chứ không phải chú tâm về học thuật. Mà đã làm quan thì học cũng vừa
phải chỉ đủ để qua các kỳ thi”, TS Vịnh nhận định.
Nguyên nhân thứ
hai là do chính sách bổ nhiệm cán bộ đòi hỏi bằng cấp. Nếu bầu bộ trưởng hay
thủ tướng thì đáng ra không cần phải là tiến sĩ. Đã là nhà quản lý thì cần
người có kinh nghiệm, khả năng tổ chức hoạt động thực tiễn. Còn tiến sĩ không
cần trong công việc quản lý. Nay lại biến thành cái cớ để thăng trượt.
“Khi đó người
ta đua nhau làm tiến sĩ. Đề tài, nội dung thì ít người làm thì nhiều dẫn đến
nội dung trùng lặp, biến báo. Khả năng kiểm soát không lớn nên các tiến sĩ
biến thành các biên tập viên, copy và paste, thậm chí còn không thèm sửa
phông chữ, còn không biết biên tập ra sao”, TS Vịnh đau xót nêu ví dụ.
Biến báo và mua
bán
Theo ông Vịnh,
từ chỗ 'tiến sĩ giấy' đến phân phát học hàm, mang tính chất ban phát, thậm
chí có dấu hiệu tiêu cực mua bán. Cho nên có những người chẳng bao giờ dạy ở
đâu, không đào tạo được ai nhưng lại đi xin giờ ở các trường, rồi hướng dẫn
cùng và hướng dẫn một, hai cao học rồi hoàn thiện hồ sơ, chạy chọt để trở
thành phó giáo sư, giáo sư. Có những người quản lý học hàm học vị đầy mình
nhưng thực ra chuyên ngành thì chẳng biết gì.
TS Vịnh cũng
nói thẳng, thực tế có chuyện đề tài tiến sĩ viết thuê khoảng 300 triệu đồng,
khoán trắng cả đầu vào đến đầu ra là 500 triệu đồng.
“Từ học giả như
vậy dẫn đến chất lượng tiến sĩ giấy thì không có gì lạ”, TS Vịnh kết luận.
Theo TS Vịnh,
trong vòng mấy chục năm vừa qua, có bao nhiêu tiến sĩ, kỹ sư, nhà chế tạo máy
lại chẳng có công trình gì đáng kể. Những máy ứng dụng tốt cho lĩnh vực nông
nghiệp toàn do nông dân nghĩ ra, từ máy gặt, máy cắt gọt củ quả, máy sấy lúa,
thái hành, băm bèo, thậm chí có cả người làm tàu ngầm, máy bay. Hay như nhà
máy cơ khí Quang Trung làm được rất nhiều máy nâng hạ có ích lợi cho xã hội
nhưng đâu cần phải là tiến sĩ.
Còn các vị tiến
sĩ thì mải mê chạy theo những đề tài, lãng phí mà không biết rồi sẽ đi về
đâu.
Nhắc lại một
công trình được cho là lãng phí, TS Vịnh dẫn trong lĩnh vực khoa học xã hội,
có công trình khoa học đầu tư nhiều tỉ đồng là giáo trình về một môn học, do
Bộ Giáo dục và Đào tạo do một nhóm cán bộ giảng dạy trường Đại học KT và
một nhóm nữa viết.
Giáo trình này
viết xong, sau 2 năm tập huấn tại các trường học, cán bộ giảng dạy đều phản
ứng rất mạnh. Lý do là vì giáo trình quá sai lầm về mặt khoa học. Không có
đối tượng, không có phương pháp. Vậy mà năm nào cũng đi tập huấn ở hàng trăm
trường đại học để rồi giữa người giảng và người nghe mâu thuẫn ngày càng căng
thẳng và dẫn đến lời qua tiếng lại như “xã hội đen”.
“Đơn giản vì
người nghe không chịu được và không ai nghe ai”, TS Vịnh nói.
Thừa nhận đang
làm việc tại một viện nghiên cứu, vẫn được thừa hưởng tiền từ ngân sách sự
nghiệp khoa học vì “là cán bộ nghiên cứu một năm phải có đề tài”, nhưng TS
Vịnh thẳng thắn: “Đây vẫn là câu chuyện phân chia nhau, phân phối về mặt tài
chính. Viện trưởng sẽ là chủ nhiệm đề tài với kinh phí lớn nhất, sau đó đến
viện phó, các cấp sau nhỏ dần và cán bộ nghiên cứu là những thành phần “ăn theo”.
Thêm vào đó có một nguyên tắc “ngầm” gần như mặc định cắt lại cho bên đầu tư
thấp nhất là 25%”, TS Vịnh nói.
Chính sự dễ dãi
“thỏa thuận ngầm” này đã dẫn đến những đề tài không nghiên cứu cũng chẳng
chết ai. Hoặc có nghiên cứu xong, nghiệm thu không đưa vào ứng dụng cũng
không ai còn nhớ đến. Và rồi những đề tài kiểu như: Xung quanh vấn đề… Thử
tìm hiểu…vẫn xuất hiện.
TS Vịnh bức
xúc: Đã nghiên cứu là nghiên cứu, phải đặt thẳng khái niệm càng chính xác
càng tốt. Đằng này thử tìm hiểu… thế nhưng qua 2 giai đoạn, các đề tài mỗi
lĩnh vực đều có một hội đồng chuyên nghiệp khen, chê rồi thông qua nhưng
chẳng để làm gì.
Nói như vậy
không có nghĩa, các nhà khoa học của chúng ta không có năng lực. Đây là câu
chuyện của việc làm thật và đầu tư nghiên cứu đến nơi đến chốn. Đã có những
công trình thực sự cần thiết và cách đầu tư cũng như chọn người thực hiện
hoàn toàn khác. Ví dụ đánh giá về nguồn lực đào tạo trong nước (bậc đại học)
hay giá cả, thị trường tiêu dùng… Những công trình liên quan đến quyền lợi
sống còn của các doanh nghiệp, họ cần thực sự nên cũng dám chi tiền thực sự.
Doanh nghiệp quan tâm, họ đặt hàng cần nhà khoa học trả lời và đã giải quyết
được.
“Phải chấm dứt
chủ nghĩa bú mớm, chạy đua bằng cấp và thắt chặt cách đào tạo thì may ra mới
dần hạn chế tình trạng này”, TS Vịnh nêu ý kiến.
(Theo Đất Việt)
Bích Ngọc
|
Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét