Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Khi “bánh vẽ” treo cao

Cập nhật lúc 08:35


Cách đây 3 năm, hơn 3 triệu người nghèo cả nước vui mừng khi hay tin sẽ được hỗ trợ tiền điện. Nhưng giờ đây, rất nhiều hộ đang từ chối nhận số tiền này. Lý do: họ phải bỏ chi phí gấp nhiều lần để lĩnh được số tiền hỗ trợ này.

Cụ thể, theo một thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về giảm nghèo bền vững, trước đây những hộ nghèo được hỗ trợ dầu thắp sáng. Khi có điện lưới quốc gia, thông qua ngành điện lực, người nghèo được cấp điện miễn phí. Từ năm 2011, các bộ, ngành đề xuất hỗ trợ trực tiếp tiền điện cho dân, đối tượng là hộ nghèo được nhận hỗ trợ tiền điện 30.000 đồng/hộ/tháng. Theo tính toán của Bộ Công thương, với mức này, nhà nước đã hỗ trợ người nghèo tới 60% tiền điện.
Thế nhưng, vấn đề là ở chỗ để có được số tiền 30.000 đồng/tháng, nhiều người ở vùng sâu, vùng xa đã phải bỏ ra cả trăm nghìn tiền xe ôm (đi và về), chưa kể tiền ăn dọc đường để đi lĩnh. Thế là, nếu không đi thì mất 30.000, còn đi lĩnh thì mất thêm tiền. Và câu chuyện này một lần nữa được đại diện các bộ ngành nhắc lại như một bài học về xây dựng chính sách tại cuộc họp Ban Chỉ đạo T.Ư về giảm nghèo bền vững chiều 20.2.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, đây không phải là vấn đề mới. Ông đã đi và nghe rất nhiều chuyện về xây dựng chính sách mà người thụ hưởng rơi vào cảnh tương tự. Lý do, ông Phử cho rằng chính sách hiện nay còn cào bằng chung cả nước, “ai vào rọ đều được”. Trong danh mục hỗ trợ trực tiếp, ngoài tiền điện còn có phân bón, giống, thuốc trừ sâu, dầu, muối… Lấy ví dụ việc hỗ trợ muối hiện nay không phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Những vùng nghèo như ĐBSCL không cần phải hỗ trợ muối. Nhưng vùng cao, hỗ trợ muối lại rất quan trọng.
VN đang hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững và khuyến khích người dân thoát nghèo. Chính sách giúp dân thoát nghèo là cần thiết. Nhưng “của cho không bằng cách cho”, với kiểu xây dựng chính sách cho không vừa mất công, vừa mất của hiện nay, chẳng những chưa tạo điều kiện và khuyến khích được các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo mà còn khiến họ có phần khó khăn khi thụ hưởng. Vì thế, rất nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ nghiên cứu cắt giảm, nhất là những chính sách hỗ trợ trực tiếp. Thay vì cho tiền, có thể cho người nghèo cái “cần câu” và hướng dẫn, giúp họ cách câu. 
(Theo TNO) Thu Hằng
Tựa đề của Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét