Đau đầu nhất là xử lý sở hữu chéo
Cập nhật lúc 16:31
SGTT.VN - Theo ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên hội đồng Tư vấn
chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân
hàng năm nay cải thiện được hay không là phụ thuộc hoàn toàn vào việc xử lý
nợ xấu và phá băng tín dụng. Trong đó xử lý nợ xấu quan trọng nhất, bởi nợ
xấu được cắt đuôi tới đâu, sẽ đẩy tín dụng tăng thêm tới đó.
Theo nhận định của ông Nghĩa, hết năm 2014, nếu VAMC mua cộng dồn
được 135.000 tỉ đồng nợ xấu như kế hoạch, sẽ thúc đẩy thêm lượng tín dụng ra
tương đương, hoặc lớn hơn, chưa kể lượng tín dụng tăng tự nhiên.
Lợi nhuận rất thấp và cũng không chính xác
Nhìn lại năm 2013,
ông đánh giá như thế nào về hoạt động ngân hàng?
Năm 2013, hệ thống ngân hàng thanh khoản ổn định, thậm chí dồi
dào là khác, song tăng trưởng tín dụng rất thấp, chỉ 12% cả năm, nhưng trong
đó có bao nhiêu là lãi gộp vào gốc thì chưa biết. Cho nên, tăng trưởng thực
tín dụng của năm qua rất thấp, điều đó cho thấy, hệ thống ngân hàng rơi vào
tình trạng cảnh giác cao độ với hoạt động sản xuất kinh doanh, với lý do là
nợ xấu rất lớn, lại thêm mối lo cầu quá yếu, cộng với chuyện nợ xấu do các
doanh nghiệp kinh doanh thêm bất động sản dù hoạt động sản xuất kinh doanh
chính vẫn bình thường. Mà phong trào doanh nghiệp đầu tư bất động sản một
thời cũng có nguyên nhân sâu xa là, muốn vay vốn của ngân hàng thường phải có
tài sản thế chấp là bất động sản, cho nên bao giờ doanh nghiệp cũng dự phòng
một vài miếng đất, một vài dự án bất động sản để khi cần vốn thì có tài sản
thế chấp và họ chết là chết ở cái bất động sản ấy.
Tổng quát mà nói, tín dụng tăng thấp như vậy thì chứng tỏ lợi
nhuận cũng rất thấp và bản thân lợi nhuận đó cũng không thể chính xác được,
vì trích không đủ dự phòng rủi ro, hay tăng trưởng tín dụng cũng do một phần
lãi gộp vào vốn gốc, v.v. Nhìn chung, năm 2013, kết quả kinh doanh của hệ
thống ngân hàng khó khăn hơn năm 2012, trong đó, có những ngân hàng lợi nhuận
giảm gần một nửa, thậm chí có thể thua lỗ, chỉ một số ít ngân hàng vẫn duy
trì được lợi nhuận và tăng trưởng khá. Những khó khăn này có cải thiện hay
không trong năm tới hoàn toàn phụ thuộc vào việc xử lý nợ xấu và phá băng tín
dụng.
Có cách nào để phá
nhanh băng tín dụng?
Cuối năm ngoái, ngân hàng Nhà nước gửi một công văn gửi các ngân
hàng thương mại, trong đó có nội dung vô cùng quan trọng là cho phép các ngân
hàng thương mại cho vay mới đối với các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, không
cần phải tuân thủ chuẩn mực là có nợ xấu, ý là không cần trích lập dự phòng
rủi ro theo nợ cũ và cho vay mới là vay mới, rất tiếc là văn bản chỉ có hiệu
lực đến 31.12.2013. Văn bản này thể hiện định hướng của ngân hàng Nhà nước
trong thúc đẩy tín dụng đầu ra, cắt đuôi nợ xấu lại. Và họ hy vọng, đến năm
2014, hoạt động mua nợ xấu của VAMC nhiều hơn, thì khỏi phải cắt đuôi nữa mà
chính VAMC cắt đuôi.
Người ta có thể nhìn thấy việc tăng trưởng tín dụng phụ thuộc
nhiều vào số nợ xấu mà VAMC mua. Có thể hiệu ứng của nó chậm lại khoảng ba,
bốn tháng. VAMC mua được càng nhiều, thì tín dụng càng được mở ra. Theo nhận
định của tôi, nếu trong năm 2014, VAMC mua được 100.000 tỉ đồng, nâng tổng số
nợ xấu mua được là 135.000 tỉ đồng, thì có thể thúc đẩy thêm lượng tín dụng
ra tương đương, hoặc lớn hơn mức đó ít nhất 10%. Cộng với đó là lượng tín
dụng tăng tự nhiên.
Vẫn giấu nợ xấu
Việc ngân hàng không
trích đủ dự phòng rủi ro, có cách nào để kiểm soát không, thưa ông?
Theo quy định, có hai khoản trích lập dự phòng: khoản trích lập
dự phòng chung với tỷ lệ 0,75% tổng tài sản và khoản trích lập trên cơ sở các
nhóm nợ. Khoản trích lập chung thì dễ tính, nhưng khoản còn lại, nếu người ta
đánh bay đánh bổng ở nhóm nợ thì không dễ để kiểm tra, kiểm soát. Chính xác
được nợ xấu là vấn đề nan giải ngay cả với tổng giám đốc và chủ tịch HĐQT
chính ngân hàng đó, chứ đừng nói chuyện đến người ngoài.
Vậy làm sao có thể xử
lý nợ xấu tới nơi tới chốn?
Phải lượng sức, thực hiện từng bước một, mà việc bán nợ cho VAMC
cũng là một cách tốt trong điều kiện hiện nay. Kể cả trong trường hợp VAMC
chưa bán được nợ đó cho ai cả, nhưng mà ngay lập tức nó giải toả, khoanh nợ
lại để cho doanh nghiệp vay vốn. Mà trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp
cần vay mới cho những dự án đầu tư, xuất khẩu thực sự có hiệu quả, nhưng kẹt
nợ xấu.
Nhìn thấy những món nợ bán cho VAMC, chứng tỏ chưa có món nợ nào
của ông chủ sở hữu chéo ở đó, vì giá trị mỗi món chỉ vài ba tỉ đồng, số lượng
một vài trăm tỉ đồng rất ít. Mà những ông chủ sở hữu chéo toàn vay cả trăm tỉ
đến ngàn tỉ, chục ngàn tỉ đồng, nhưng họ cũng rất khôn là chủ yếu vay trung,
dài hạn, gặp khó khăn về trả nợ, các ông lại tái cấu trúc thành trung, dài
hạn tiếp, nên chưa ở mức nợ xấu để buộc phải bán. Đấy chính là một bi kịch mà
mình không có cơ sở pháp lý để xử lý. Muốn vậy, thanh tra ngân hàng phải nhảy
vào, thanh tra từng dự án một, như họ đã từng làm ở ngân hàng Westerbank, và
một phần làm ở Navibank. Mặt khác, thanh tra ngân hàng làm xong rồi, kết luận
rồi, nhưng nếu không ra sức ép, thì ông chủ đó vẫn ngồi đó, dù nợ xấu rất
xấu, có thanh tra vào rồi, ông không giãn nợ được nữa, nhưng vẫn cứ đắp chiếu
nằm đó, mà khối lượng có thể lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng.
Theo ông, có cách nào
để giải quyết tận gốc sở hữu chéo?
Xử lý tận gốc sở hữu chéo là đại vấn đề. Bản thân sở hữu chéo
không có tội gì, vì có một thời chúng ta đã từng quy định, ngân hàng thương
mại cổ phần ra đời phải có ngân hàng quốc doanh cầm trịch, đặc biệt có cổ
phần của các doanh nghiệp quốc doanh, để lãnh đạo, quản lý và điều đó cũng là
cần thiết. Ngoài ra, thực tế ở Việt
Vấn đề chính là sở hữu với tỷ lệ lũng loạn, dùng tỷ lệ lũng loạn
đó để biến ngân hàng thành nơi cung cấp vốn cho chính tập đoàn của mình, đấy
mới là vấn đề mà chúng ta rất quan tâm. Sở hữu lũng loạn đã là sai rồi, anh
lại còn lũng loạn nó để cung ứng vốn cho tập đoàn của mình, từ đó vô hiệu hoá
toàn bộ quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro trong ngân hàng, khiến cho hệ
thống ngân hàng luôn rơi vào tình trạng khủng hoảng bất cứ lúc nào, ngân hàng
thành con tin của các ông chủ tập đoàn, đấy là vấn đề đau đầu nhất của chương
trình tái cấu trúc, mà xử lý nó không đơn giản tí nào. Cơ quan thanh tra của
ngân hàng Nhà nước, thậm chí ngay cả cơ quan cảnh sát điều tra cũng không dễ
điều tra ra được trong số mấy chục phần trăm cổ phần của ông này, ông kia thì
ai đứng tên hộ.
Tôi đang nghĩ một biện pháp, có thể để cho những ông chủ sở hữu
chéo đó tự nguyện cung cấp thông tin, công bố đã nhờ ai đứng tên hộ, chúng ta
sẽ chấp thuận và cho họ một lộ trình thoái vốn dần; còn nếu cố tình che giấu,
chúng ta sẽ xử lý nghiêm.
Cảm ơn ông!
(Theo SGTT) THẢO NGUYỄN THỰC HIỆN
|
Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét