Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014


Bước vào chu kỳ sản xuất mới: Tăng giá xăng dầu là không hay! 
Cập nhật lúc 10:14
Chỉ một ngày sau khi giá xăng tăng vượt ngưỡng 25.000 đồng/l thị trường lại bắt đầu nóng. Các doanh nghiệp vận tải đường dài "ngó nhau” điều chỉnh giá chu kỳ kinh doanh mới. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận sẽ có một mặt bằng giá mới thiết lập trong thời gian tới. Yếu tố tác động tới mặt bằng giá chính là yếu tố tâm lý.
  
 
Dư luận lo ngại về mặt bằng giá mới sẽ được 
thiết lập trong thời gian tới. Ảnh: Hoàng Long

Nhìn nhau tính cước

Bộ Tài chính cho biết: thời gian tới tiếp tục điều hành giá điện, giá xăng dầu, giá than cho sản xuất điện, giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước điều hành, giao kế hoạch, hàng hóa dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công, hàng dự trữ quốc gia chi từ ngân sách nhà nước góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát xoay quanh mức 7%. Mặt khác, công khai thông tin về giá, điều hành giá để tạo sự đồng thuận và giám sát từ công luận. 
Theo TS Lê Đăng Doanh,  trong bối cảnh sức mua thấp như hiện nay, mức tăng giá của các nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng tới mặt bằng giá chung sẽ không quá cao. Thời gian tới nhiều hàng hóa thiết yếu khác cũng có nguy cơ tăng giá, trong đó có mặt hàng  điện đang dọa tăng giá. 

Nhưng quan trọng hơn, khi giá xăng tăng sẽ có tác động không tốt tới tâm lý người dân. Trong khi các cơ quan quản lý bàn tính chuyện tăng tổng cầu, nhiều người cũng nói nền kinh tế đang có nhiều dấu hiệu ổn định thì giá xăng dầu tăng có thể làm triệt tiêu đi những nỗ lực này. Việc tăng giá xăng chưa kịp ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 2, bởi hôm nay ngày 24-2, Tổng cục Thống kê sẽ công bố CPI, nhưng chắc sẽ ảnh hưởng tới CPI của tháng 3. Đây chính là thời điểm kết thúc quý 1, bắt đầu quý 2 của năm, tức là giai đoạn các đơn vị, doanh nghiệp bắt tay vào kế hoạch sản xuất. "Chu kỳ sản xuất mới được bắt đầu bằng chuyện xăng tăng giá là không hay” theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, cứ xăng dầu tăng 10 đồng 1 lít thì cước phải tăng 5 đồng. Song trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, hàng hóa tiêu thụ khó thì để cạnh tranh buộc doanh nghiệp vận tải cũng phải chia sẻ lợi nhuận, chứ không thể tăng "cứng” như thế được. Nhưng khi doanh nghiệp không chịu đựng được thì doanh nghiệp đành phải tính toán lên giá.

Trao đổi với phóng viên, ngư dân Hoàng Hải Minh ở Quỳnh Đôi – Quỳnh Lưu, Nghệ An than thở, 10 ngày tới đôi tàu đánh bắt xa bờ của anh chính thức ra khơi. Bây giờ là thời điểm tính toán  chi phí chuyến đi. Mặt hàng dầu có mức tăng hơn 200 đồng/l nói thì nhỏ nhưng mỗi chuyến đi phải tiêu thụ mất 20 – 25 triệu đồng tiền dầu. Như vậy, chi phí đầu vào bị đẩy thêm một vài triệu đồng: Rồi các mặt hàng khác như: nước đá, thực phẩm, lưới cũng rục rịch  tăng theo. "Nếu như đi về mà đánh được cá ít, thì không đủ bù lỗ. Thôi thì chỉ biết cầu cho "cá sẽ đầy thuyền vậy” – anh Minh nói.

Nhìn con số giá xăng tăng 300 đồng/l, giá dầu tăng 200 đồng/l, ít  ai nghĩ rằng sức ảnh hưởng của nó tới chỉ số giá cả hàng hóa, nhưng thực tế nó lại có tác động không nhỏ đến nghành vận tải biển trong nước, nhất là ngư dân. Đại diện một số hiệp hội kinh doanh xuất khẩu nói, các hãng tàu còn tăng các loại cước phí như bốc dỡ, vận chuyển và điều này càng tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. 
 

Xăng tăng giá, DN vận tải cũng nhấp nhổm "ăn theo” 
Giá cả rục rịch tăng 

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ: 

Bao giờ tái cơ cấu nền kinh tế một cách cơ bản, xử lý yếu kém cơ bản được thì tình trạng xăng dầu mới thoát ra được mớ bùng nhùng. Nếu không minh bạch được cách kinh doanh của khối doanh nghiệp độc quyền thì nay giá xăng tăng, mai giá điện tăng, hiệu quả kinh doanh thấp, độc quyền còn nhiều thì yếu kém càng lớn, dân vẫn khổ.
Nhìn lại một năm 2013, giá xăng dầu đã có rất nhiều lần điều chỉnh, trong đó có tới 6 lần giảm và 5 lần tăng nhưng nhìn chung tăng nhiều mà giảm ít , cao hơn 1060 đồng so với đầu năm 2013. Năm 2014, lần điều chỉnh giá xăng ngày 21-2 là lần điều chỉnh giá xăng lần đầu tiên trong năm  nhưng là lần thứ 3 đối với dầu diesel. 

Khảo sát của phóng viên tại một số chợ như chợ Hôm, chợ Hàng Bè, Ngã Tư Sở (Hà Nội) nhận thấy, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống đã "té nước theo xăng”, với mức tăng dao động từ 2.000-10.000 đồng. Cụ thể, giá rau xà lách tăng từ 15.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg,  khoai tây được bán với giá 17.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg.

Chị Lan một tiểu thương tại chợ Hôm nói, giá xăng tăng, chi phí vận chuyển cũng cao lên, nên nhiều hàng hóa có nhỉnh đôi chút là điều dễ hiểu. Thời tiết 2 tuần này lạnh, rau không thể tăng trưởng, giá xăng tăng thì rau củ quả phải tăng theo.

TS Lê Đăng Doanh bình luận, giá xăng tăng vào thời điểm nào cũng đều ảnh hưởng tới giá cả các mặt hàng khác. Trong bối cảnh sản xuất vẫn đình trệ, doanh nghiệp lao đao thì tăng giá đầu vào càng gây nên những hậu quả tiêu cực. Không nên có tâm lý chủ quan rằng chúng ta kiểm soát lạm phát tốt, thấp hơn mục tiêu mà tăng giá đầu vào.

Còn chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhấn mạnh, trong lúc giá cả hiện nay không phải là thấp, mặt bằng giá nhiều loại hàng vẫn đang khá cao, thu nhập người dân nói chung, và những người lao động nói riêng đang ở trong tình trạng khó khăn. Do vậy, đứng về mặt an sinh xã hội, khi đưa ra quyết định tăng giá bất kỳ mặt hàng gì cũng phải cân nhắc thiệt hơn xuất phát từ người dân. "Dân khổ đã đành. Nhiều doanh nghiệp sản xuất còn khốn khổ hơn khi tháng 3 là thời điểm bắt đầu chu kỳ kinh doanh mới” ông Lưu Bích Hồ lưu ý. Hiện nay chúng ta đang vướng về tổng cầu. Các xí nghiệp không bán được hàng, dẫn đến tồn kho, kéo theo tình trạng đình trệ, trì trệ. Mục tiêu của mình là muốn vực cầu lên nhưng việc tăng giá xăng là hành động ngược.

"Điều tôi băn khoăn nhất là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không minh bạch, Bộ Tài chính – Công Thương cũng không làm cho các doanh nghiệp minh bạch được. Các đầu mối kinh doanh xăng dầu ai cũng lãi lớn, lãi khủng cả trăm tỷ từ hoạt động xuất nhập. Rồi nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng đang cung cấp một lượng hàng đấy thôi. Mỗi lần điều chỉnh giá chỉ vin vào giá thế giới là không được”- ông Lưu Bích Hồ nói.

(Theo ĐĐK.VN) Hồ Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét