Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

 Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân: Cần xử lí nghiêm hành vi trù dập nghiên cứu sinh

Cập nhật lúc 11:00
Báo Người cao tuổi nhận được đơn của anh Trần Đức Thắng, giảng viên Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD), đồng thời là nghiên cứu sinh K30 (2009 – 2013) tố cáo ông Đặng Ngọc Đức, Phó viện trưởng Thường trực Viện Ngân hàng – Tài chính có hành vi trù dập nghiên cứu sinh gây hậu quả nghiêm trọng. Qua nghiên cứu hồ sơ, đồng thời tham vấn các chuyên gia trong ngành GD&ĐT cho thấy, nội dung tố cáo của anh Trần Đức Thắng là hoàn toàn có cơ sở và đặc biệt, hậu quả nghiêm trọng mà ông Đức gây ra cho anh Thắng là không thể khắc phục được. Dư luận đang rất bức xúc, đặt câu hỏi, phải chăng đang có vị nào trong Ban Giám hiệu nhà trường chống lưng, nên ông Đức mới ngang ngược như vậy?…
Đơn anh Thắng trình bày, được sự đồng ý của nhà trường, năm 2009 anh đăng kí dự thi nghiên cứu sinh khóa 30 chuyên ngành Kinh tế Tài chính Ngân hàng và đã trúng tuyển. Tháng 12/2009 anh được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là nghiên cứu sinh K30 năm 2009 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Do hướng nghiên cứu của anh Thắng về dịch vụ ngân hàng điện tử của các ngân hàng thương mại, nên tháng 4/2010 anh được Khoa Ngân hàng – Tài chính (cũ) phân công sinh hoạt khoa học tại Bộ môn Ngân hàng Thương mại. Với sự góp ý của các giáo viên trong bộ môn, đặc biệt là định hướng của PGS, TS Phan Thị Thu Hà, Trưởng bộ môn, nên anh Thắng lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu: “Chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử của các ngân hàng thương mại”.
 Ông Đặng Ngọc Đức, Phó viện trưởng Thường trực Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Ông Đặng Ngọc Đức, Phó viện trưởng Thường trực Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Sau thời gian nghiêm túc học tập, anh Thắng đã hoàn thành tất cả các môn học của nghiên cứu sinh. Ngày 25/5/2011, Hiệu trưởng Trường Đại học KTQD kí ban hành quyết định công nhận đề tài với tên: “Nghiên cứu mối quan hệ giữa chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử, mức độ thỏa mãn và mức độ trung thành của khách hàng ở Việt Nam”, đồng thời giao cho GS, TS Cao Cự Bội làm giáo viên hướng dẫn. Với sự hướng dẫn nhiệt tình của GS, TS Cao Cự Bội, những đóng góp về chuyên môn của Bộ môn Ngân hàng Thương mại, đặc biệt là của PGS, TS Phan Thị Thu Hà, anh Thắng hoàn thành 3 chuyên đề tiến sĩ. Ngày 30/11/2012, Hiệu trưởng Trường ĐHKTQD đã kí quyết định thành lập Tiểu ban chấm chuyên đề tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Trần Đức Thắng. Ngay sau đó, Hội đồng đã thực hiện việc chấm, kết quả cả 3 chuyên đề của anh đều được Tiểu ban cho điểm 9 và gửi tới Viện Sau đại học.
Ngày 9/8/2013, nghiên cứu sinh Trần Đức Thắng tổ chức báo cáo khoa học về nội dung luận án trước Bộ môn Ngân hàng Thương mại, nghe đóng góp của các giáo viên trong bộ môn. Luận án hoàn thiện, được GS, TS Cao Cự Bội đọc, chỉnh sửa và bút phê trực tiếp vào luận án “đồng ý cho bảo vệ”, đề nghị Viện Ngân hàng – Tài chính cho bảo vệ cấp cơ sở. Theo quy định, hồ sơ bảo vệ cấp cơ sở cần phải có 4 chữ kí của giáo viên hướng dẫn, trưởng bộ môn, đơn vị quản lí nghiên cứu sinh và nghiên cứu sinh vào bản báo cáo tiến độ của nghiên cứu sinh; Danh sách đề nghị hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở. GS, TS Cao Cự Bội và PGS, TS Phan Thị Thu Hà đã kí, riêng lãnh đạo Viện Ngân hàng – Tài chính, trực tiếp là ông Đặng Ngọc Đức, Phó viện trưởng Thường trực dứt khoát không kí, với lí do anh Thắng không được phép sinh hoạt khoa học tại Bộ môn Ngân hàng Thương mại, mà phải sinh hoạt khoa học tại Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp, nơi anh là giảng viên? Anh Thắng trình bày: “Đề tài của tôi viết về lĩnh vực ngân hàng thương mại nên khoa đã phân công tôi sinh hoạt chuyên môn tại Bộ môn Ngân hàng thương mại. Tôi đã thực hiện nghiêm túc và PGS, TS Phan Thị Thu Hà, Chủ nhiệm bộ môn Ngân hàng Thương mại cũng đã kí xác nhận…”. Ông Đức không chấp nhận còn nói rằng “chữ kí của PGS, TS Phan Thị Thu Hà không có giá trị”.
Không đồng ý với hành vi của ông Đức, anh Thắng và PGS, TS Phan Thị Thu Hà trực tiếp gặp ông Đức nhiều lần nữa để trình bày. GS, TS Cao Cự Bội, cựu Trưởng khoa Ngân hàng – Tài chính, giáo viên hướng dẫn của anh Thắng cũng gọi điện và trực tiếp gặp ông Đức, đề nghị cho anh Thắng bảo vệ nhưng vẫn không được. Sau đó, anh Thắng viết văn bản đề nghị và yêu cầu, nếu Viện không đồng ý thì có ý kiến bằng văn bản. Ông Đức bèn cho anh Thắng xem quyết định số 13/QĐ-VNHTC do đích danh ông Đặng Ngọc Đức kí ngày 31/8/2012 (sau khi anh Thắng đã nghiên cứu được 3 năm). Theo đó, Viện Ngân hàng – Tài chính phân công anh Thắng trở về Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp để sinh hoạt khoa học. Anh Thắng hết sức ngạc nhiên, bởi anh không được giao quyết định này. Một quyết định quan trọng như vậy, mà Viện không hề gửi cho nghiên cứu sinh, giáo viên hướng dẫn và những người trực tiếp liên quan…? Đặc biệt nghiêm trọng là quyết định này không chỉ sai về mặt quy trình, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hợp lí hóa hành vi trù dập của ông Đức. Bởi lẽ, tháng 12/2012 ông Đức còn kí văn bản đề nghị cho nghiên cứu sinh Trần Đức Thắng bảo vệ 3 chuyên đề theo đề nghị của nghiên cứu sinh, giáo viên hướng dẫn và Chủ nhiệm Bộ môn Ngân hàng Thương mại, PGS, TS Phan Thị Thu Hà. Nhưng khi anh Thắng bảo vệ cấp cơ sở thì ông Đức lại không đồng ý, yêu cầu về sinh hoạt tại bộ môn Tài chính Doanh nghiệp và đưa ra quyết định số 13/QĐ-VNHTC kí ngày 31/8/2012? Có lẽ khi “sản xuất” ra quyết định này, ông Đức đã quên mất chính ông từng đề nghị cho anh Thắng bảo vệ?
 pl-1
Đối chiếu với hồ sơ của nghiên cứu sinh Trần Đức Thắng cho thấy, ngày 31/12/2009 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định số 9094/QĐ-BGDĐT, về việc công nhận 91 nghiên cứu sinh năm 2009 của Trường ĐHKTQD, trong đó có tên Trần Đức Thắng ở số thứ tự 30, mã số 62.31.12.01 ngành Kinh tế Tài chính Ngân hàng, thời hạn nghiên cứu là 4 năm. Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định công nhận nghiên cứu sinh đối với anh Thắng, Trưởng khoa Ngân hàng – Tài chính lúc đó đã căn cứ hướng nghiên cứu, phân công nghiên cứu sinh Trần Đức Thắng sinh hoạt khoa học tại Bộ môn Ngân hàng Thương mại, là đúng quy định. Nghiên cứu sinh Trần Đức Thắng sinh hoạt khoa học tại bộ môn này từ tháng 4/2010, đến thời điểm tháng 8/2013 là phù hợp với thời gian quy định. Nếu không có gì ngáng trở, nghiên cứu sinh Trần Đức Thắng có thể đã hoàn thành các bước và được bảo vệ luận án tiến sĩ theo quy định.
Việc ông Đặng Ngọc Đức, kí quyết định số 13/QĐ-VNHTC ngày 31/8/2012, điều chuyển nghiên cứu sinh Trần Đức Thắng về sinh hoạt tại Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp, khi anh Thắng đã hoàn thành nghiên cứu được 3 năm, bảo vệ xong 3 chuyên đề khoa học tại Bộ môn Ngân hàng thương mại là trái với quy định về đào tạo trình độ Tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trái với quy định của chính Trường ĐHKTQD và đặc biệt là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tại Chương III, Điều 14 Quy định về đào tạo trình độ Tiến sĩ tại Trường ĐHKTQD, ban hành kèm theo quyết định số 174/QĐ-ĐHKTQD ngày 8/3/2010 ghi rõ: “Sau khi có quyết định công nhận nghiên cứu sinh, căn cứ hướng nghiên cứu của nghiên cứu sinh, Khoa xác định bộ môn sinh hoạt khoa học cho nghiên cứu sinh. Trong thời gian 6 tháng kể từ ngày kí quyết định công nhận nghiên cứu sinh, căn cứ đề nghị của bộ môn, Hội đồng Khoa học – Đào tạo cấp Khoa họp thông qua đề tài luận án, danh sách người hướng dẫn và các học phần bổ sung cho từng nghiên cứu sinh thuộc chuyên ngành do khoa quản lí, Trưởng khoa gửi đề xuất tới Hiệu trưởng (qua Viện Đào tạo Sau đại học), kèm theo bản đăng kí đề tài nghiên cứu của nghiên cứu sinh”.
Hành vi hành chính của ông Đặng Ngọc Đức đã vi phạm đạo đức Nhà giáo, vi phạm 19 điều quy định đảng viên không được làm, gây hậu quả nghiêm trọng và không thể khắc phục: nghiên cứu sinh Trần Đức Thắng đã bị quá hạn nghiên cứu; chứng chỉ ngoại ngữ B2 của anh Thắng bị hết giá trị, không còn đủ điều kiện bảo vệ cơ sở, nếu muốn tiếp tục bảo vệ sẽ phải thi lại tốn kém rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Do quá hạn nên anh Thắng phải tốn thêm rất nhiều tiền để đóng học phí quá hạn. Hơn nữa, trong công trình nghiên cứu của anh Thắng sử dụng rất nhiều số liệu, bao gồm cả số liệu sơ cấp và thứ cấp, giờ đây đã không còn cập nhật, muốn bảo vệ phải làm lại, công sức 4 năm học tập, nghiên cứu của anh Thắng coi như không còn giá trị…
Do anh Thắng làm nghiên cứu sinh cũng là thực hiện nhiệm vụ với nhà trường, nên bị quá hạn cũng có nghĩa anh không hoàn thành được nhiệm vụ và sẽ mất thi đua, ảnh hưởng đến công việc và danh dự. Cuối cùng, việc trù dập, ngăn cản, gây khó khăn cho nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ, vô hình trung ngăn cản nghiên cứu sinh cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và khoa học, vấn đề đang rất được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm, làm mất đi những cơ hội thăng tiến trong công việc của nghiên cứu sinh.
Báo Người cao tuổi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đảng ủy Khối các trường Đại học – Cao đẳng Hà Nội, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường ĐHKTQD xem xét, giải quyết thấu đáo quyền lợi hợp pháp cho nghiên cứu sinh Trần Đức Thắng, đồng thời xem xét trách nhiệm của ông Đặng Ngọc Đức trong sự việc này, xử lí nghiêm theo quy định pháp luật, của Đảng và của ngành.
(Theo Báo Người cao tuổi) Hoàng Linh
Tôi nghĩ có lẽ anh Thắng đã “thiếu sót”, chưa hoàn tất “thủ tục” gì đó với riêng ông Đức nên ông mới làm vậy. Thời buổi bây giờ nhiều thứ không thể nói suông được!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét