Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Đảo chính ở Ukraine: Chưa chắc ai thắng ai?

Cập nhật lúc 15:02
 (Petrotimes) - Việc phế truất Tổng thống Yanukovych và lập nên một chính phủ lâm thời thân phương Tây ở Ukraine khiến nhiều người cho rằng Nga đã “thua” một vố đau trước Liên minh châu Âu (EU). Người ta cũng tưởng rằng phương Tây sẽ ngay lập tức giang rộng vòng tay đón thành viên mới Ukraine vào “mái nhà chung” EU cũng như vung tiền hào phóng trợ giúp cho Kiev tránh khỏi phá sản. Nhưng sự dè dặt của Cao ủy EU về đối ngoại Catherine Ashton khi đến Kiev ngày hôm qua và sự ô hợp, chia rẽ của chính phủ mới được dựng lên ở Ukraine không khỏi khiến những “tưởng tượng” này bị hẫng hụt.

Ukraine bị "giằng xé" trong cuộc chiến EU - Nga
Lời hứa chỉ là lời hứa
Chính phủ lâm thời của nhà lãnh đạo ủng hộ phương Tây Oleksandr Turchynov đang cần tiền! Không có tiền, Ukraine sẽ rơi vào tình trạng “mất khả năng thanh toán”. Và theo ước tính của chính phủ tạm thời, Ukraine cần 35 tỷ USD (25 tỷ euro) cho hai năm tài khóa 2014 – 2015. Trong khi đó, tình hình kinh tế Ukraine còn nhiều điểm yếu như xuất khẩu lệ thuộc quá nhiều vào nguyên nhiên liệu và nông nghiệp, đồng tiền bị giảm giá, tăng trưởng bằng số không. Do đó, Ukraine không còn lựa chọn nào khác là dựa vào sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Tiền đâu cũng chính là vấn đề đầu tiên là bất cứ nhà tài trợ nào cũng phải chắc chắn có khi muốn làm “bảo kê” cho tương lai của Ukraine.
Tuy nhiên, mặc dù tuyên bố đi đầu trợ giúp Ukraine nhưng thái độ của EU lại khá dè dặt. Khi đến Kiev, Cao ủy đối ngoại EU Ashton chỉ "sốt sắng" trong việc gặp gỡ với chính quyền mới sắp được bầu ra tại Ukraine chứ không đưa ra các cam kết chắc chắn về hỗ trợ kinh tế. Bà Ashton cho rằng, Uckaine cần có chính phủ mới và đề ra kế hoạch cải cách kinh tế rõ ràng, để có thể nhận được sự giúp đỡ từ Liên minh châu Âu.
Mặc dù có thể hiểu tuyên bố “chúng tôi trợ giúp, chứ không can thiệp vào tương lai của Ukraine” của Cao ủy đối ngoại EU là một thủ thuật ngoại giao khi muốn phủ nhận sự can thiệp của khối này vào các vấn đề nội bộ của Kiev, nhưng lời kêu gọi Nga hỗ trợ Ukraine của bà Ashton thì khá “chân thành”: “Với vai trò là một nước láng giềng rất quan trọng của Ukraine, việc Nga hỗ trợ Ukraine để nước này có thể đi theo đúng hướng mong muốn là điều cực kỳ quan trọng”. Bà Ashton cũng nhấn mạnh “tầm quan trọng của mối liên hệ chặt chẽ giữa Nga và Ukraine, cũng như tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ này”.
Bên cạnh đó, sau cuộc gặp với đại diện các đảng chính của Ukraine bà Ashton có lẽ đã nhận ra vấn đề. Ba đảng đối lập chính không chỉ không có mấy điểm chung về chính trị mà còn đang “đấu đá” quyết liệt, không chỉ với nhau, mà còn với các nhà hoạt động dân sự và các nhóm khác đại diện cho nhiều cử tri tham gia vào cuộc biểu tình kéo dài 3 tháng qua ở Ukraine.
Arseniy Yatsenyuk P. , một nhà lãnh đạo trong Quốc hội của Đảng Tổ quốc và một ứng cử viên hàng đầu cho chức Thủ tướng đã kêu gọi các phe phái sớm đạt được thỏa thuận để thành lập một chính phủ liên minh – yếu tố cần thiết để yêu cầu hỗ trợ kinh tế khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Hạn chót là ngày mai (27/2).
Và ở đâu đó, ắt hẳn đã có những nghi ngại: "Những kẻ mới đến chưa chắc đã tốt hơn những người vừa ra đi".
Không thể thiếu Nga
Trong khi đó, mặc dù Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố không công nhận chính phủ lâm thời của Turchynov, nhưng Moskva cũng không “đóng” hết các cửa với Kiev khi cho biết, vẫn hoàn thành mọi thỏa thuận có ràng buộc pháp lý với Ukraine, trong đó có gói cứu trợ 15 tỷ USD. Vấn đề nằm ở chỗ, Moskva sẽ làm việc với chính phủ nào ở Kiev mà thôi. Tất nhiên là không phải với “những kẻ côn đồ càn quấy mưu toan chiếm chính quyền bằng vũ lực” hiện tại.
Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Luxembourg Jean Asselborn, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 25/2 cũng tuyên bố: Ukraine không nên bị buộc phải lựa chọn giữa Nga và phương Tây. Nga cũng khẳng định nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine.
Xem ra, EU vẫn hứa, Washington cũng vẫn hứa nhưng có lẽ, EU phải chờ chính phủ mới của Ukraine được lập nên sau ngày bầu cửa 25/5 tới sẽ như thế nào. Còn IMF thì không bao giờ tài trợ vô điều kiện. IMF đã nói rõ rằng, Ukraine sẽ phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng và một số thay đổi kinh tế để đổi lấy bất kỳ gói tài trợ nào.
Mặt khác, điều quan trọng là địa chính trị và mối quan hệ lịch sử giữa Ukraine và Nga buộc EU phải tìm kiếm một sự đồng thuận từ Nga.
Nga cũng không thể buông tay Ukraine, vì như Thủ tướng Medvedev đã nói: “Chúng tôi là láng giềng. Chúng tôi không thể chạy xa nhau”.
Ukraine là một phần lịch sử Nga và là đồng minh nước ngoài quan trọng lớn nhất của Nga. Ukraine là đường dẫn vào Nga mà những kẻ xâm lược từ Thành Cát Tư Hãn đến Hitler đều cần phải chinh phục để tiến vào trung tâm nước Nga. Ukraine cũng là cửa ngõ ra phía Tây Nam của Nga, có 1 cảng hải quân chiến lược lớn nhất của Nga - Sevastopol, được thiết lập từ thời Liên Xô, là cái chốt cuối cùng trong vòng vây bao quanh Nga của Mỹ về phía Tây, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Ba Lan trong kế hoạch lá chắn của Mỹ.
Ukraine cũng là vựa lúa mỳ của Nga, là thành phần quan trọng trong kế hoạch xây dựng không gian kinh tế hậu Xô Viết để tái sinh một nước Nga hùng cường như tham vọng của Tổng thống Putin.
Nên dứt khoát, Nga không thể để mất Ukraine! Vấn đề là Moskva đang xem Mỹ và EU sẽ phải "cầu cạnh" mình như thế nào!
                                             (Theo Petrotimes) Linh Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét